TPHCM sau 2 tháng thực hiện Nghị quyết 11/CP - Người dân vun vén, ngân hàng... xé rào

Sự đồng lòng của xã hội
TPHCM sau 2 tháng thực hiện Nghị quyết 11/CP - Người dân vun vén, ngân hàng... xé rào

“Nhờ chủ trương đúng nên trong khó khăn mới thấy rõ sự đồng lòng của xã hội” - Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhận xét như trên tại buổi họp sơ kết 2 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 11/CP vào sáng 21-4. Đó là nhiều chủ nhà trọ, cơ sở giữ trẻ tư thục cam kết không tăng giá; nhà nhà đăng ký sử dụng tiết kiệm năng lượng… Nhưng vấn đề “nóng” đặt ra tại hội nghị là làm sao vừa kiềm chế lạm phát, vẫn đảm bảo các chỉ tiêu phát triển kinh tế và an sinh xã hội?

Người tiêu dùng chọn mua rau tại siêu thị - nơi tập trung các mặt hàng bình ổn giá. Ảnh: Thanh Tâm

Người tiêu dùng chọn mua rau tại siêu thị - nơi tập trung các mặt hàng bình ổn giá. Ảnh: Thanh Tâm

Sự đồng lòng của xã hội

Dù giá cả điện, xăng… đều tăng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 cũng tăng đến 3,18% nhưng phong trào tiết kiệm đã lan tỏa trong dân, trở thành… văn hóa tiết kiệm. “Nếu tháng trước chỉ vài chục chủ nhà trọ cam kết không tăng giá cho thuê phòng thì nay số hộ cam kết đã lên đến gần 54.000 hộ, đảm bảo cho hơn 1 triệu lao động nghèo, công nhân, sinh viên được ổn định giá thuê phòng trọ”, ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, báo cáo.

Hiện trên địa bàn TP có khoảng 67.000 nhà trọ với 1,2 triệu người thuê, nhẩm tính chỉ cần mỗi người thuê không bị tăng giá 50.000 đồng/tháng, mỗi tháng đã kiềm chế tăng giá được 500 tỷ đồng. “Chỉ cần mỗi chủ nhà trọ góp một chút nhỏ sẽ cho ra hiệu quả xã hội rất lớn” - Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nói.

Ông Lê Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP cũng cho biết, những hộ kinh doanh nhà trọ, nhà giữ trẻ nào cam kết không tăng giá sẽ được xét giảm thuế.

Công nhân Tổng Công ty Điện lực TPHCM thay thế đường dây cũ nhằm tiết kiệm điện, giảm cúp điện luân phiên. Ảnh: CAO THĂNG

Công nhân Tổng Công ty Điện lực TPHCM thay thế đường dây cũ nhằm tiết kiệm điện, giảm cúp điện luân phiên. Ảnh: CAO THĂNG

Không chỉ vận động các chủ nhà trọ, tháng này phong trào không tăng giá đã lan tỏa đến các cơ sở giữ trẻ tư thục, nhóm trẻ gia đình không tăng giá giữ trẻ. Đồng thời, các quận huyện cũng vận động các doanh nghiệp có nhiều công nhân (trên 50 công nhân) tăng tiền lương 100.000 - 250.000 đồng/tháng/công nhân; hỗ trợ trượt giá 100.000 - 500.000 đồng/tháng; hỗ trợ tiền nhà ở, xăng di chuyển 100.000 - 300.000 đồng/tháng và phụ cấp, tăng chất lượng bữa ăn cho công nhân 3.000 - 5.000 đồng…

Các phong trào “3 tiết kiệm, 3 tương trợ” (tiết kiệm điện, tiết kiệm chi tiêu công, không tiêu dùng hàng xa xỉ; tương trợ người nghèo, công nhân, gia đình chính sách, học sinh, sinh viên, người già neo đơn, người khuyết tật, trẻ mồ côi…) của Mặt trận Tổ quốc VN TPHCM cũng được triển khai. UBND quận 1 thành lập Quỹ an sinh xã hội giúp các hộ nghèo, học sinh, sinh viên nghèo. Ngoài ra, cuộc vận động “Gia đình tiết kiệm năng lượng” của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP cũng đã tác động đến 200.000 hộ gia đình đăng ký tham gia tiết kiệm 10% lượng điện tiêu thụ trong mùa khô. TP còn vận động nhân dân, doanh nghiệp tiết kiệm 10% sản lượng điện, cắt giảm 50% công suất đèn chiếu sáng công cộng, đèn quảng cáo vào giờ cao điểm. Nhờ vậy, 4 tháng đầu năm, dự kiến toàn TP sẽ tiết kiệm được gần 100 triệu kWh.

“Xé rào” lãi suất, kiểm tra không thấy (?!)

Trong lúc cả hội nghị tự hào vì sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp trong việc không tăng giá trong thời điểm khó khăn thì Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Huỳnh Văn Minh phản ứng khi lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM báo cáo đã kiểm tra 6 ngân hàng nhưng chưa phát hiện đơn vị nào huy động vượt trần lãi suất.

Theo ông Minh, lãi suất hiện nay quá cao, trên 20%, các doanh nghiệp trong tình trạng “khô máu” vì thiếu vốn. Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Văn Lai cũng thừa nhận, thực tế nhiều ngân hàng huy động vốn với lãi suất đến 17%/năm (trong khi trần lãi suất huy động chỉ 14%/năm). Vì vậy, các doanh nghiệp cho vay lãi suất trên 20% là có thật.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng cũng bức xúc, nếu ngân hàng nào công bố lãi suất huy động đúng 14%/năm thì kiểm tra lãi suất “đầu ra” cho vay xem thế nào, nếu đầu ra quá cao có nghĩa ngân hàng lãi quá lớn, không thể tin được. Đồng thời, trước thông số dư nợ cho vay đến giữa tháng 4 đạt 464.000 tỷ đồng, tăng 4,38% so với đầu năm, đồng chí Nguyễn Thị Hồng đề nghị lãnh đạo ngân hàng phải báo cáo số dư nợ tăng đó có tăng cho sản xuất hay không.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Huỳnh Văn Minh kiến nghị, trước mắt TP nhanh chóng sửa Quyết định 20/QĐ-TP để kịp thời hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có vốn sản xuất nhằm phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.

Hàn Ni

Tối 21-4, đồng chí Thân Thị Thư, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM cùng Quận ủy, UBND quận 3 gặp mặt bà con ở phường 1 để thông báo về việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, đồng thời tổ chức hỗ trợ cho các hộ nghèo được hưởng chính sách an sinh xã hội. Theo đó, UBND phường 1 trao nhà tình thương cho 2 hộ nghèo (20 triệu đồng/căn), trao sổ BHYT cho 35 hộ, bù giá điện và trượt giá cho 31 hộ (500.000 đồng/hộ), đồng thời trao sổ tiết kiệm cho 16 hộ với số tiền 10 triệu đồng/sổ. Cùng ngày, UBND phường 7 trao 3 sổ tiết kiệm, 25 sổ BHYT và tiền bù giá điện, trượt giá cho 92 hộ.

T.Sơn

Tin cùng chuyên mục