Dân số già

Theo Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 8,15 triệu người cao tuổi - chiếm 9,4% dân số. Dự báo, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 10% tổng dân số vào năm 2017, tức dân số nước ta bước vào giai đoạn già hóa từ năm 2017. Từ năm 2017 đến năm 2037, Việt Nam sẽ có tỷ trọng người từ 60 tuổi trở lên lớn hơn hoặc bằng 20% tổng dân số.

Theo đánh giá của Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA), Việt Nam đang bước vào giai đoạn cơ cấu già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng. Thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ giai đoạn già hóa sang cơ cấu dân số già ước chỉ 17 năm, ngắn hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác như Pháp là 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Mỹ 69 năm, Nhật Bản và Trung Quốc 26 năm...

Một thống kê khác cho thấy, khoảng 64% người cao tuổi nói rằng họ gặp khó khăn trong cuộc sống. Trong số này, 46% là do bệnh tật, 34% không đủ sống, 17,8% không đủ tiền chăm sóc sức khỏe và 1,8% không được con cái, cháu chắt chăm sóc. 37,8% người cao tuổi ở nông thôn sống dưới mức tối thiểu và 19,5% không đủ tiền chăm sóc sức khỏe, nhiều người già mắc bệnh tật.

Trong khi đó, công tác chăm lo cho người già hiện còn nhiều bất cập, nhận thức về già hóa dân số và tác động tới phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, chính sách an sinh tuổi già chưa tốt, bản thân người cao tuổi cũng chưa nhận thức được sự cần thiết phải chăm sóc, bảo vệ bản thân. Dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe công lập cũng chưa đảm bảo được nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc người già… Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người Việt Nam sống lâu nhưng chưa sống vui, sống khỏe.

Một thách thức khá lớn vì dân số già sẽ đi đôi với việc chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, quỹ hưu trí, trợ cấp... Và vì vậy, nguy cơ vỡ quỹ là điều khó tránh khỏi.

HỒ VIỆT

Tin cùng chuyên mục