Chậm cấp thẻ hành nghề xe ôm do chờ... phôi thẻ

Theo Quyết định 71/2010 của UBND TPHCM, kể từ ngày 1-1-2011, người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy phải có thẻ hoạt động vận chuyển do cơ quan có thẩm quyền cấp. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn một tuần quyết định có hiệu lực, người chạy xe ôm vẫn chưa có thẻ.

Theo Quyết định 71/2010 của UBND TPHCM, kể từ ngày 1-1-2011, người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy phải có thẻ hoạt động vận chuyển do cơ quan có thẩm quyền cấp. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn một tuần quyết định có hiệu lực, người chạy xe ôm vẫn chưa có thẻ.

Hoạt động không thẻ

Ghi nhận của PV Báo SGGP tại một số bến xe, nhà ga, bệnh viện, chợ… những nơi vốn tập trung đông người hành nghề xe ôm, xe thô sơ ba, bốn bánh, các tài xế xe ôm vẫn chưa có thẻ mới theo Quyết định 71 của UBND TP để hoạt động nên phải sử dụng thẻ và áo đồng phục cũ của các tổ nghiệp đoàn xe ôm trước đây. Anh Hồ Văn Thanh, một tài xế xe ôm ở khu vực chợ đầu mối nông sản Thủ Đức thắc mắc: “Tụi tôi chạy xe ôm ở đây gần chục năm trời, đã đăng ký hoạt động với địa phương và được cấp đồng phục hành nghề hẳn hoi. Vậy mà, giờ bắt buộc phải làm thẻ và đồng phục mới để hoạt động là sao?”. Còn anh Võ Văn Hưng, đang chờ khách ở khu vực trước cổng Bến xe miền Đông, đặt vấn đề: “Chúng tôi chỉ tranh thủ những lúc rỗi rãi đưa xe ra chạy vài cuốc kiếm tiền thức ăn chứ đâu phải chạy chuyên nghiệp như anh em ở khu vực trong bến xe. Vậy có cần thiết phải làm thẻ không?”

Ông Phạm Tấn Dũng, Chủ tịch UBND phường 10, quận 10 đề nghị: “Quyết định 71 của UBND TP nêu rõ, UBND cấp phường, xã, thị trấn là cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ cho xe ôm, xe ba gác… trên địa bàn mình quản lý. Do đó, theo tôi, đơn vị chịu trách nhiệm in ấn phôi thẻ là Sở GTVT cứ thế chuyển về cho các địa phương xét cấp cho dân chứ không nên chờ phải có danh sách thống kê đầy đủ của các địa phương gửi lên mới cấp phôi xuống. Bởi làm như vậy, địa phương mất sự chủ động trong việc giải quyết hồ sơ cho dân và tiến độ thực hiện bị chậm trễ, ảnh hưởng đến việc mưu sinh của người dân”.

Nhiều tài xế xe ôm cho biết, đến nay họ vẫn chưa nhận được thông báo từ chính quyền địa phương về thực hiện Quyết định 71 của UBND TP, bắt buộc người hành nghề xe ôm phải có thẻ hành nghề. Ông Lương Khải Viên, chạy xe ôm ở khu vực Bến xe miền Tây chia sẻ: “Cách đây mấy tháng, đọc báo thấy thông tin là từ ngày 1-1-2011, người chạy xe ôm phải có thẻ hành nghề, tôi liền ra phường hỏi nhưng họ bảo chưa biết cụ thể thế nào, có gì sẽ thông báo sau. Đến nay, vẫn chưa thấy địa phương thông báo thêm”.

Chậm do vướng mắc

Theo Quyết định 71, UBND cấp phường, xã, thị trấn là cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ xe ôm, xe ba gác… trên địa bàn mình quản lý. Theo đó, các cá nhân hành nghề nộp hồ sơ trực tiếp tại UBND phường, xã nơi mình đăng ký hoạt động. Thời gian cấp và tái cấp biển hiệu hoạt động là 3 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thế nhưng, cho đến nay nhiều phường, xã chỉ mới hoàn thành việc rà soát và lập danh sách những đối tượng cần cấp thẻ gửi lên quận, TP và đang chờ TP gửi phôi thẻ về mới tiến hành xét cấp cho người chạy xe. Ông Lê Văn Ngọc, Chủ tịch UBND phường 26, quận Bình Thạnh cho biết: “Sau khi có Quyết định 71 của UBND TP, phường lên danh sách số lượng người chạy xe ôm, sinh hoạt trong các tổ xe ôm tự quản và tổ xe ôm của Bến xe miền Đông với khoảng 500 người. Tuy nhiên, đến nay, chưa thấy TP gửi phôi thẻ về cho địa phương nên chúng tôi không dám nhận hồ sơ nữa. Bởi lẽ, theo quy định, sau 3 ngày địa phương nhận đủ hồ sơ phải cấp thẻ cho người dân. Do đó, nếu nhận hồ sơ mà chưa có phôi thẻ để cấp, khi bị bà con hỏi, chúng tôi không biết trả lời sao”.

UBND phường 10, quận 10 dù đã chủ động trong việc lập danh sách thống kê và nhận hồ sơ của những người hành nghề xe ôm trên địa bàn gửi lên quận và TP nhưng đến nay vẫn chưa biết “mặt mũi” của tấm phôi như thế nào để xét cấp cho người hành nghề xe ôm, xe thô sơ chở hàng hóa.

Ngoài ra, theo nhiều địa phương, việc Quyết định 71 giao các quận, huyện quy định các điểm đậu, điểm đón trả khách và hàng hóa trên địa bàn; điều kiện xét cấp thẻ là những người có hộ khẩu và KT3 xem ra rất khó. Ông Lê Văn Ngọc, Chủ tịch UBND phường 26, quận Bình Thạnh nói: Hiện nay, rất nhiều người chạy xe ôm, xe ba gác chủ yếu là lao động nhập cư nên không có hộ khẩu và KT3. Trong khi đó, Luật Cư trú mới và quy định của Công an TP ghi rõ những người có đăng ký tạm trú từ một tháng trở lên và được chủ nhà bảo lãnh thì mới được cấp KT3. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều người ở tỉnh đến TP chạy xe ba gác, xe ôm chỉ được chủ nhà đăng ký tạm trú. Thậm chí, có người đăng ký tạm trú ổn định một chỗ cả mấy năm trời nhưng vì chủ nhà không chịu bảo lãnh nên không được cấp KT3.

Bên cạnh đó, theo nhiều địa phương việc cấp thẻ cho người chạy xe ba gác cũng đang vướng khi rất khó phân biệt đâu là xe ba gác cũ (theo quy định là phải thu hồi), đâu là xe ba gác mới để đưa vào diện đề nghị được cấp thẻ

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục