Đồng hành cùng xe buýt

Bà 1: Những chuyến xe nhiều và ít khách
Đồng hành cùng xe buýt

Bà 1: Những chuyến xe nhiều và ít khách

Bất chấp thực tế: gần 30% số xe buýt đã cũ kỹ, chi phí nhiên liệu tăng cao và tiền bù chênh lệch (giá nhiên liệu) đôi khi chậm, hoạt động vận tải hành khách công cộng (HKCC) ở TPHCM vẫn liên tục tăng trưởng. Chỉ tính riêng năm 2010, vận tải HKCC đã chuyên chở được gần 530.000 triệu lượt khách, tương đương gần 1,5 triệu lượt khách/ngày, tăng 10% so với năm 2009… Đâu là bản chất của vấn đề?

Xe buýt và các loại xe khác cùng chen nhau giữa đường phố chật chội. Ảnh: Kim Ngân

Xe buýt và các loại xe khác cùng chen nhau giữa đường phố chật chội. Ảnh: Kim Ngân

Kinh nghiệm của thành công

Được một người bạn “mách nước”, lúc 16 giờ 30 ngày 25-4-2011 chúng tôi có mặt tại số 69 Đồng Khởi quận 1. Gần như ngay lập tức, xe buýt của Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh bất động sản Phố Cảnh, đơn vị thầu tuyến xe buýt từ trung tâm TPHCM đi đô thị Phú Mỹ Hưng, trờ tới. Cùng với hơn 20 hành khách, chúng tôi lên xe buýt và… tiến thẳng tới Phú Mỹ Hưng. Xe có 29 chỗ ngồi, máy lạnh mở nhiệt độ vừa phải… Khi xe bắt đầu lăn bánh, chúng tôi mới nhận ra trên xe hầu hết là “dân công sở” với rất nhiều quốc tịch: Hàn Quốc, Mỹ, Anh và cả Việt Nam.

Hành khách xếp hàng lên xe buýt tuyến Bến xe Miền Tây - Bến Thành. Ảnh: Kim Ngân
Hành khách xếp hàng lên xe buýt tuyến Bến xe Miền Tây - Bến Thành. Ảnh: Kim Ngân

Giá vé của Phố Cảnh không phải rẻ so với nhiều chuyến xe buýt khác ở TPHCM: 12.000 đồng/người song không hành khách nào phàn nàn. Cô gái ngồi kế tôi bộc bạch: “Chi phí cho hai chuyến đi và về trong ngày của tôi hết 24.000 đồng, vẫn rẻ hơn so với việc đi xe gắn máy và rẻ hơn rất nhiều so với đi xe hơi nên tôi chọn đi xe buýt”.

Cư dân ở đô thị Phú Mỹ Hưng chắc chắn không phải là những người có… thu nhập thấp và ngửi mùi nước hoa đắt tiền tỏa ra từ người cô gái, tôi lại càng tin rằng cô không thể không có khả năng sở hữu được những loại xe cá nhân có trị giá cao, kể cả xe hơi.

Xe đến Phú Mỹ Hưng vào khoảng 17 giờ. Tôi cuốc bộ một vòng các con phố ở đây… Không khí trong lành với nhiều cây xanh và những chùm hoa khoe sắc và vỉa hè thoáng đãng như chào mời khách dạo phố.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, phân tích: Sự thành công của tuyến xe buýt này cho thấy, nếu được tổ chức tốt từ khâu phục vụ đến các điểm đưa đón khách thì ngay cả khách có xe hơi riêng cũng sẵn lòng đi xe buýt.

Theo bà Bùi Thanh Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh bất động sản Phố Cảnh, xe buýt của đơn vị đã hoạt động được 7 năm và đây là một trong những tuyến xe buýt không được trợ giá của thành phố. Tuy nhiên, do lượng khách khá đông, vào giờ cao điểm có thể đạt công suất hơn 90% nên đơn vị đã duy trì được hoạt động. Hiện xe buýt Phố Cảnh hoạt động từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, với tần suất 1 giờ có 1 xe xuất bến.

Theo “mách nước” khác, chúng tôi đến một trạm xe buýt gần Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM để đón xe buýt lên làng đại học Thủ Đức. Mới khoảng 5 giờ sáng đã có gần 100 sinh viên đứng đón xe. Cứ khoảng 2 - 3 phút có một chiếc xe buýt B80 (loại chở được khoảng 80 người) ghé vào đón… sinh viên. Sinh viên “cứ vơi rồi lại… đầy”.

Theo Thạc sĩ Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT TPHCM, trung bình mỗi ngày có khoảng 30.000 lượt người (chủ yếu là sinh viên) đi trên tuyến xe buýt này. Đây là một trong những tuyến xe buýt có trợ giá của thành phố nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của sinh viên làng đại học Thủ Đức.

Không quản ngại nắng mưa, từ 4 giờ 40 sáng mỗi ngày, xe buýt đã bắt đầu lăn bánh cho tới khoảng 20 giờ 30 cùng ngày với thời gian giãn cách giữa các chuyến 2 - 5 phút, tùy thời điểm. Lộ trình của tuyến có sự kết nối liên hoàn giữa cơ sở của các trường đại học nằm ở khu vực nội thành cũ với các cơ sở khác của trường nằm ở làng đại học Thủ Đức nên rất tiện cho việc đi lại của sinh viên và ngay cả giáo viên.

  • Bài học của thất bại

Theo Sở GTVT TPHCM, trong năm 2010, sở đã phải cho 3 tuyến xe buýt tạm ngưng hoạt động vì không hiệu quả. Trong đó hai tuyến có trợ giá là tuyến Bến xe Văn Thánh - Bến xe Chợ Lớn, tuyến Hóc Môn - KCN Nhị Xuân và một tuyến không trợ giá là tuyến KCN Nhị Xuân - Đức Hòa. Lượng hành khách đi các tuyến này thường dưới 50% công suất chuyên chở nên phải tạm ngưng hoạt động.

Như thành công, thất bại cũng có bài học. Do “sinh sau đẻ muộn”, KCN Nhị Xuân chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp vào hoạt động như những khu công nghiệp khác, vì thế nhu cầu đi lại nơi đây chưa nhiều. Hầu hết vỉa hè của các con đường nằm trên lộ trình đi của xe buýt đều bị lấn chiếm hoặc thậm chí không có, người dân ngại đi bộ đến các trạm xe buýt nên việc thu hút khách dọc tuyến cũng không thành công. Bến xe Chợ Lớn là đầu mối giao thông lớn của xe buýt song lộ trình đến khu vực Văn Thánh lại có nhiều chuyến xe buýt của các tuyến khác đi qua nên hoạt động của tuyến cũng không hiệu quả.

Đó là chưa kể đến thái độ thiếu tôn trọng hành khách của một bộ phận không nhỏ lái xe và tiếp viên xe buýt. Trong năm 2010, Trung tâm Quản lý điều hành vận tải HKCC TPHCM đã lập biên bản và phạt 290 lỗi chạy xe không đúng lộ trình, 179 lỗi gian lận vé, 176 lỗi đón trả khách không đúng nơi quy định, 153 lỗi không đóng cửa xe khi xe đang lưu thông, 108 lỗi bỏ trạm, 383 lỗi không mở máy lạnh…

Đồng hành cùng xe buýt ảnh 3

Bài: Nguyễn Khoa, video: Đức Trọng


Bài 2: Mệt mỏi đôi đường!

Hầu như mỗi lần ngành chức năng đưa ra các giải pháp hạn chế xe cá nhân là dư luận lại đặt vấn đề “Tôi sẽ đi bằng gì khi mà lực lượng vận tải hành khách công cộng của thành phố phục vụ chưa tốt?”. Điều này không sai nhưng giới vận tải hành khách công cộng cũng có lý lẽ của họ: “Đường có hạn, xe cá nhân tăng phi mã, đường đâu để xe buýt đi mà phục vụ tốt?”….

  • Căng thẳng trên đường

Sáng ngày 26-4-2011, tôi đến Công viên Tao Đàn đón xe buýt đi Thủ Đức. Một xe buýt loại B80 của Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM trờ tới… Trên xe đã có khoảng 50 người, tôi tranh thủ ngồi xuống chiếc ghế ngay sau tài xế. Xe lăn bánh được khoảng 15 phút, mấy lần tôi định bắt chuyện với tài xế nhưng… không dám vì trên đường xe đông quá. Chiếc xe buýt hết lượn ra làn đường dành cho ô tô rồi lại tìm cách rẽ vào lề đường để đón khách mỗi khi đến trạm. Thú thật, nhiều lần tôi toát cả mồ hôi cho…những người đi xe gắn máy 2 bánh đang lưu thông trên đường cùng với xe buýt vì tưởng chừng như xe buýt sắp đụng họ tới nơi. Gương mặt người tài xế im lìm, căng thẳng. Tôi đành xuống xe mà không dám hỏi chuyện anh ta.

Sinh viên đại học Quốc gia TPHCM đi xe buýt. Ảnh: Thành Tâm

Sinh viên đại học Quốc gia TPHCM đi xe buýt. Ảnh: Thành Tâm


Giao lộ Thích Quảng Đức - Phan Đăng Lưu quận Phú Nhuận, cách đây chưa lâu gần như sáng nào những người đi xe gắn máy 2 bánh cũng phải “thót tim” trước “tài nghệ” quẹo cua của các tài xế xe buýt. Bề rộng khúc cua chỉ hơn 10m lại bị người đi xe gắn máy 2 bánh dừng xe chờ đèn đỏ chiếm tới gần một nửa vậy mà… những chiếc xe buýt B80 vẫn quẹo. Mỗi ngày đi làm bằng xe gắn máy qua giao lộ này, tôi cầu mong đừng gặp… xe buýt. Lỡ xe đứt thắng không biết hậu quả sẽ như thế nào.
Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM, cho biết càng ngày càng khó tìm tài xế xe buýt bởi việc lái xe giữa phố xá đông người quá căng thẳng. Có nhiều tài xế trẻ đến tìm việc ở Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM nhưng chỉ sau vài lần lái thử cùng với các tài xế lớn tuổi, thấy phương tiện đông quá, đặc biệt xe gắn máy hay vượt lên, cua ngang đầu xe buýt… nên xin nghỉ việc.
“Lương tháng chỉ khoảng 7 triệu đồng/người, lỡ có việc gì mệt lắm”, một tài xế trẻ giải thích với ông Phùng Đăng Hải như vậy khi quyết định không làm việc nữa. Ông Hải cho biết, đơn vị đã có khá nhiều giải pháp để giữ tài xế như không “khoán” doanh thu, đưa ra tiêu chí lái xe an toàn là quan trọng nhất… để động viên tài xế làm việc nhưng thỉnh thoảng cũng có vài người xin nghỉ vì áp lực công việc lớn quá.
Theo Ban An toàn giao thông TPHCM, số lượng các phương tiện giao thông đường bộ đăng ký tại thành phố đã lên tới 4,9 triệu chiếc với hơn 500.000 ô tô các loại. Đó là chưa kể còn gần 1 triệu phương tiện khác đăng ký ở các tỉnh nhưng thường xuyên lưu thông ở TPHCM. Đáng lo ngại, con số này không dừng ở đây, hiện trung bình mỗi ngày vẫn có khoảng 1.000 xe mô tô và 100 xe ô tô đăng ký mới. Trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông mới chỉ đạt 4,8%, quá ít so với “chuẩn” từ 22% - 24%. Sự chật chội của mặt đường đã làm cho cả tài xế xe công cộng lẫn xe cá nhân đều mệt mỏi, văn hóa giao thông ngày càng bị bào mòn và hai bên đều cảm thấy “ghét nhau” (!?).
  • Xe buýt phải cách tân
Cho đến thời điểm này xe buýt có phần nhường bước. Theo Sở GTVT TPHCM, trong năm 2010 đã có hơn 108 xe buýt bỏ cuộc và sở cũng phải cắt hàng trăm chuyến xe buýt vào giờ cao điểm trên một số tuyến để… nhường đường cho xe cá nhân lưu thông.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác Sở GTVT vẫn quyết liệt mở thêm tuyến, thêm chuyến xe buýt. Trong năm 2010, sở mở thêm 2 tuyến xe buýt từ Metro An Phú đến chợ Tân Phú và tuyến Bố Heo đến Lộc Hưng. Ngoài ra, các đơn vị vận tải còn chủ động mở thêm 60 tuyến xe buýt đưa đón công nhân có sự đóng góp một phần kinh phí của các doanh nghiệp sử dụng công nhân.
Hôm nay 28-4, dưới sự chủ trì của lãnh đạo TPHCM, Báo SGGP, Viện Nghiên cứu phát triển, Sở Giao thông Vận tải, Sở Quy hoạch Kiến trúc tổ chức hội thảo “Làm gì để phương tiện giao thông công cộng trở thành phương tiện đi lại chính của người dân?”.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng 6 tuyến metro, được sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới, TPHCM đang cho nghiên cứu xây dựng một tuyến BRT (xe buýt nhanh, có nhiều toa tương tự xe lửa, chạy trên đường dành riêng) trên Đại lộ Đông - Tây trong thời gian từ nay đến 2013. TPHCM cũng đang triển khai vận động người dân đi xe buýt, trong đó cán bộ công nhân viên phải nêu gương như một hành động thiết thực chống ùn tắc giao thông và tiết kiệm nhiên liệu. Hiện nay mạng lưới xe buýt của thành phố cơ bản đã kết nối đến hầu hết các trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, các khu dân cư tập trung lớn và thậm chí kết nối cả với các địa phương lân cận như Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương…
Ngược lại về phía người dân, thói quen đi xe cá nhân và tâm lý thành kiến với xe buýt vẫn còn rất lớn. Trước hết là thái độ phục vụ của lái xe và tiếp viên: xe không dừng hẳn khi tới trạm, khách chưa tìm được ghế ngồi, chỗ đứng đã vội nhấn ga khiến khách muốn té nhào; tiếp viên nói chuyện cộc lốc, nạt nộ hành khách hoặc không thèm trả lời khi khách hỏi lộ trình. Ngoài ra, nhiều hành khách muốn đi xe buýt để tiết kiệm nhưng từ nhà đến cơ quan phải đổi xe 2 - 3 tuyến mới tới nơi.

Ngay khi Sở GTVT đề xuất nghiên cứu thực hiện giải pháp “xe ô tô cá nhân biển số chẵn được đi ngày chẵn và biển số lẻ đi ngày lẻ vào khu vực trung tâm thành phố” đầu tháng 4-2011 vừa qua, cơ quan thông tin đại chúng đã dẫn lời nhiều người dân… phản đối quyết liệt vì phương tiện vận tải công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì chưa nói đến việc hạn chế xe cá nhân. Theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, yêu cầu có được phương tiện đi lại thuận tiện của người dân là chính đáng. Do vậy, trách nhiệm của Nhà nước trong vấn đề này rất lớn. Tuy nhiên, trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông Nhà nước rất cần sự tham gia, chia sẻ của người dân

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục