Chung sức vượt khó

Bài 1: Nghĩa tình xóm trọ
Chung sức vượt khó

Bài 1: Nghĩa tình xóm trọ

Khởi phát từ cách làm của quận Thủ Đức, đến nay, chương trình vận động chủ nhà trọ, chủ cơ sở nuôi dạy trẻ không tăng giá để giảm gánh nặng cho người nghèo đã lan tỏa đến hầu hết các quận huyện. Tính đến thời điểm này, theo thống kê chưa đầy đủ, TPHCM có hơn 33.500 chủ nhà trọ cam kết không tăng tiền thuê phòng, tiền điện, nước sinh hoạt trong suốt năm 2011.

Người tốt bụng giấu mặt

Tháng nào cũng vậy, hễ gần tới cuối tháng, khi tiền lương đã cạn mà hũ gạo trong phòng trống trơn là Thu Hiền (quê Tiền Giang), công nhân (CN) KCN Tân Tạo lại phải mua gạo thiếu. Cũng vì mua thiếu nên chị Hiền và những CN cùng cảnh ngộ khác không dám mua nhiều. Những lần như thế, chị ngạc nhiên hết sức khi bà chủ tiệm tạp hóa lẹ làng cân cho chục ký gạo rồi nói tỉnh bơ: “Có người trả tiền giùm rồi”. Một thời gian sau, mọi người ở khu trọ giật mình khi biết “người quen giấu mặt” ấy chính là chủ nhà trọ mà mình đang ở, chị Phù Nhật Phượng.

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, Chương trình hành động của Thành ủy TPHCM, chỉ thị của UBND TP; hưởng ứng chủ trương tiết kiệm, chống lạm phát, thời gian qua, các quận huyện, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và cả người lao động trên địa bàn TPHCM đã nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn chung, ổn định sản xuất, chia sẻ khó khăn, duy trì an sinh xã hội.

Từ ngày Thu Hiền sinh con, cuộc sống thêm phần vất vả. Chị Phượng nhìn thấy hết mà không nói gì. Tới tháng, Hiền đóng tiền nhà, chị Phượng lặng lẽ rút ra vài tờ bạc nhét vào tay Hiền, nói gọn: “Để dành mua đồ ăn cho thằng nhỏ”. Trao đổi với chúng tôi, chị Phượng cười: “Lúc trước nhà có được mấy phòng cho thuê nhưng phòng nhỏ và ẩm thấp lắm, thấy mấy em CN ở mà thấy tội. Gia đình tôi mới vay tiền xây lại để mấy đứa có cái nhà đúng nghĩa hơn”.

Tại khu nhà trọ 20 phòng với khoảng 80 công nhân của ông Lã Dương Hiền (ấp Dân Thắng 2, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn), ngoài việc cam kết không tăng giá phòng, bán điện đúng giá quy định, ông còn miễn phí tiền nước. Thương đám nhỏ suốt ngày đi làm, cuối tuần lại không biết đi đâu, ông trang bị hẳn một dàn karaoke giúp vui CN. Chị Thúy Trang (quê Quảng Bình) kể: “Chú Hiền thương tụi tui lắm. Ai gặp khó khăn là chú bớt tiền phòng. Ngày lễ, ngày tết, trung thu, những đứa nhóc trong khu trọ còn được chú tặng quà nữa”.

Còn những người thuê trọ tại địa chỉ 143 Trần Thanh Mại (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) đều gọi thân mật cô chủ trọ là dì năm, má năm. Dì năm (cô Doãn Thị Mai) là chủ nhiệm CLB nữ chủ nhà trọ quận Bình Tân. Trong khu nhà trọ, gia đình anh chị Tuấn - chị Huệ, hiểu tấm lòng của dì hơn ai hết. Anh Tuấn kể: “Gia đình tôi ở khu trọ này hơn 7 năm. Thu nhập 2 vợ chồng không đủ lo cho 2 đứa con. Thấu hiểu hoàn cảnh của chúng tôi, dì năm không chỉ bớt tiền phòng mà còn cho tiền 2 đứa nhỏ trị bệnh nữa”.

Ông Lã Dương Hiền (chủ nhà trọ ở Hóc Môn, áo trắng) thường xuyên chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống với công nhân. Ảnh: Tường Hân

Ông Lã Dương Hiền (chủ nhà trọ ở Hóc Môn, áo trắng) thường xuyên chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống với công nhân. Ảnh: Tường Hân

Lá rách ít đùm lá rách nhiều

Chồng làm bảo vệ, con gái làm CN, chị Mai Thị Huê ở nhà nội trợ. Nghe qua, nhiều người nghĩ rằng gia đình chị Huê cũng thuộc diện hộ nghèo. Ít ai ngờ, chị Huê là một trong những chủ nhà trọ (số 67, đường 53, khu phố 4, phường Tân Quy quận 7) hưởng ứng tích cực nhất chủ trương không tăng giá tiền phòng hỗ trợ CN. Nhiều năm trước, chị cho thuê nhà trọ từ 250.000 đến 400.000 đồng/người/tháng, nay mức giá này vẫn được giữ nguyên. Chị Huê cho biết, không tìm được lý do để tăng giá nhà trọ, dù ở nhiều nơi khác trên địa bàn, giá nhà trọ rất cao. Em Nguyễn Việt Thắng, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn đang ở trọ tại đây, cho biết: “Tiền thuê hàng tháng cô Huê tính tụi em chỉ 700.000 đồng/3 người. Cộng thêm điện nước, hàng tháng chi phí chỉ khoảng 900.000 đồng. Giá này lâu lắm rồi không tăng”.

Quận 7 đã vận động được 1.975/2.715 hộ kinh doanh nhà trọ cam kết không tăng giá cho thuê, góp phần chia sẻ khó khăn cùng người lao động. Huyện Bình Chánh vận động được 1.700/3.576 chủ nhà trọ cho thuê với 16.187 phòng trọ cam kết không tăng giá cho thuê với 42.438 công nhân lao động. 16 phường của quận Gò Vấp vận động 7.042/8.589 hộ có phòng trọ đồng ý không nâng giá thuê phòng đến cuối năm 2011. Tại quận Tân Phú, đến nay có 4.110/5.657 hộ kinh doanh phòng trọ cam kết không tăng giá.

Từ tỉnh lên TPHCM lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng, từng đi ở trọ và sống chung với CN, nên chị Phạm Thị Sim (đường 51, phường Tân Tạo, quận  Bình Tân) thấm thía những khó khăn mà CN xa xứ phải chịu. Hiện tại, chị là chủ khu trọ 66 phòng với 270 CN và vừa mở một siêu thị mini ngay tại khu trọ để phục vụ CN. Nhờ chịu khó đi xa, lấy hàng giá gốc nên quầy hàng của chị luôn bán giá rẻ hơn nhiều nơi khác. Đến giờ tan ca, “siêu thị” ấy lại tấp nập CN mua sắm.

Sức mạnh cộng đồng

Ngay khi có chủ trương từ TP, các quận huyện đã có kế hoạch triển khai nhanh chóng và hiệu quả chương trình này. Các chủ nhà trọ cũng được tiếp sức khi chính quyền chủ trương không tăng thuế. Ông Huỳnh Văn Tuấn, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, cho biết lãnh đạo các xã nhanh chóng lập các tổ công tác, trực tiếp xuống tận từng nhà dân để vận động, khuyến khích người dân chia sẻ khó khăn với CN. Sau hơn 1 tháng thực hiện, toàn huyện có 1.433/2.456 hộ cam kết không tăng giá nhà, phòng cho thuê đến hết năm 2011.

Công nhân KCN Tân Bình vui chơi, giải trí sau giờ làm việc. Ảnh: Việt Dũng

Công nhân KCN Tân Bình vui chơi, giải trí sau giờ làm việc. Ảnh: Việt Dũng

Quận Bình Tân đã xây dựng được các mô hình khu nhà trọ “Văn minh - nghĩa tình” (147 hộ), nhà trọ xanh - sạch - đẹp (4 hộ), khu lưu trú văn hóa (2 hộ). Các mô hình này góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho CN. Thời gian qua, LĐLĐ quận cũng gửi thư ngỏ vận động 153 chủ nhà trọ thuộc 3 mô hình nói trên và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, bước đầu thu được kết quả tốt

Nhóm PVCT


Bài 2: Doanh nghiệp đồng hành

Kinh tế lạm phát, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không vì thế mà các chủ DN quay lưng với người lao động. Ngược lại, những biện pháp hỗ trợ từ DN đã kịp thời tiếp sức người lao động.

Công nhân KCN Tân Tạo đi chợ sau khi tan ca. Ảnh: VIỆT DŨNG

Công nhân KCN Tân Tạo đi chợ sau khi tan ca. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nâng chất bữa ăn giữa ca

Theo thống kê từ Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM, trong năm 2010, tại các KCX-KCN trên địa bàn TP xảy ra 28 cuộc đình công, có đến 14 vụ là do chất lượng bữa ăn giữa ca không đảm bảo. Do thu nhập thấp, đặc biệt trong tình hình giá cả thực phẩm tăng cao như hiện nay, rất nhiều công nhân (CN) trông cậy vào bữa ăn giữa ca, bữa ăn thêm trong giờ tăng ca tại công ty để “giảm tải” chi phí ăn uống hàng ngày. Nhiều CN chỉ ăn cơm một bữa tại công ty, bữa còn lại về nhà chỉ dám ăn mì gói. Hiểu được hoàn cảnh của người lao động, một trong những giải pháp của các DN là tăng tiền ăn cho CN. Ngay sau tết, CN Công ty TNHH Sản xuất - xây dựng - thương mại Đồng Tâm (huyện Bình Chánh, TPHCM) đã được tăng tiền ăn giữa ca từ 11.000 lên 13.000 đồng/suất. Đó là tiền ăn dành cho CN ăn tại công ty. Còn với CN đi làm việc bên ngoài sẽ được chế độ tiền ăn 16.000 đồng/ngày. Vào thứ bảy hàng tuần, CN được ăn bữa ăn sáng nhẹ 6.000 đồng/suất.

Mới đây, Công ty TNHH Đăng Nguyên (quận 6) quyết định tăng 30% tiền ăn cho CN từ 9.000 lên 12.000 đồng/suất. Công ty TNHH Vinh Cơ (quận 8) tăng chi phí suất ăn từ 12.000 lên 14.000 đồng/suất. Công ty May thêu chế biến thực phẩm Hà Nam (quận Gò Vấp) có bữa ăn giữa ca 10.000 đồng, nay cũng tăng lên 12.000 đồng. Đặc biệt, Doanh nghiệp tư nhân Bánh kẹo Á Châu (quận 11) đã nâng tiền suất ăn cho CN từ 15.000 lên 25.000 đồng/người/suất.

Chị Trần Thị Diễm, CN Công ty Mtex, KCX Tân Thuận cho biết: “Lúc trước cầm 20.000 - 30.000 đồng ra chợ là mua đủ thức ăn cho cả phòng. Giờ cũng từng ấy thức ăn mà tốn gần 50.000 đồng. Từ khi các công ty quyết định nâng tiền ăn, ai cũng mừng vì nếu ăn đủ ở công ty, về nhà đỡ tiền ăn vặt”.

Tăng lương, phụ cấp

* Theo ông Đỗ Long, Tổng Giám đốc Công ty sản xuất Thương mại Bình Tiên, để tiết kiệm và đối phó với khó khăn, công ty chỉ còn làm việc 1 ca và cũng tiết kiệm tối đa lượng điện sử dụng. Ngoài ra, ông còn tổ chức một siêu thị nhỏ, nguồn hàng lấy từ Vissan, Co.opMart bán trực tiếp cho nhân viên công ty. Những ai khó khăn có thể mua hàng tạm ứng trước. Với cách làm này, nhân viên công ty đã được ổn định tinh thần, tập trung vào sản xuất.

Trong thời gian qua, không chỉ CN, mà ngay chính các công ty, DN cũng gặp nhiều khó khăn về sản xuất - kinh doanh. Nhiều công ty đành thụ động trước tình trạng CN bỏ việc về quê. Tuy nhiên, theo ghi nhận từ các LĐLĐ quận huyện trên địa bàn TPHCM, các DN đều có kế hoạch tăng lương, tăng phí hỗ trợ sinh hoạt… nhằm giữ chân CN và tăng năng suất lao động.

Tại quận Bình Tân, đã có 55/80 công đoàn cơ sở - nơi có từ 50 lao động trở lên cam kết hỗ trợ sinh hoạt phí, tiền thưởng, bữa ăn trưa, phương tiện đi lại… Cụ thể: Tăng phụ cấp sinh hoạt phí từ 250.000 lên 350.000 đồng (Công ty Pouyuen, Prokingtex, Dinsen…), riêng Công ty Minh Đạt tăng từ 300.000 lên 500.000 đồng; tăng tiền thưởng chuyên cần từ 100.000 lên 200.000 đồng (Công ty Kingstar, AnglBell); hỗ trợ cho con CN đến 15 tuổi 200.000 đồng/tháng (Công ty RKW Lotus); từ 10.000 lên 13.000 đồng (Công ty Tài Trường Thành)…

Cũng theo LĐLĐ quận Bình Tân, hiện hầu hết các DN, cơ sở sản xuất đều hoàn thành việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu và có thông báo công khai đến người lao động, mức điều chỉnh từ 200.000 lên 370.000 đồng. Một số DN điều chỉnh lương có lợi hơn cho người lao động so với quy định như Công ty CP Hữu Liên Á Châu tăng 17%, Công ty CP nhựa Duy Tân tăng 20%-25%, Công ty TNHH siêu thị BigC An Lạc tăng 22%…

Tại huyện Hóc Môn, các công ty thuộc cụm công nghiệp xã Xuân Thới Sơn và ở các xã Thới Tam Thôn, Tân Thới Nhì cũng đã có chính sách hỗ trợ công nhân ngoài tiền lương chính. Cụ thể: Công ty May mặc Galaxy hỗ trợ 200.000 đồng/tháng/CN, Công ty TNHH Huy Hoàng hỗ trợ gần 400.000 đồng/tháng/CN.

Huyện Bình Chánh vận động 12 DN trên địa bàn huyện có số lao động từ 200 - 6.000 CN đồng ý tăng lương từ 100.000 - 400.000 đồng/lao động/tháng; tăng tiền phụ cấp xăng từ 100.000 - 200.000 đồng/lao động/tháng; tăng tiền chuyên cần từ 100.000 - 200.000 đồng/lao động/tháng.

LĐLĐ quận Gò Vấp đã phối hợp các ban ngành của quận vận động DN nâng chất lượng suất ăn trưa đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Nhiều DN cũng đã thực hiện hỗ trợ tiền xăng xe, cơm trưa, tiền chuyên cần, tiền lưu trú cho CN từ 100.000 đồng - 600.000 đồng/người/tháng.

Nhóm PVCT


 Bài 3: Sống chung với lạm phát

Không thụ động ngồi im trông chờ vào các biện pháp hỗ trợ, bản thân người lao động có thu nhập thấp cũng có nhiều cách để tự cứu mình trong giai đoạn khó khăn với một niềm tin là trước sau gì cái khó cũng sẽ qua đi…

Nấu ăn kiểu “hợp tác xã”
 
Hơn 5 giờ chiều, chợ tự phát gần đường số 5 (sát KCN Tân Tạo) trở nên đông đúc bởi lượng lớn công nhân (CN) tập trung về đây sau giờ tan ca. Theo chân một CN tên Thanh (Công ty Bút bi Thiên Long), chúng tôi dạo một vòng quanh chợ. Những sạp hàng tôm, cá, thịt tuy ít ỏi nhưng vẫn vắng khách. Ngược lại, các sạp rau và trứng đón lượng khách mua khá lớn. Chị Thanh cho biết, phòng trọ chị có 4 người, trước đây đi chợ hết khoảng 25.000 đồng/bữa nhưng hiện tại, để đủ ăn, số tiền đã tăng lên 35.000 - 40.000 đồng.

Ghé vào một hàng rau, chị Thanh mua 3 bó rau muống hết 15.000 đồng. Mua rau xong, chị tiếp tục ghé vào sạp đậu hũ bên cạnh mua 3 miếng đậu giá 10.000 đồng và kết thúc buổi đi chợ bằng một lạng thịt heo với giá 12.000 đồng. Chị Thanh tâm sự: “Thứ gì cũng tăng đến chóng mặt, không còn cách nào khác là giảm lượng thịt cá và tăng rau xanh”.
 

Công nhân KCX Tân Thuận giờ tan ca. Ảnh: MAI HƯƠNG

Công nhân KCX Tân Thuận giờ tan ca. Ảnh: MAI HƯƠNG

Gần 7 giờ tối, khu chợ trước KCX Tân Thuận vẫn còn tấp nập. Chị Nguyễn Ngọc Trinh, CN Công ty Nidec Tosok, cho biết: “Chợ buổi sáng chỉ có người khá giả mới đi. CN tụi em chờ đến chiều tối mới đi chợ để lùng mua hàng rẻ. Như mớ cá biển mà em mới mua, tuy có kém tươi một chút nhưng rẻ hơn chợ sáng đến gần 10.000 đồng/kg”.

Gần 2 tháng nay, ngày nào chị Trần Thị Mười, bán thịt cá ở khu chợ này cũng phải dọn hàng rất trễ, nhiều bữa tới gần 9-10 giờ đêm mới về. Chị cho hay: “CN bây giờ toàn đi chợ chiều, chợ tối. Thịt, cá loại một bán không chạy, rất ít người chịu bỏ tiền mua nên tui toàn phải lấy hàng loại hai, loại ba về bán tới khuya mới hết”.

Không chỉ chịu khó lội chợ chiều, chợ đêm, nhiều CN còn chọn cách mua thức ăn theo kiểu “hợp tác xã” với số lượng lớn để mua được giá rẻ. Ngô Phương Thảo, CN Công ty Nidec Copal, kể: “Chiều nào cũng vậy, khi tan ca về, mấy chị ở trọ cùng dãy với em lại đi gõ cửa khắp các phòng hỏi mua thức ăn gì. Thường tụi em vận động mấy phòng liền nhau ăn món giống nhau để góp tiền mua chung, như vậy dễ năn nỉ bán theo giá sỉ”.

Còn với nhóm CN Nguyễn Thị Mai, Hoàng Thị Ngọc, Trần Mai Phương, hiện trọ tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức lại góp tiền của cả dãy trọ rồi cuối tuần thay phiên nhau tranh thủ đạp xe lên chợ đầu mối mua rau, củ, cá, thịt để dành ăn cả tuần.

Mai chia sẻ: “Chịu khó một chút mà tiết kiệm được tiền ăn. Mua đồ ở chợ đầu mối vừa rẻ, vừa tươi ngon. Kẹt cái phòng trọ không có tủ lạnh nên các món cá, thịt, tụi em thường phải kho mặn, muối sả ớt để dành ăn được lâu”.
 
Tiết kiệm, tăng ca, kiếm nghề tay trái
 
Chỉ vào tấm băng rôn tuyển lao động treo trước KCX Linh Trung, anh Lâm Văn Hùng, CN làm việc tại đây nói: “Bây giờ, công ty nào mà không quảng cáo là “có tăng ca” thì CN không thèm tới nộp hồ sơ đâu”. Quả thật, trong thời buổi khó khăn, chuyện được tăng ca trở thành một điểm cộng quan trọng để thu hút lao động của các doanh nghiệp.

Nguyễn Thị Tuyết Mai, CN Công ty Nissei, cho biết: “Công ty tăng ca nhiều nhưng CN không ai phàn nàn. Ai cũng mong công ty có nhiều đơn hàng, CN được tăng ca để kiếm thêm thu nhập. Bạn bè em làm ở công ty khác, không có tăng ca, thậm chí còn cắt giảm ngày làm vì không có hàng nên lo lắng lắm”.

Còn anh Trần Văn Thái, CN Công ty Latek, cho biết sau giờ làm, nhiều CN tranh thủ đi bán hàng, phát quà khuyến mãi, phát tờ rơi để kiếm thêm thu nhập. Bản thân Thái cũng đang phụ bán hàng cho một tiệm giày ngoài giờ làm ở công ty.
 
Chị Thúy Trang, Công ty May mặc Galaxy (huyện Hóc Môn), tâm sự: “Từ tết đến giờ, tụi em không còn dùng xe máy để đi làm dù nhà trọ cách công ty hơn 3km. Buổi sáng, tranh thủ dậy sớm, chị em trong dãy trọ cùng nhau kéo bộ đến công ty. Tính ra, tụi em tiết kiệm gần 200.000 đồng/tháng tiền xăng xe chứ không ít”.

Chị Trang còn cho biết thêm, phần lớn CN ở khu trọ này đều giảm tiền ăn bằng nhiều cách. Nhiều CN còn chấp nhận dành nửa tháng để ăn mì tôm thay cơm. Mạnh Tuấn, Công ty May mặc Tao Nhã (huyện Hóc Môn), chia sẻ: “Một gói mì 3.000 đồng cộng với 1.000 đồng rau sống, thế là xong”. Khi được hỏi liệu có đủ sức làm việc không, Tuấn nhăn mặt: “Cũng cố gắng chứ biết làm sao. Hôm nào công ty nghỉ, chỉ ăn một bữa, còn lại là ngủ cho đỡ đói”.
 
Độc thân đã khổ, có gia đình, có con nhỏ lại còn khổ hơn. Gia đình anh Hùng (Công ty Minh Hoàng, KCN Tân Tạo) có 3 người nhưng vợ anh bị bệnh tim, lại hay tăng ca, nhiều lần bị ngất trong giờ làm việc, nên đành ở nhà dưỡng sức, chỉ còn mình anh đi làm, cộng thêm đứa nhỏ hay ốm vặt.

Với tiền lương gần 3 triệu đồng, không đủ chi tiêu. Anh cho biết: “Hiện tụi này đã xin cho cháu nghỉ học, vợ ở nhà dưỡng bệnh tranh thủ chăm cháu luôn. Chứ tiền học của con hàng tháng đã hơn 800.000 đồng/tháng”

Có mặt tại KCX Linh Trung 1 vào giờ tan ca, chúng tôi hết sức ngạc nhiên thấy một số CN chưa chịu về mà lang thang nhặt nhạnh vỏ chai nước suối, bìa cứng, bọc ni lông… Các cán bộ công đoàn phụ trách KCX Linh Trung cho hay, nhiều CN ở đây buổi sáng chịu khó đi rất sớm, canh lúc CN ăn sáng xong thì thu gom rác, phế liệu có thể bán được bỏ vào bao bố, giấu đâu đó. Chiều về, họ lại rảo thêm vòng nữa để thu lượm phế liệu đem về bán. Thấy chị em khó khăn nên bảo vệ không làm khó dễ. 

M.HƯƠNG-NG.TƯỜNG

Hỗ trợ chủ nhà trọ, hộ kinh doanh không tăng giá

Chiều 22-4, Quận ủy quận Gò Vấp (TPHCM) đã tổ chức sơ kết chương trình, giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
 
Hiện tại, quận Gò Vấp có 7.776 hộ với hơn 32.980 phòng cho thuê và trên 120.100 công nhân - lao động, sinh viên ở trọ. Qua một tháng triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ, quận Gò Vấp đã vận động được 7.512 chủ hộ đăng ký không tăng giá cho thuê phòng trọ và thu tiền điện, nước đúng quy định đến hết năm 2011 (đạt tỷ lệ 96,6%); vận động 56/86 cơ sở giáo dục dân lập – tư thục và nhóm trẻ gia đình tự nguyện đăng ký không tăng giá tiền công giữ trẻ; tổ chức 109 điểm bán hàng bình ổn giá tại 16 phường…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh, cần tiếp tục tăng cường kiểm tra giám sát, đẩy mạnh cuộc vận động; phát triển mạng lưới bán lẻ, các cửa hàng bình ổn giá; có thêm chính sách để hỗ trợ cho các hộ kinh doanh nhà trọ không tăng giá; nhân rộng mô hình, phát huy nguồn lực từ sức dân… để các chính sách của Đảng lan tỏa ngày càng sâu rộng, bền vững.

TH.AN

Tin cùng chuyên mục