Điển hình tiêu biểu sáng tạo khoa học kỹ thuật TPHCM: Trọn đời sáng tạo

Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật TPHCM đã bước sang tuổi 20 với trên 150 công trình, giải pháp dự thi hàng năm mang tính ứng dụng cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP, phục vụ thiết thực đời sống người dân. Từ thương hiệu của giải thưởng này, đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu.
Điển hình tiêu biểu sáng tạo khoa học kỹ thuật TPHCM: Trọn đời sáng tạo

Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật TPHCM đã bước sang tuổi 20 với trên 150 công trình, giải pháp dự thi hàng năm mang tính ứng dụng cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP, phục vụ thiết thực đời sống người dân. Từ thương hiệu của giải thưởng này, đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu.

Các kỹ sư Việt Nam trao đổi kỹ thuật với chuyên gia Nhật Bản (giữa)trên công trình thi công hầm Thủ Thiêm. Ảnh: Cao Thăng

Các kỹ sư Việt Nam trao đổi kỹ thuật với chuyên gia Nhật Bản (giữa)trên công trình thi công hầm Thủ Thiêm. Ảnh: Cao Thăng

“Ông composit”

Từ nhiều năm nay, các sinh viên và thành viên của Trung tâm Nghiên cứu vật liệu polymer (ĐH Bách khoa TPHCM) vẫn thường thân mật gọi GS-TS Nguyễn Hữu Niếu, nguyên giám đốc trung tâm là “ông composit”. Bởi hầu hết những công trình của thầy Niếu đều gắn với vật liệu composit. Ông cũng chính là người có nhiều đóng góp để con tàu đánh bắt xa bờ bằng composit đầu tiên của Việt Nam ra đời.

Năm 1998, công trình chế tạo tàu đánh bắt xa bờ vỏ bằng vật liệu composit do GS-TS Nguyễn Hữu Niếu làm chủ nhiệm đề tài đã được trao giải nhất sáng tạo kỹ thuật TP. Với những ưu điểm nổi trội mà các loại vật liệu khác không có được như nhẹ, bền, chịu được nhiệt độ cao, tải trọng lớn, tiêu tốn ít nhiên liệu hơn, chiếc tàu bằng vật liệu composite đã đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam.

GS-TS Niếu cho biết: “Thật ra trung tâm đã bắt đầu nghiên cứu về vật liệu composit từ năm 1988. Lúc đó vật liệu composit còn hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam. Những nguyên liệu để chế tạo vật liệu này không được nhập khẩu, chúng tôi phải đi tìm ở những kho hàng từ trước giải phóng hoặc phải đi tìm mua hóa chất trôi nổi trên thị trường… Không uổng bao công sức cố gắng đã bỏ ra, năm 1990 chúng tôi đã chế tạo được chiếc tàu đầu tiên bằng vật liệu composit. Ở các nước như Nhật, Mỹ, Canada... ngư dân của họ đều được trang bị tàu công suất lớn, kỹ thuật hiện đại. Còn ở Việt Nam, hầu hết tàu của ngư dân đều là tàu vỏ gỗ, sử dụng phương tiện đánh bắt lạc hậu nên thời gian đánh bắt trên biển ngắn và sản lượng khai thác thấp. Và đặc biệt, do tàu quá thô sơ nên mỗi lần đi biển rất nguy hiểm. Chúng tôi muốn tạo ra những chiếc tàu có vỏ bằng vật liệu composit để có những chuyến đánh bắt xa bờ hiệu quả, an toàn”.

Ngoài tàu đánh bắt xa bờ, gần đây nhất thầy Niếu và các thành viên của trung tâm còn chế tạo thành công vỏ máy bay siêu nhẹ làm bằng vật liệu composit, xuồng cứu sinh chịu lửa bằng composit để trang bị cho các giàn khoan. Trung tâm đã kết hợp với nhà máy A41 của Bộ Quốc phòng tạo ra 2 chiếc máy bay siêu nhẹ có thể đậu được trên cạn lẫn trên nước. Đến nay, dù đã gần ở tuổi thất thập, GS-TS Nguyễn Hữu Niếu vẫn miệt mài nghiên cứu và là một người thầy tận tâm, uy tín tại trường.

20 năm làm bạn cùng nấm

Năm 1987, trại nấm linh chi của ông Cổ Đức Trọng ra đời, chuyên cung cấp nấm dược liệu linh chi cho người dân TP. Tại thời điểm đó, người dân TPHCM cũng đổ xô đi trồng nấm linh chi. Lúc bấy giờ, cái tên nấm linh chi vẫn còn quá lạ lẫm với người dân Việt Nam nên chưa nhiều người dám mạnh dạn tin dùng. Cung thừa, cầu yếu, nấm ế, nhiều nhà vườn phá sản, rồi bỏ nghề. Trong lúc đó, trại nấm của ông Trọng tồn tại với… 5 tấn linh chi dược liệu bị tồn kho.

Không nản, ông cùng các đồng nghiệp lại dốc sức trồng nấm mèo, bán lấy tiền nuôi công nhân và cũng là để “nuôi” nấm. Vài năm sau, khi thấy vắng bóng các nhà trồng nấm trên thị trường, ông quyết định tung ra sản phẩm này và bất ngờ nấm bán chạy, giá thành cao (200.000 - 400.000 đồng/kg). Đáng mừng hơn, các bệnh nhân bị cao huyết áp, tim mạch, máu nhiễm mỡ, giảm trí nhớ, rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, có khối u… đều cảm thấy nhẹ bệnh hơn, ăn ngủ tốt hơn sau khi dùng linh chi và một số loại nấm dược liệu khác.

Thừa thắng xông lên, ông Trọng cùng các đồng nghiệp tiếp tục nghiên cứu, cho ra đời các loại nấm dược liệu khác như vân chi, hầu thủ, thái dương, bào ngư xám, nấm mỡ, nấm mèo mỏng và gần đây nhất là nấm thượng hoàng, có tác dụng rất tốt cho sức khỏe của người bệnh. Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy các loại nấm này không chỉ có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư mà còn kích thích và nâng cao hệ miễn dịch, sức đề kháng của cơ thể. Sau hơn 20 năm ra đời, đến nay, trung tâm nghiên cứu linh chi và nấm dược liệu của ông Trọng đã trở thành khách hàng quen thuộc của người dân trên cả nước, cung cấp sản lượng trên 40 tấn/năm.

Đam mê nghiên cứu sinh vật từ hồi còn là sinh viên (khoa Sinh học ĐH KHTN TPHCM), cộng với cái máu hay đi, ông Trọng đã có 4 năm đi rừng để điều tra, nghiên cứu về cây thuốc trong rừng và yêu nấm cũng từ những chuyến đi ấy.

Hỏi về bí quyết trồng nấm, ông Trọng cười: “Nuôi nấm cũng như nuôi con, nó nhức đầu sổ mũi là mình cũng mất ngủ theo. Vì thế, phải theo dõi chế độ dinh dưỡng và chăm chút nó từng ngày. Tuy nhiên, chứng kiến nấm lớn lên mỗi ngày, chúng tôi lại thấy đó là niềm vui. 20 năm gắn bó với nghề trồng nấm như một ông nông dân thứ thiệt, trải qua nhiều thăng trầm, thất bát để có được ngày hôm nay, tôi biết đây không chỉ đơn thuần là một nghề kiếm sống mà đó đã là cái nghiệp gắn với cả cuộc đời”.

HOÀNG HOA-THANH AN

Tin cùng chuyên mục