Giao thông thủy: Nguy cơ rình rập

Quá nhiều bất ổn
Giao thông thủy: Nguy cơ rình rập

Dư luận chưa hết bàng hoàng về vụ chìm tàu của Khu du lịch Dìn Ký hoạt động trên sông Sài Gòn (tại khu vực xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An, Bình Dương) làm 16 người chết. Từ sự cố đau lòng trên, đi thực tế một số tuyến kênh rạch trên toàn địa bàn mới thấy giao thông thủy tại TPHCM còn rất nhiều điều bất ổn, nguy cơ tai nạn luôn chực chờ.

Đò ngang đưa khách tại bến Tân Thuận không trang bị phao cứu sinh. Ảnh: Cao Thăng

Đò ngang đưa khách tại bến Tân Thuận không trang bị phao cứu sinh. Ảnh: Cao Thăng

Quá nhiều bất ổn

Chiều 21-5, ghi nhận của chúng tôi tại khu vực bến tàu cánh ngầm (bến Bạch Đằng), bến phà Thủ Thiêm, Cát Lái… hoạt động vận tải hành khách vẫn chưa tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

Tại khu vực bến Bạch Đằng, khúc sông có nhiều tàu biển, tàu cánh ngầm, tàu du lịch, nhà hàng nổi trên sông… ngược xuôi khiến tầm nhìn hạn chế, dễ va đụng nhưng hầu hết các phương tiện thủy tham gia hoạt động lại không tuân thủ quy định về an toàn giao thông đường thủy.

Nhiều phương tiện thiếu trang bị hệ thống áo phao, xuồng cứu hộ hoặc có trang bị cũng chỉ để đối phó với đoàn kiểm tra của các cơ quan chức năng. Đơn cử, khoảng 13 giờ 45 ngày 21-5, tàu cánh ngầm số hiệu SG 1103 chạy tuyến TPHCM - Vũng Tàu được lệnh xuất bến, dù trên tàu có trang bị nhiều áo phao nhưng chỉ chất đống ở mui tàu chứ không đưa cho hành khách mặc.

Cách đó không xa, khu vực bến phà Thủ Thiêm (nối quận 1 và quận 2), mỗi ngày c hàng chục chuyến phà chở hàng ngàn lượt khách lưu thông qua lại nhưng trên phà chỉ lèo tèo vài chiếc phao cứu sinh treo lủng lẳng bên hông phà.

* Kết quả thanh tra trên lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa của Thanh tra Sở GTVT TPHCM, trong 4 tháng đầu năm đoàn thanh tra đã kiểm tra 416 lượt, phát hiện và lập 341 biên bản vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 261.625.000 đồng.

Bến đò An Lợi Đông hiện nay là một trong những nơi phức tạp, nguy hiểm nhất. Đoạn sông này dòng chảy xiết và sóng lớn, trong khi đó mật độ phương tiện lưu thông cao, tàu biển, sà lan đi lại liên tục, các phương tiện thủy nội địa neo đậu, cắt ngang lưu thông, che khuất tầm nhìn, trong khi các phương tiện nhỏ đều không có đèn tín hiệu nên nguy cơ xảy ra tai nạn luôn chực chờ.

Mặt dù lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra nhắc nhở chủ đò cho dân mặc áo phao cũng như cấm chở quá tải nhưng các chủ đò vẫn vi phạm. Thậm chí các chủ đò còn cho người khác lái thay, trong khi đó đa số những người lái thay đều không có chứng chỉ lái tàu.

Tình trạng luồng tuyến lộn xộn và bất hợp lý trên các tuyến sông, kênh rạch ở TPHCM vẫn chưa được cải thiện. Dọc theo sông Sài Gòn (đoạn từ cầu Bình Triệu ra đến sông Nhà Bè), phương tiện giao thông thủy dày đặc, nhất là đoạn từ Cảng Sài Gòn ra đến cảng xăng dầu Nhà Bè, thế nhưng các phương tiện vẫn chưa tuân thủ các quy định về luồng tuyến.

Phức tạp nhất chính là khu vực phà Thủ Thiêm và ngã ba sông Sài Gòn - kênh Tẻ. Các phương tiện tàu biển, tàu hàng, tàu khách, phà lưu thông pha trộn lẫn nhau. Nguy hiểm nhất là một số ghe nhỏ (tải trọng dưới 1,5 tấn) chở hàng hóa lưu thông với phương tiện cũ kỹ, không có phương tiện cứu sinh. Đáng lo ngại nhất vẫn là các phương tiện đò dọc chở khách, vừa nhỏ vừa phải chạy len lỏi trong dòng phương tiện lớn lưu thông.

Việc phân định luồng lạch chưa được quan tâm đúng mức là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông thủy trong thời gian gần đây. Cụ thể là phương tiện thủy nội địa chạy chung luồng hàng hải dành cho tàu biển. Chính tình trạng này dẫn đến những chồng chéo trong quản lý và hậu quả tất yếu là nhiều điểm đen giao thông xuất hiện.

Quản lý chồng chéo

TPHCM có gần 1.000km sông, kênh, rạch có chức năng đường thủy nội địa và hàng hải. Hệ thống đường thủy nội địa trên địa bàn TP hiện do hai đơn vị quản lý: Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Sở GTVT.

Việc quản lý hệ thống sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy nội địa ở TPHCM được phân cấp: các tuyến đường thủy nội địa quốc gia gồm 16 tuyến với chi ều dài 252km do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam quản lý và các tuyến đường thủy nội địa địa phương bao gồm 87 tuyến với chiều dài hơn 574 km do Sở GTVT quản lý.

Theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ quản lý luồng, hành lang bảo vệ luồng tàu chạy và các cảng, bến thủy nội địa đã được cấp phép hoạt động. Do đó, từ giới hạn hành lang bảo vệ luồng chạy tàu đến mép bờ sông, kênh rạch hiện chưa quy định cho đơn vị nào quản lý, trong khi vùng nước ven bờ này lại liên quan nhiều đến các vấn đề như: an toàn công trình dưới lòng sông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, công trình lấn chiếm, sạt lở...

Theo Cảng vụ TP, người dân vi phạm, đơn vị chỉ có thể nhắc nhở chứ không thể xử phạt vì không nằm trong khu vực quản lý của mình.

Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc hai bên các tuyến sông, kênh rạch do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam quản lý, đã “mọc” lên hàng ngàn căn nhà xây dựng lấn chiếm sông rạch, có nơi lấn chiếm từ bờ sông hàng chục mét làm ảnh hưởng đến các hoạt động của giao thông thủy, an toàn công trình dưới lòng sông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, kiến trúc ven bờ...

Theo Phòng Quản lý Giao thông đường thủy, Sở GTVT, với đặc thù của một đô thị có nhiều sông, kênh, rạch và lớn nhất nước như TP, sự quản lý chồng chéo, phân cấp chưa hợp lý sẽ là một lực cản rất lớn cho sự phát triển. Điều này ảnh hưởng đến sự ổn định, mức độ an toàn giao thông của tuyến luồng, phương tiện.

Bên cạnh những phương tiện được các cơ quan có thẩm quyền kiểm định đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, còn nhiều tàu thuyền có công suất nhỏ mang tính tự phát, tự chế không đủ tiêu chuẩn vẫn lưu hành. Điều này xuất phát từ thực tế là việc sử dụng phương tiện vận tải thủy phụ thuộc nhiều vào thói quen, tập quán vì thế việc áp dụng, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật làm cho có lệ.

Một điều đáng lo ngại khác là hiện nay tất cả các bến đò chạy trên luồng hàng hải đều không có giấy phép mở bến. Luật Hàng hải cũng như Luật Đường thủy nội địa không quy định rõ đơn vị nào chịu trách nhiệm quản lý, cấp phép. Ngoài ra, ngành công an đã kiến nghị lên cấp trên bổ sung quy định bắt buộc mặc áo phao vào Luật Giao thông đường thủy và Nghị định 09 để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Quốc Hùng – Đình Lý

Không thể chủ quan

Sự kiện tàu của Khu du lịch Dìn Ký bị chìm trên sông Sài Gòn đêm 20-5 làm thiệt mạng 16 người đang gây chấn động dư luận. Có thể thấy rằng, chỉ một chút thiếu hiểu biết và cẩn trọng với sông nước là đau thương ập đến.

Đây không phải là sự kiện mới, cũng không phải chưa có bài học nào về sự nguy hiểm khi tiếp cận với sông nước. Mới hồi đầu năm, vụ chìm tàu du lịch tại vịnh Hạ Long cũng làm thiệt mạng 15 người, bắt nguồn từ sự chủ quan của nhân viên trên tàu khiến nước tràn vào khoang gây đắm tàu.

Vậy nhưng, người ta vẫn chưa rút ra những bài học, kinh nghiệm cần thiết để phòng ngừa rủi ro bằng những chuẩn bị chu đáo. Nói lên điều đó để nhìn lại, khúc sông Sài Gòn, bến Bạch Đằng của TPHCM có hàng chục tàu thuyền du lịch trên sông đang hoạt động, trong đó có những con tàu có sức chứa 600 - 700 người. Một điều đáng quan tâm là hầu hết các tàu du lịch trên sông Sài Gòn hoạt động từ 17 giờ đến 22 giờ, khi bóng đêm bao trùm mặt sông, không dễ quan sát những tàu thuyền và vật cản gây nguy hiểm cho tàu. Thêm nữa, vào những đêm thủy triều lên cao, nước sông Sài Gòn chảy rất xiết.

Ai cũng biết sông Sài Gòn rất sâu, nên việc phòng ngừa tai nạn cho tàu thuyền, bảo vệ sinh mạng du khách phải được quan tâm, đặt lên hàng đầu. Theo những người có trách nhiệm của Cảng vụ đường thủy nội địa TPHCM, Thanh tra giao thông đường thủy, Ban Quản lý bến Bạch Đằng, CSGT đường thủy, tất cả tàu thuyền du lịch phải được kiểm tra hàng ngày trước khi xuất bến, tàu được trang bị phao cứu sinh, phao tròn…, các tàu đều được đăng kiểm, thuyền viên có chứng chỉ hành nghề… Đó là những yếu tố rất quan trọng và cần thiết đảm bảo an toàn cho việc duy trì hoạt động của tàu thuyền. Tuy nhiên, đó là điều kiện cơ bản nhưng vẫn chưa thể lường hết được những sự cố có thể xảy ra.

Điều chủ quan dễ thấy là khi lên những con tàu du lịch, không có bảng hướng dẫn những điều cần thiết khi đi tàu. Thiếu những bảng sơ đồ hướng dẫn lối thoát hiểm, đèn chỉ báo. Cũng không có những chiếc áo phao cá nhân như trên máy bay có thể duy trì sự sống trong lúc chờ cứu (phải có đèn hiệu, còi, hoặc khói báo vị trí…).

Nói dại, nếu tàu chở 600 - 700 hành khách gặp sự cố, trong lúc hoảng loạn, hành khách biết đường nào thoát hiểm? Vì vậy, trang bị đầy đủ cho tàu không có nghĩa là đã an toàn, mà cần thiết phải có những hướng dẫn về an toàn trên sông cho du khách, nhất là phải có phương án an toàn cho họ ngay từ khi chưa xảy ra tai họa, và hơn hết, nhà chức trách phải hỗ trợ cho “nhà tàu” tập huấn các phương án đối phó cho thuyền viên, cho lực lượng cứu hộ trên tàu, dưới bến và phải có tàu thuyền cứu hộ, cứu nạn trực thường xuyên tại cảng.

Hơn lúc nào hết, cần thiết xây dựng lại các tiêu chí về an toàn trên sông cho tàu thuyền, cho từng cá nhân phải chấp hành khi lên tàu, phải có quy trình kiểm tra an toàn cho mỗi thuyền viên khi họ nhận nhiệm vụ. Đó là nghĩa vụ, là trách nhiệm của tất cả mọi người khi tham gia các hoạt động trên sông nước.

Thăng Long

Tin cùng chuyên mục