Công bố kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở

Theo kết quả điều tra, vào thời điểm 0h ngày 1/4/2009 dân số Việt Nam hơn 85,8 triệu người, trong đó nam chiếm 49,4% và nữ chiếm 50,6%.
Công bố kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở

Theo kết quả điều tra, vào thời điểm 0h ngày 1/4/2009 dân số Việt Nam hơn 85,8 triệu người, trong đó nam chiếm 49,4% và nữ chiếm 50,6%.

Ngày 21/7, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương (BCĐ DSNO) đã chính thức công bố kết quả điều tra toàn bộ và tổng kết cuộc Tổng điều tra DSNO năm 2009.

Mức sinh giảm liên tục trong 10 năm, cuộc sống nhân dân cải thiện đáng kể

Theo kết quả điều tra, vào thời điểm 0h ngày 1/4/2009 dân số Việt Nam là 85.846.977 người, trong đó có 42.413.143 nam (chiếm 49,4%) và 43.433.854 nữ (chiếm 50,6%).

Tính từ cuộc Tổng điều tra trước, số dân nước ta tăng thêm 9,523 triệu người, bình quân mỗi năm tăng 952.000 người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân/năm giữa 2 cuộc Tổng điều tra DSNO năm 1999 và 2009 là 1,2%/năm, so với thời kỳ 10 năm trước (1989-1999), mỗi năm tăng gần 1,2 triệu người (với tỷ lệ tăng hàng năm là 1,7%/năm).

Tính từ năm 1999, bình quân mỗi năm, dân số nước ta tăng 952.000 người - Ảnh: nguồn chinhphu.vn

Tính từ năm 1999, bình quân mỗi năm, dân số nước ta tăng 952.000 người - Ảnh: nguồn chinhphu.vn

Kết quả này khẳng định mức sinh của Việt Nam đã liên tục giảm trong 10 năm qua, phù hợp với các số liệu thống kê từ các cuộc điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình hàng năm của Tổng cục Thống kê.

Có 3 đơn vị cấp tỉnh có quy mô dân số hơn 3 triệu người. Đó là TP.Hà Nội (gần 6,5 triệu người), TP.HCM (hơn 7 triệu người) và tỉnh Thanh Hóa (gần 3,5 triệu người). Có 5 tỉnh có quy mô dân số dưới 500.000 người (Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Kon Tum và Đắk Nông).

Trong 54 dân tộc anh em sinh sống trên lãnh thổ của cả nước, dân tộc Kinh có trên 73,5 triệu người (chiếm 85,7%) và các dân tộc còn lại có trên 12,2 triệu người (chiếm 14,3%).

Sau 10 năm, tỷ lệ biết chữ của số người từ 15 tuổi trở lên đã tăng (từ 90,3% năm 1999 lên 94% năm 2009); gần 4 triệu người chưa từng đi học, chiếm 5% tổng dân số từ 5 tuổi trở lên. Điều này cho thấy những cố gắng đáng kể của ngành Giáo dục trong việc giảm số người không đến trường.

Kết quả điều tra cũng cho thấy cuộc sống của người dân đã có sự cải thiện đáng kể. Trong những hộ có nhà ở, số hộ có nhà kiên cố chiếm 46,3%, nhà bán kiên cố chiếm 37,9%, nhà thiếu kiên cố chiếm 8% và đơn sơ chiếm 7,8%. Diện tích ở bình quân đầu người của cả nước là 16,7m², trong đó của thành thị cao gần gấp rưỡi của nông thôn, tương ứng là 19,2 và 15,7m².

Sau 10 năm, tỷ trọng hộ có diện tích sử dụng lớn (từ 60m² trở lên) của toàn quốc đã tăng hơn gấp đôi, từ 24,2% lên 51,5%. Đây là một thành công trong nỗ lực thực hiện chiến lược phát triển nhà ở nhằm tăng diện tích ở bình quân. Tuy nhiên, tỷ trọng hộ có nhà ở với diện tích sử dụng dưới 15m2 sau 10 năm hầu như không giảm (1999: 2,2% và 2009: 2,4%).

Sử dụng hiệu quả kết quả điều tra phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đồng thời là Trưởng BCĐ Tổng điều tra DSNO Trung ương đánh giá, cuộc Tổng điều tra thành công là do chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của nhân dân cả nước, sự hỗ trợ có hiệu quả của các tổ chức quốc tế. Đặc biệt công tác tuyên truyền được chuẩn bị tốt, triển khai sâu rộng và liên tục, vì thế việc điều tra tại cơ sở gặp thuận lợi, chất lượng thông tin khá tốt, đạt được mục tiêu đề ra.

Kết quả tổng điều tra đã phản ánh đúng thành tựu phát triển kinh tế-xã hội trong 10 năm qua của đất nước ta và cho thấy Việt Nam đang ở trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng", mở ra tiềm năng to lớn để đưa đất nước ta bước vào thời kỳ phát triển ổn định.

Phó Thủ tướng cho rằng thời kỳ cơ cấu dân số vàng cũng có thể tạo ra những thách thức trong tương lai đòi hỏi Nhà nước phải ban hành và thực hiện đồng bộ các chính sách phù hợp về giáo dục, đào tạo, lao động việc làm, y tế, bảo trợ xã hội và chính sách an sinh xã hội khác...

Theo Phó Thủ tướng, kết quả cuộc điều tra cũng đưa ra những cảnh báo đáng quan tâm, đó là tỷ lệ người đi học tại các tỉnh miền núi và Tây Nguyên còn thấp, số người được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp CNH -HĐ đất nước...

Bên cạnh đó là tình trạng nhà thiếu kiên cố và đơn sơ vẫn còn nhiều, tập trung nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu, chiến lược phát triển nhà ở trong 10 năm tới phải được thực hiện một cách toàn diện, tập trung cho những khu vực này.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để phục vụ tốt nhu cầu thông tin trong và ngoài nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê huy động nguồn lực và tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế nhất là Quỹ Dân số LHQ để cung cấp rộng rãi số liệu tổng điều tra dân số trên các phương tiện thông tin đại chúng; tới các cơ quan, đơn vị, cá nhân có nhiệm vụ hoạch định chính sách, nghiên cứu khoa học, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội...

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KHĐT cùng các cấp, các ngành bố trí đầu tư nguồn lực, chỉ đạo ngành Thống kê tiếp tục phân tích, biên soạn các báo cáo, lập dự báo để phục vụ yêu cầu nghiên cứu của các Bộ, ngành nhằm sử dụng có hiệu quả số liệu của Tổng điều tra DSNO lần này. 

* Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng  Bằng khen.

Kiều Liên (VGP)

Tin cùng chuyên mục