Nước ngọt về Cần Giờ - Cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế biển

Công suất phát nước về huyện Cần Giờ chia làm 2 giai đoạn:
Nước ngọt về Cần Giờ - Cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế biển

(SGGPO).- Ngày 24-4, UBND TPHCM đã long trọng khánh thành đường ống cung cấp nước ngọt về huyện Cần Giờ, một trong những huyện sâu và xa nhất của TPHCM. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành đã đến chung vui với người dân thành phố.

Tham dự lễ khánh thành, về phía TPHCM có Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua, Chủ tịch UBMTTQ TPHCM Dương Quan Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài.

Tại buổi lễ, ông Trần Đình Phú, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), chủ đầu tư công trình, cho biết, ngày 29-10-2008 UBND TPHCM đã giao Sawaco đầu tư xây dựng tuyến ống truyền dẫn nước sạch về huyện Cần Giờ. Sawaco đã khẩn trương triển khai dự án, ký kết hợp đồng với các nhà thầu. Ngày 25-9-2009, dự án cấp nước sạch về huyện Cần Giờ đã chính thức được phê duyệt theo Quyết định số 2925/QĐ-SGTVT.

Sau khoảng một năm thi công, dự án đã hoàn thành, đưa nước ngọt về huyện Cần Giờ. Bài học thành công ở đây chính là sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố, việc tập trung nguồn vốn cho các công trình trọng điểm, sự ủng hộ của nhân dân và chính quyền địa phương cùng năng lực thi công tốt, nghiêm túc của các nhà thầu và tư vấn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đánh giá cao nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của Sawaco, UBND huyện Cần Giờ và các đơn vị liên quan trong quá trình thi công công trình đạt chất lượng và tiến độ. Dự án thành công không những giúp cải thiện cuộc sống người dân mà còn giúp thành phố bớt phải chi trung bình mỗi năm 50 tỷ đồng trợ giá nước sạch cho huyện Cần Giờ. Đồng chí Nguyễn Thành Tài yêu cầu Sawaco tiếp tục đầu tư thêm mạng cấp nước để đưa nước đến nhiều khu vực sâu, xa hơn nữa của huyện.

Chung vui với người dân huyện Cần Giờ nói riêng và người dân TPHCM nói chung, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, đây là một việc làm rất có ý nghĩa trong việc phát triển kinh tế xã hội của thành phố, đặc biệt là phát triển du lịch và nhiều loại hình kinh tế biển khác.

AN NHIÊN


Cần Giờ - một huyện ven biển của TPHCM thiếu nước ngọt đã lâu đến nỗi nhiều người dân nơi đây cảm thấy điều này là hết sức… bình thường. Mua lu, mua thùng trữ nước vào mùa mưa, để dành xài cho mùa hè đã trở thành thói quen của hầu hết người dân Cần Giờ.

Từ nay, người dân xã Long Hòa, huyện Cần Giờ đã sử dụng nguồn nước sạch về tận nhà. Ảnh: DUYÊN HẢI

Từ nay, người dân xã Long Hòa, huyện Cần Giờ đã sử dụng nguồn nước sạch về tận nhà. Ảnh: DUYÊN HẢI

  • Kết quả của xã hội hóa, của quyết tâm chính trị cao

Thực ra không phải đến bây giờ TPHCM mới quan tâm đưa nước ngọt về cho huyện Cần Giờ. Từ nhiều năm trước, Tổng Công ty Cấp nước TPHCM (Sawaco) đã dùng xà lan đưa nước ngọt về cho nhiều xã của huyện Cần Giờ và người dân Cần Giờ có thể chèo ghe, chèo thuyền đến mua nước về xài. Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực của thành phố, một bộ phận người dân vẫn thiếu nước ngọt do nước ngọt chở bằng sà lan tới không đáp ứng đủ nhu cầu dùng nước ở đây. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều câu chuyện về giá nước cao “ngất ngưởng”, gấp rất nhiều lần giá bán nước sạch của Sawaco đều chủ yếu xuất phát từ huyện Cần Giờ.

Chia sẻ của anh Đỗ Văn Nguyễn, một người dân ở xã Lý Nhơn, là một ví dụ: “Đâu phải lúc nào tôi cũng kịp ra sà lan mua nước. Lâu lâu bận công việc, lỡ giờ là tôi đành phải bấm bụng mua lại nước ngọt của các chủ vựa nước với giá gấp hàng chục lần so với giá bán của Sawaco”.

Cần Giờ là một trong những huyện nghèo của TPHCM nhưng người dân nơi đây từng phải mua nước ngọt với giá 20.000 - 40.000 đồng/m³ thậm chí gần 100.000 đồng/m³ trong khi giá bán nước sạch chính thức của Sawaco chỉ khoảng hơn 2.000 đồng/m³ (giá nước trong định mức).

Nước ngọt về đến Cần Giờ là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của lãnh đạo thành phố cùng cán bộ công nhân viên ngành cấp nước. Nguồn nước này được lấy từ Nhà máy nước BOO Thủ Đức có công suất phát nước: 340.000m³/ngày, đêm - một nhà máy được hình thành từ chủ trương xã hội hóa ngành cấp nước của thành phố.

Từ nhà máy này, nước được đưa vào tuyến ống nước dài gần 70km qua quận Thủ Đức, quận 7, huyện Nhà Bè rồi mới tới Cần Giờ. Trong đó hơn 25km đầu tiên do Nhà máy nước BOO Thủ Đức xây dựng và hơn 40km tiếp cận đến Cần Giờ là Sawaco đầu tư. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là câu chuyện hay nhất xung quanh hành trình đi tới Cần Giờ của dòng nước ngọt.

Ông Nguyễn Văn Toàn Châu, Giám đốc Ban Quản lý dự án cấp nước Cần Giờ, cho biết, lý thú nhất là câu chuyện vượt sông Tắc, sông Trà, sông Soài Rạp và các vùng đất đầm lầy ngập nước… của tuyến ống.

Để thi công lắp đặt tuyến ống nước trên nền đất yếu của huyện Cần Giờ, Sawaco cùng với các nhà thầu đã phải đóng thử cọc rất nhiều lần trước khi chính thức đóng cọc bê tông cốt thép chịu lực cho hàng loạt hạng mục quan trọng như bể chứa nước, trạm bơm, nhà hóa chất. Rồi khi đưa tuyến ống nước vượt sông, Sawaco và các nhà thầu đã phải “mượn” tới sự giúp đỡ của Khu Đường sông, Cảng vụ, Cục Hàng hải xem lúc nào là lúc thủy triều thuận lợi nhất cho việc thi công.

Tuyến ống nước băng qua sông đã được thi công theo phương pháp “đào hở, đánh chìm”, nghĩa là các nhà thầu đã phải dùng xáng cạp đào một rãnh sâu 5m-10m dưới lòng sông. Sau đó, tuyến ống nước được dắt qua, cho nước vào và được đánh chìm xuống rãnh. Công việc hoàn tất, xáng cạp sẽ tiến hành lấp đất, đá trả lại nguyên trạng cho dòng sông. Cho đến thời điểm này đây là tuyến ống nước băng sông dài nhất Việt Nam.

  • Đưa TPHCM tiến mạnh hơn về phía biển

Tiến về phía biển, tiếp cận với biển Đông (khu vực của 2 huyện Nhà Bè và Cần Giờ) nhằm phát triển kinh tế biển là một trong những chủ trương lớn của TPHCM. Ban Chỉ đạo thích ứng với biến đổi khí hậu của TPHCM cùng với các chuyên gia Hà Lan đang nghiên cứu nhằm tìm ra phương án phát triển tốt nhất ra khu vực này bởi đây cũng chính là khu vực thấp và có nền địa chất yếu nhất thành phố.

Thế nhưng, trong khi chờ đợi kết quả nghiên cứu của Ban chỉ đạo thích ứng với biến đổi khí hậu của TPHCM, việc thành phố xây dựng thành công tuyến ống cấp nước về Cần Giờ cũng có một ý nghĩa hết sức quan trọng cho sự phát triển của vùng đất này. Có nước ngọt, không những làm cho cuộc sống người dân ở đây tốt hơn mà vùng đất ven biển này cũng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Hiện nay tại đây đã có khá nhiều dự án về du lịch và bất động sản như dự án lấn biển, dự án các khu biệt thự vườn…

Với điện, nước và đường giao thông thuận tiện - đường Rừng Sác đến tận xã Cần Thạch, huyện Cần Giờ đang có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chỉ có một lưu ý của các nhà khoa học, phát triển về Cần Giờ với quy mô nào, phải được cân nhắc kỹ bởi nơi đây có rừng ngập mặn - lá phổi của TPHCM đồng thời cũng là nơi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao.

Công suất phát nước về huyện Cần Giờ chia làm 2 giai đoạn:

– Giai đoạn 1: bắt đầu từ ngày 24-4-2011 phát 6.000m³/ngày.

– Giai đoạn 2: bắt đầu từ tháng 10-2011 phát 39.000m³/ngày.

Dự án có thể cung cấp nước cho dân số hiện hữu: 71.200 người và cho dân số (theo quy hoạch) đến năm 2015: 200.000 người.

Tổng mức đầu tư (phần dự án của Sawaco):  821,754 tỷ đồng.

Để nhiều người dân Cần Giờ có thể có nước sạch để sử dụng, Sawaco còn xây dựng 4 dự án mạng cấp 3 để chuyển nước về các xã Bình Khánh, Cần Thạnh, An Nghĩa, Long Hòa. Các xã còn lại của huyện Cần Giờ, Sawaco và UBND huyện Cần Giờ sẽ tiếp tục phối hợp và nghiên cứu phát triển thêm mạng lưới cấp nước tới đây.

Nguyễn Khoa

Tin cùng chuyên mục