Vẩn đục môi trường văn hóa mạng!

Những năm gần đây, cùng với đà phát triển của công nghệ thông tin, hệ thống mạng Internet ngày càng mở rộng cả về quy mô cũng như tầm ảnh hưởng. Chỉ vài năm trước đây còn có sự tách biệt giữa cái gọi là thế giới ảo và cuộc sống thật, nhưng hiện nay thế giới ảo đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của cuộc sống trong đó văn hóa là thứ bị ảnh hưởng nặng nề nhất…

Những năm gần đây, cùng với đà phát triển của công nghệ thông tin, hệ thống mạng Internet ngày càng mở rộng cả về quy mô cũng như tầm ảnh hưởng. Chỉ vài năm trước đây còn có sự tách biệt giữa cái gọi là thế giới ảo và cuộc sống thật, nhưng hiện nay thế giới ảo đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của cuộc sống trong đó văn hóa là thứ bị ảnh hưởng nặng nề nhất…

Xanh màu “lá cải”

Khi nói đến văn hóa trên mạng, người ta hay chú ý đến 3 lĩnh vực nổi bật là game online (GO), mạng xã hội và hệ thống trang tin, báo chí điện tử. Nếu trước đây GO hay mạng xã hội được chú ý nhiều nhất do tầm ảnh hưởng của 2 lĩnh vực này đến cuộc sống thì trong năm 2011, chính báo, trang tin điện tử tác động mạnh mẽ, gây nên những chuyện bi hài cả trong thế giới ảo lẫn thế giới thật.

Cách đây không lâu, trên một diễn đàn trực tuyến xuất hiện một tấm ảnh, trong đó có cảnh 2 chiến sĩ trong trang phục CSGT bị 3 thanh niên dùng dao đuổi chém. Ngay lập tức, hàng loạt tờ báo mạng vội vã đưa hình ảnh này lên và chú thích đây là vụ việc nghiêm trọng, đang điều tra làm rõ. Thế nhưng, thực tế đây chỉ là hình ảnh được dàn dựng nhằm minh họa cho chương trình bàn về pháp luật của Truyền hình Việt Nam (VTV). Điều đáng nói là do sự “nhiệt tình” quá lố của một số báo, trang tin mạng mà hình ảnh này đã lan truyền phổ biến cả trong và ngoài nước, gây ra nhiều hiểu lầm bất lợi cho cuộc sống vốn đang cần sự an lành. 

Trong vụ việc khác, một nhạc sĩ để lăng xê một nữ ca sĩ chưa tên tuổi đã đưa một trích đoạn video clip bài hát mới nhất có nhiều cảnh “nóng”. Chuyện đạo đức tạm không bàn đến, vấn đề là rất nhiều trang tin, tờ báo điện tử đã thi nhau khai thác thông tin này với hình ảnh, đoạn video “nóng” được đưa ra minh họa không chút ngượng ngùng để câu người xem!

Việc sử dụng những hình ảnh, ngôn từ phản cảm từ tình dục đến bạo lực đã và đang trở nên quen thuộc trên các phương tiện truyền thông mạng. Thậm chí, ở trên các trang tin này, các bài viết cũng tập trung câu khách bằng các thông tin chắp ghép, xào nấu từ nhiều nguồn. Có thể ví dụ như trong năm 2011, chỉ riêng chuyện ảnh nude của cô người mẫu Ngọc Trinh cũng trở thành đề tài nóng kéo dài từ giữa đến tận cuối năm với đủ hình ảnh minh họa mà phần lớn đều vô cùng hở hang, khiêu khích.

Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2011 có thể xem là năm mà truyền thông mạng mang đậm màu xanh “lá cải” (thuật ngữ dùng chỉ các báo, trang mạng truyền thông có xu hướng khai thác các đề tài tình dục, bạo lực, lời đồn thổi có liên quan đến những người nổi tiếng gây chấn động nhằm câu khách).

Quản lý không xuể?

Theo thống kê của Cục Phát thanh truyền hình - Thông tin điện tử (Cục PTTH-TTĐT), hiện nay cả nước có 56 cơ quan báo điện tử, hơn 300 trang tin điện tử của cơ quan báo chí, gần 1.000 trang tin điện tử tổng hợp được cấp phép và hơn 150 mạng xã hội đã đăng ký hoạt động.

Ngày 6-2-2011, Chính phủ đã thông qua Nghị định 02/2011/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, trong đó có nêu rõ những trường hợp hoạt động báo chí không phép hoặc thông tin sao chép, nhằm mục đích giật gân câu khách là vi phạm quy định của pháp luật. Trong năm 2011, đã có 50 trường hợp các cơ quan báo chí điện tử, trang tin điện tử bị Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) xem xét xử lý sai phạm trong hoạt động cung cấp thông tin, ngoài ra có 7 trường hợp trực tiếp do Sở TT-TT Hà Nội và TPHCM xử lý. Các hình thức vi phạm tập trung vào lỗi đưa thông tin sai sự thật, thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Thế nhưng, theo ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT, hiện xuất hiện nhiều trang web trong nước không đăng ký hoạt động báo chí, không có hệ thống tòa soạn, phóng viên, biên tập viên… nhưng vẫn cung cấp thông tin theo dạng báo điện tử, chính từ những trang web này những luồng thông tin sai sự thật, phản cảm có điều kiện bùng phát gây nên tình trạng bát nháo như hiện nay. Cũng theo ông Hải, tuy đã có Nghị định 02/2011/NĐ-CP, Nghị định 97 nhưng nhiều quy định về các hành vi sai phạm còn mang các yếu tố định tính, lực lượng thanh tra, kiểm tra còn mỏng chưa phát hiện kịp thời tất cả các sai phạm và chế tài xử phạt cũng chưa đủ mạnh nên tính răn đe giáo dục còn hạn chế.

Vai trò của cộng đồng mạng

Nhằm đáp ứng những đòi hỏi của tình hình hiện nay, Bộ TT-TT đang xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 97 về quản lý thông tin trên Internet. Nghị định mới đang trong thời gian lấy ý kiến của các đơn vị và cá nhân có liên quan nhằm xây dựng những quy định cụ thể, rõ ràng về các hành vi sai phạm. Cục PTTH-TTĐT cũng đang kiến nghị thanh tra bộ và các sở TT-TT xử lý nghiêm khắc các sai phạm để bảo đảm tính răn đe, giáo dục để hạn chế các sai phạm tương tự.

Thế nhưng, những biện pháp trên chủ yếu xử lý phần ngọn, việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm không nể nang mới có hy vọng giải quyết phần gốc của vấn đề. Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nếu chỉ dựa vào nhân sự của một vài đơn vị nhà nước thì không thể quản lý hết nổi.

Ông Lưu Vũ Hải cho rằng trong việc phát hiện các trường hợp vi phạm rất cần sự hỗ trợ từ cộng đồng nhất là từ chính cộng đồng mạng. Thông qua sự hỗ trợ của mỗi người khi truy cập lên mạng sẽ góp phần nêu ra cái xấu, cái sai trái, chỉ như thế mới có thể xây dựng được một môi trường văn hóa mạng trong sạch lành mạnh.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục