Tưng bừng đón xuân

Thời tiết không còn rét đậm, rét hại trong 3 ngày Tết Tân Mão đã mang đến một bầu không khí đón mừng năm mới trên cả nước thật rộn ràng, tươi vui, ấm áp.
Tưng bừng đón xuân

Thời tiết không còn rét đậm, rét hại trong 3 ngày Tết Tân Mão đã mang đến một bầu không khí đón mừng năm mới trên cả nước thật rộn ràng, tươi vui, ấm áp.

  • TPHCM: Nô nức vui xuân

Sáng 6-2, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đã đi thăm đường hoa Nguyễn Huệ và thả đồng xu xuống hồ nước chúc xuân người dân TP một năm mới an lành, hạnh phúc.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải thả đồng xu chúc xuân người dân TP.HCM

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải thả đồng xu chúc xuân người dân TP.HCM

Mỗi khi xuân về, tết đến, khu vực trung tâm TP vẫn là nơi đông vui và nhộn nhịp nhất. Địa điểm các bạn trẻ thường chọn đón tết là các tuyến đường trung tâm như: Lê Lợi, Nguyễn Huệ, nhà hát TP, chợ Bến Thành... từ những tuyến đường này các bạn trẻ có thể tham gia nhiều hoạt động: xem phim, ca nhạc, ngắm đường hoa…

Tết cổ truyền cũng có sức hấp dẫn rất đặc biệt với nhiều kiều bào. Ông Nguyễn Văn Đắc, Việt kiều Mỹ, nhà ở hẻm 162 Trường Chinh, phường 12, quận Tân Bình vui vẻ bộc bạch: “Sau 15 năm xa quê, lần đầu tiên tôi được trở về đón tết tại quê hương. Không thể tả xiết niềm vui tràn ngập trong tôi khi tận mắt chứng kiến cảnh quê hương mình đổi thay hơn trước rất nhiều, người người sống với nhau vui vẻ hòa thuận, không phân biệt giàu nghèo, cũ mới, người trong nước hay Việt kiều…”.

  • Miền Bắc: Vui tết trong tiết trời ấm áp

Nhiều người Hà Nội thường bắt đầu ngày đầu tiên của năm mới bằng việc đi lễ chùa cầu sức khỏe, bình an. Trái ngược với vẻ tĩnh lặng, vắng vẻ của các con phố, tại các điểm thờ tự như chùa, đền, phủ luôn trong tình trạng quá tải.

Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, không khí lễ hội tràn ngập. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, khu vực đặt 82 bia Tiến sĩ đã được ngăn với khách tham quan bằng hàng dây đỏ, để không được sờ lên đầu rùa, bia đá. Cùng với sân cờ người tại sân Thái Học, nhiều bàn thư pháp, trò múa rối, sân khấu nhạc truyền thống đã được dựng lên, tạo nên một bầu không khí rộn ràng.

Biểu diễn múa sạp của đồng bào Thái ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Biểu diễn múa sạp của đồng bào Thái ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Sáng mùng 1 Tết, khắp các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn… đều bừng nắng ấm. Tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), vùng đất vàng của khách du lịch với thắng cảnh vịnh Hạ Long nổi tiếng, không khí đón xuân cũng đã tấp nập ngay từ sáng mùng 1 Tết.

Đã thành thông lệ, sáng mùng 4 Tết, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam lại rộn ràng mở hội khai xuân với nhiều hoạt động vui chơi, những sinh hoạt văn hóa đặc sắc gắn với tết truyền thống và tập quán mừng năm mới của một số dân tộc ở Việt Nam.

Biểu diễn dệt thổ cẩm của nghệ nhân tỉnh Ninh Thuận tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Biểu diễn dệt thổ cẩm của nghệ nhân tỉnh Ninh Thuận tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Sáng 6-2, Hội rước pháo Đồng Kỵ ở phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn - Bắc Ninh đã khai mùa lễ hội vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh năm Tân Mão. Hội pháo Đồng Kỵ năm nay thu hút hàng vạn du khách thập phương về trẩy hội.

  • Miền Trung: Khai hội đèn lồng

Lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, người dân các tỉnh miền Trung đón tết cổ truyền trong cái lạnh cắt da, cắt thịt.

Đô thị cổ Hội An đã mở hội đèn lồng để chào đón thời khắc giao thừa. Dọc hai bờ sông Hoài, đèn lồng được sắp đặt khắp nơi như dải Ngân hà lung linh. Năm nay có hơn 90 chiếc đèn lồng của 70 nghệ nhân, chủ cơ sở sản xuất đèn lồng, các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia Hội Đèn lồng với những tác phẩm độc đáo, ấn tượng. Đặc biệt, các nghệ nhân Hội An bằng đôi tay tài hoa của mình đã làm nên những chiếc đèn lồng thể hiện sự tinh nghịch, ngộ nghĩnh của những chú mèo với đầy đủ những cung bậc.

Độc đáo Hội đèn lồng Hội An (Quảng Nam) chào đón năm mới Tân Mão. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Độc đáo Hội đèn lồng Hội An (Quảng Nam) chào đón năm mới Tân Mão. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Chiều 6-2, tức mùng 4 Tết Tân Mão 2011, lễ hội kỷ niệm 222 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được khai mạc bằng lễ dâng hương - dâng hoa tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, Bình Định).

Trong 3 ngày Tết Tân Mão 2011, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế đã đón trên 30.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước (tăng 1,5 lần so với dịp Tết Canh Dần 2010). Tại Đà Lạt, Phan Thiết khách du lịch đổ về tấp nập. Hầu hết các khách sạn đều kín phòng đến hết ngày mùng 6 Tết.

Tại các chợ trên địa bàn TP Đà Nẵng, rất đông người bán cá đồng đầu năm. Do các ngày tết khan hiếm cá tươi nên lượng cá đồng như cá trám cỏ, rô phi… bán rất đắt hàng. Đặc biệt, do quan niệm ăn cá lóc đầu năm gặp nhiều may mắn nên rất đông người tìm mua.

  • ĐBSCL: Ăn tết lớn

Do được nghỉ nhiều ngày trong dịp Tết Nguyên đán, lượng người đổ về quê ăn tết rất đông. Ngoài bánh tét và trái cây truyền thống, nét mới năm nay ở miền quê ĐBSCL là kèm theo việc thăm hỏi, chúc tết, nhiều người mang các túi quà nho nhỏ: bánh, mứt, rượu… được bày bán khắp miền quê.

Nhiều nông dân ở Hậu Giang, Tiền Giang, An Giang trúng đậm mùa dưa hấu với lợi nhuận từ 100 – 150 triệu đồng/ha. Đáng chú ý, ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, Hậu Giang nhiều nông dân đã hốt bạc tỷ nhờ  bưởi hồ lô, dưa hấu thỏi vàng. Bưởi hồ lô được doanh nghiệp đặt cọc trước tết với giá 300.000 đồng/cặp (bán ra thị trường khoảng 1 triệu đồng/cặp), dưa hấu thỏi vàng khoảng 2 triệu đồng/cặp.

Mùng 3 Tết, gần như thông lệ - nhiều nông dân ĐBSCL chọn làm ngày “xông đất” lúa. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định: Vụ lúa đông-xuân phù sa ít do lũ nhỏ, bị sương mù… nhưng lúa đông-xuân phát triển tốt, hứa hẹn nông dân sẽ trúng mùa sau Tết Nguyên đán.

NHÓM PV

Đường hoa Nguyễn Huệ Đón gần 1 triệu lượt khách

  • Đường sách thu hút sự quan tâm của bạn đọc

(SGGP).- Đúng 22 giờ ngày 6-2 tức mùng 4 Tết Tân Mão, Đường hoa Nguyễn Huệ đã đóng cửa sau 7 ngày đón du khách thưởng ngoạn. Đây là năm thứ hai đường hoa mở đến hết ngày mùng 4 Tết thay vì mùng 3 Tết như nhiều năm trước, nên đã đón gần 1 triệu lượt khách trong và ngoài nước tham quan. Đường hoa năm nay huy động hơn 100.000 chậu hoa cùng hơn 1.000 chậu hoa lan các loại... Ngày 7-2 (mùng 5 Tết), đường Nguyễn Huệ sẽ được phục hồi nguyên trạng, đảm bảo các phương tiện lưu thông bình thường.

Đường hoa Nguyễn Huệ đón nhận đông đảo khách tham quan, thưởng lãm trong những ngày Tết Tân Mão. Ảnh: AN DUNG

Đường hoa Nguyễn Huệ đón nhận đông đảo khách tham quan, thưởng lãm trong những ngày Tết Tân Mão. Ảnh: AN DUNG

Năm nay, bên cạnh Đường hoa Nguyễn Huệ, TP có thêm con đường văn hóa đặc sắc là Đường sách với chủ đề Ước mơ. Theo thống kê của Sở Thông tin – Truyền thông sau 7 ngày hoạt động, Đường sách đã thu hút hơn 150.000 lượt khách đến tham quan với hàng loạt hoạt động đậm nét văn hóa đọc như buổi giao lưu sôi động ngoài trời giữa bạn đọc và các nhà thơ ngày 6-2 do Công ty Fahasa tổ chức. Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông, cho biết sau thành công của Đường sách năm nay, sang năm Đường sách sẽ được mở rộng hơn cả về diện tích lẫn số đơn vị tham gia.

T.VY

Hội hoa xuân TPHCM 2011: Công bố 360 giải thưởng

(SGGP).- Ban tổ chức Hội hoa xuân TPHCM 2011 vừa công bố kết quả chấm thi sản phẩm trưng bày tại Hội hoa xuân, gồm tổng cộng 360 giải thưởng (3 giải đặc sắc, 40 giải vàng, 71 giải bạc, 103 giải đồng, 143 giải khuyến khích). Giải thưởng dành cho hiện vật đặc sắc thuộc về nghệ nhân Nguyễn Hải Phòng (Di Linh – Lâm Đồng) với tiểu cảnh lớn “Vương Long Mừng Xuân”. Từ một thân gỗ liền tự nhiên (cây trâm nước) có dáng như con rồng dài 8,3m đang vươn mình, vẩy cây như vẩy rồng, tác giả đã xây dựng trên đó một tiểu cảnh tự nhiên với vô số cây duyên tùng được trồng phối với đá và có cả thác nước đổ. Tác phẩm này được chế tác từ ngày 21-8-2010 đến ngày 11-1-2011, chế tác xong “chú rồng” nặng gần 2 tấn.

Tác phẩm “Lan Ý Thảo” – loài lan rừng đến hơn 20 nhánh, hoa đều, dài hơn 3m của tác giả Phạm Quốc Anh (Bảo Lộc – Lâm Đồng) cũng “ẵm” giải hiện vật đặc sắc.

Ngoài ra, cây mai vàng có tuổi thọ trên 10 năm của nghệ nhân Nguyễn Văn Lến (Long Xuyên – An Giang) cũng giành giải đặc sắc. Giá trị của cây mai này ở bộ da tựa như sáp đèn cầy, thân bon-sai dáng nghệ thuật, hoa mai to, dày 8-12 cánh.

V.ANH

Tin cùng chuyên mục