Đề án đưa người dân ở 62 huyện nghèo xuất khẩu lao động - Trang bị “tận răng” cho người lao động

Đề án đưa người dân ở 62 huyện nghèo xuất khẩu lao động - Trang bị “tận răng” cho người lao động

Hiện nay, vần đề đang được nhiều người quan tâm là đề án hỗ trợ cho người dân nghèo ở 62 huyện nghèo trong cả nước đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, điều làm người dân băn khoăn là với mức thu nhập còn khó khăn, người lao động ở huyện nghèo làm sao có thể “xuất ngoại”! Chiều 21-8, bà Hoàng Kim Ngọc (ảnh) - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH) đã có cuộc trao đổi về những nội dung người dân quan tâm.

* PV: Hiện nay, với mức thu nhập còn khó khăn, làm sao người dân nghèo ở huyện nghèo có thể xuất khẩu lao động?


* Bà HOÀNG KIM NGỌC: Theo chính sách mà Chính phủ vừa ban hành thì người lao động ở các huyện nghèo gần như được trang bị “tận răng” bằng nguồn hỗ trợ của ngân sách, gồm từ chi phí ăn ở, học văn hóa, học ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho đến học nghề, chi phí làm các thủ tục xuất khẩu lao động. Trong đó, nhiều khoản đầu tư gần như là được hỗ trợ 100%. Thậm chí, ngay cả trong trường hợp thị trường sử dụng lao động xảy ra rủi ro, người lao động phải về nước trước thời hạn thì nhà nước cũng hỗ trợ toàn bộ chi phí vé máy bay trở về nước cho người dân.

Đồng thời, nhà nước cũng không khống chế mức trần cho vay mà tùy thuộc từng đòi hỏi của thị trường, người lao động sẽ được nhà nước cho vay các mức khác nhau để họ có đủ điều kiện được xuất khẩu lao động, chẳng hạn như với người đi xuất khẩu lao động ở Malaysia thì có thể được vay 30-40 triệu đồng, còn đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản có thể được vay lên tới 100 triệu đồng.

* Thưa bà, sau khi có chủ trương đưa người lao động ở các huyện nghèo xuất khẩu lao động, hiện nay kết quả ra sao?


* Mặc dù mới triển khai được hơn 3 tháng nhưng đã có hơn 2.000 người ở 62 huyện nghèo đăng ký xuất khẩu lao động. Trong đó, đã có 1.700 người trúng vòng sơ tuyển. Trong số những người trúng tuyển, hiện chúng tôi đã đưa được 1.400 vào các lớp dạy nghề, bổ túc văn hóa và vừa mới đây, đã có hơn 100 lao động được đưa xuất khẩu lao động. Nhiều lao động nghèo như ở Quảng Ngãi đã bước đầu có thu nhập gửi về cho gia đình khoảng 2 triệu đồng/tháng. Mục tiêu mà chúng tôi đặt ra là đến năm 2010, cả nước sẽ đưa được khoảng 10.000 người lao động của 62 huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động.

 
* Khi tham gia đề án này, các doanh nghiệp sẽ được hưởng quyền lợi như thế nào?


°Hiện nay doanh nghiệp đang gặp hai khó khăn. Một là thị trường xuất khẩu, nói cách khác là “đầu ra” vẫn còn đang trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Hai là do trình độ, tập quán cũng như nhận thức của người dân ở huyện nghèo, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, nên việc vận động người dân tham gia xuất khẩu lao động không dễ dàng. Theo khảo sát thì hiện đang có tới 65% người dân ở các huyện nghèo mới chỉ có trình độ dưới THCS. Vả lại, người dân ở các huyện nghèo thường lập gia đình khá sớm nên ngại đi xa nhà. Song khi doanh nghiệp tham gia đề án đưa người lao động ở các huyện nghèo xuất khẩu lao động sẽ được Chính phủ hỗ trợ đặc biệt thông qua nguồn vốn ưu đãi khi doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng cơ sở đào tạo, đầu tư thêm trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động và nhiều khoản đầu tư, ưu đãi khác.

 
* Làm sao ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp với người lao động, đặc biệt là về yêu cầu đảm bảo chất lượng hợp đồng xuất khẩu lao động?


* Chủ trương của nhà nước là không hạn chế các doanh nghiệp tham gia chương trình đưa người lao động ở các huyện nghèo xuất khẩu lao động. Nhưng để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhà nước sẽ quản lý chặt các doanh nghiệp tham gia theo hướng chỉ những hợp đồng xuất khẩu lao động đảm bảo tính khả thi, đảm bảo cho người lao động đạt mức thu nhập từ trung bình khá trở lên, đảm bảo điều kiện ăn ở, việc làm ổn định… thì mới được chấp thuận cho thực hiện, không để tình trạng doanh nghiệp hoạt động xô bồ như thời gian qua.


* Tuy vậy, hiện vẫn đang có tình trạng một vài doanh nghiệp mặc dù không đạt tiêu chí như đề án nhưng vẫn đang tìm về các huyện nghèo để đưa lao động xuất khẩu…


°Thực sự, chỉ có những doanh nghiệp được chấp thuận mới được đầu tư, sử dụng nguồn kinh phí thuộc đề án hỗ trợ các huyện nghèo xuất khẩu lao động. Những doanh nghiệp mà các phương án đưa người lao động xuất khẩu không có tính khả thi, không được cơ quan chức năng thẩm định nhưng vẫn đưa người dân đi xuất khẩu lao động là hoàn toàn vi phạm và sẽ bị xử lý theo quy định đã ban hành. Mục đích của chúng tôi khi triển khai đề án là nhằm cho người dân có cơ hội thoát nghèo, đảm quyền lợi cho người lao động chứ không thể để xảy ra tình trạng người nghèo lại càng nghèo hơn do gặp phải những rủi ro.


* Mục tiêu đề án đặt ra là đến năm 2010 sẽ đưa khoảng 10.000 lao động đi xuất khẩu liệu có khả thi?


* Hiện nay, chúng tôi đang vận động các doanh nghiệp khi có các cơ hội về thị trường thì ưu tiên cho mục tiêu xuất khẩu lao động ở các huyện nghèo. Trước mắt, mặc dù mới chỉ thực hiện được hơn 3 tháng song đề án đưa người dân ở huyện nghèo xuất khẩu lao động đã bước đầu khả thi, trong đó điều đáng mừng là thị trường xuất khẩu lao động đã bắt đầu phục hồi trở lại, nhiều thị trường cũ và mới như Libi, Malaysia, UAE… có thể đáp ứng nhu cầu lao động ở các huyện nghèo. Chúng tôi sẽ làm rất thận trọng để đảm bảo quyền lợi thực sự cho người lao động để thu hút được nhiều người dân tham gia hơn.

VĂN PHÚC HẬU

 

Tin cùng chuyên mục