Từ phong trào thi đua nông dân sản xuất giỏi: Làm giàu từ nghề nông

Họ có điểm chung là chịu khó làm ăn, không bao giờ nản chí dù gặp khó khăn đến mức nào; yêu lao động và không ngừng tìm tòi học hỏi để đi đến thành công, cùng làm giàu từ phong trào thi đua nông dân sản xuất giỏi. Có người chỉ từ 2 con bò sữa, có người nhờ ý tưởng xây dựng phòng thí nghiệm của nông dân và giấc mơ về một vườn lan… Sắp tới đây họ sẽ vinh dự là những thành viên của đoàn đại biểu Hội Nông dân TPHCM tham dự Đại hội Đại biểu Hội Nông dân toàn quốc.
Từ phong trào thi đua nông dân sản xuất giỏi: Làm giàu từ nghề nông

Họ có điểm chung là chịu khó làm ăn, không bao giờ nản chí dù gặp khó khăn đến mức nào; yêu lao động và không ngừng tìm tòi học hỏi để đi đến thành công, cùng làm giàu từ phong trào thi đua nông dân sản xuất giỏi. Có người chỉ từ 2 con bò sữa, có người nhờ ý tưởng xây dựng phòng thí nghiệm của nông dân và giấc mơ về một vườn lan… Sắp tới đây họ sẽ vinh dự là những thành viên của đoàn đại biểu Hội Nông dân TPHCM tham dự Đại hội Đại biểu Hội Nông dân toàn quốc.


1. Nông dân Nguyễn Văn Công (ngụ ở ấp 3A, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi) là Hai Lúa chính hiệu, với truyền thống gia đình bao đời làm ruộng. Cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau đã khiến anh luôn phấn đấu, thay đổi cách làm ăn hiện tại để có ngày đổi đời. Nghĩ là làm, anh gom góp hết số tiền tiết kiệm của gia đình cộng với vốn vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm mua 2 con bò tơ về nuôi. Sau một thời gian chăm sóc, 2 con bò cho ra đời 2 bê con.

Từ phong trào thi đua nông dân sản xuất giỏi: Làm giàu từ nghề nông ảnh 1

Anh Nguyễn Văn Công

Anh lại mua sách về xem, tự mày mò, rồi tham dự các lớp tập huấn và thường xuyên đi tìm những người chăn nuôi bò giỏi tại các trại chăn nuôi lớn ở Bình Dương, Đồng Nai… để học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, khó khăn mà người nuôi bò sữa lúc đó gặp phải chính là “đầu ra”. Cả xã chỉ có vài hộ nuôi bò, số lượng sữa ít nên nhà máy không đặt đại lý thu mua. Sữa bò vắt ra chỉ bán cho những gia đình nuôi heo để họ cho heo nái uống hoặc chở sang Bình Dương bỏ mối cho những hộ chuyên làm sữa chua.

Không lẽ cứ ngồi chờ, anh quyết định vẫn nuôi bò sữa nhưng nuôi thêm heo để “lấy ngắn nuôi dài”, rồi lại dùng tiền bán heo mua thêm bò. Sau một thời gian, TPHCM bắt đầu triển khai chương trình quốc gia về nuôi bò sữa nên “đầu ra” cho sữa bò đã được giải quyết, giá cả ổn định và bắt đầu có lời.

Người chăn nuôi bò sữa đang gặp không ít khó khăn do giá thức ăn liên tục tăng cao, nhiều người đã “treo” chuồng, bán bò. Nhưng với anh Công thì hơn 20 năm nay, anh vẫn một mực chí thú làm giàu với con bò sữa, sắm được ô tô, xây nhà cao cửa rộng, tiện nghi đầy đủ. Dưới bàn tay anh, những con bò giống ban đầu sinh sản thêm nhiều bê con mới, nâng đàn bò trong chuồng lên 130 con (bình quân mỗi con từ 15-20 triệu đồng), trong đó luôn có khoảng 70 con cho sữa, đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh khoảng 50 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ mọi chi phí.

2. Bắt đầu trồng hoa lan từ năm 1996, Trần Thanh Huy (xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh) luôn nuôi ý tưởng xây dựng phòng cấy mô để tạo lan giống cung cấp cho người trồng lan. Thế nhưng phải 10 năm sau, năm 2006, Huy mới mạnh dạn tìm Giáo sư Dương Công Kiên ở Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM bày tỏ ý tưởng. Thấy Huy kiên trì thuyết phục và có ý chí, thầy Kiên giao một số tài liệu và ra điều kiện nếu có nhu cầu thực thì thầy mới hướng dẫn. Qua giáo trình, Huy nắm vững 90% kiến thức, 10% còn lại, anh trực tiếp đến phòng thí nghiệm của thầy để học thêm.

Từ phong trào thi đua nông dân sản xuất giỏi: Làm giàu từ nghề nông ảnh 2

Anh Trần Thanh Huy

Năm 2007, Huy chính thức xây dựng phòng thí nghiệm nhân giống mô hoa lan. Với số vốn 200 triệu đồng ban đầu từ nguồn vốn tích lũy của gia đình và nguồn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân TP, Huy xây nhà kính sản xuất và mua sắm thiết bị chuyên dụng để thực hiện cấy mô bằng cách lấy giống lan đẹp, khỏe đang thịnh hành trên thị trường cấy với lan truyền thống thuần Việt. Lần đầu thực hiện, cấy mô tỷ lệ chỉ đạt 1/3, số còn lại chết do nhiễm khuẩn. Không nản, Huy tiếp tục tham khảo tài liệu kết hợp lên mạng truy cập thông tin có liên quan đến kỹ thuật tạo giống lan. Vừa học, vừa làm và khắc phục những khiếm khuyết nên các lần cấy sau tỷ lệ đạt 70%.

Huy cho biết, mỗi tháng phòng thí nghiệm của Huy đã tạo được 10.000 cây giống cung cấp cho bà con nông dân, lợi nhuận thu được hàng chục triệu đồng. Từ tháng 4-2010, Huy đầu tư mở rộng nhà cấy mô, thuê thêm lao động để tăng tốc sản xuất cây giống phục vụ chương trình hoa lan của TPHCM.

3. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nhưng từ nhỏ chị Trần Ngọc Tuyết (ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi) lại mê hoa lan và ấp ủ giấc mơ làm chủ một vườn lan. Sau nhiều năm, hoài bão của cô thôn nữ đất thép Củ Chi giờ đã thành hiện thực. Hiện cô đã là chủ sở hữu vườn lan rộng đến hơn 12.000m2 trị giá hàng chục tỷ đồng.

Từ phong trào thi đua nông dân sản xuất giỏi: Làm giàu từ nghề nông ảnh 3

Chị Trần Ngọc Tuyết

Để có vườn lan hơn 50.000 gốc lan các loại Mokara, Ren red, Dendro, Vũ nữ… đã ra hoa như hôm nay, chị Tuyết đã trải qua không ít khó khăn. Chị cho biết, nghề trồng lan mới nhìn thì thật tao nhã nhưng lại vô cùng vất vả. Để cho ra đời được những bông hoa tuyệt đẹp, người trồng lan phải dậy từ gà gáy để tưới nước cho lan và hoàn tất khi trời hửng sáng. Khi ánh nắng mặt trời ló dạng là chuyển sang cắt hoa, tỉa lá, cột cành, bón phân, phun thuốc…

Các động tác chăm sóc phải thật tỉ mỉ, nâng niu đối với từng cành hoa. Hơn nữa, khí hậu ở Củ Chi là khí hậu nhiệt đới với hai mùa mưa nắng rõ rệt, nên chăm sóc cho hoa lan từng mùa cũng phải khác nhau. Mùa mưa nhiều thì độ ẩm cao, có thể gây nấm mốc, mùa khô thì độ ẩm ít hơn, nên cần có chế độ chăm sóc phù hợp. Tất cả những điều này người trồng lan phải tự học hỏi mày mò. Với vườn lan 50.000 gốc, hàng tháng chị Tuyết thu hoạch và bán ra thị trường trên 10.000 cành hoa, lợi nhuận khoảng 80 - 100 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí.

ĐAN HÀ – TỐ HỒNG


 

Tin cùng chuyên mục