Thương nhớ chị Mười Lý

Nghe tin Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Tạ Thị Kiều (mà mọi người thân mật gọi là chị Mười Lý) ra đi, tôi không khỏi hụt hẫng… Bao kỷ niệm của một thời lửa đạn bỗng chốc ùa về.
Thương nhớ chị Mười Lý

Nghe tin Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Tạ Thị Kiều (mà mọi người thân mật gọi là chị Mười Lý) ra đi, tôi không khỏi hụt hẫng… Bao kỷ niệm của một thời lửa đạn bỗng chốc ùa về.

Ngày ấy, tôi còn tham gia kháng chiến ở miệt Cần Thơ thì chị đã nổi tiếng đánh giặc giỏi ở quê hương Đồng khởi - Bến Tre. Khoảng năm 1968-1969, tình cờ tôi gặp chị trong đoàn đại biểu Anh hùng LLVT miền Nam với các gương mặt trẻ như: Tạ Thị Kiều, Hồ Bé, Kan Lịch, Nguyễn Minh Tua, Trần Dưỡng, Trần Đình… được vinh dự ra thủ đô Hà Nội thăm Bác Hồ, tôi có dịp hiểu hơn về chị.

Với tôi, chị Mười Lý luôn là người chị dịu dàng nhân hậu, tính tình chân chất, khiêm tốn, giản dị, sống có nghĩa có tình và đầy tinh thần trách nhiệm cao. Tôi là thế hệ đàn em nên được chị Mười coi như đứa em thân thương. Năm 1970, khi trở về chiến trường miền Nam tiếp tục cầm súng chiến đấu, tôi càng cảm phục chị nhiều hơn.

Bác Hồ với các anh hùng và chiến sĩ thi đua miền Nam. (Đồng chí Tạ Thị Kiều thứ hai từ trái sang). Ảnh: TƯ LIỆU

Bác Hồ với các anh hùng và chiến sĩ thi đua miền Nam. (Đồng chí Tạ Thị Kiều thứ hai từ trái sang). Ảnh: TƯ LIỆU

Ngày ấy, chị còn rất trẻ, dáng thanh cao, giản dị trong bộ đồ bà ba, cổ quấn khăn rằn, vậy mà trông đẹp lạ thường. Lúc đó chị như biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Nam bộ kiên trung, bất khuất. Sống gần chị, tôi học hỏi được bao điều hay, nhất là đức tính khiêm tốn, giản dị. Nhìn chị mảnh mai, dịu dàng nhưng không ai ngờ chị đã từng lập nhiều chiến công vang dội như: tham gia 107 cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù, chiến đấu 33 trận, tiêu diệt 7 tên địch, làm bị thương 11 tên, bắt sống 13 tên, thu 24 súng các loại, vận động 13 gia đình binh sĩ ngụy và 4 binh lính ngụy trở về với nhân dân. Chị còn tổ chức 1 tiểu đội du kích thường xuyên hoạt động rải truyền đơn, gài mìn, phá ấp chiến lược, đốt chòi canh, diệt ác ôn…

Nổi tiếng nhất là trận chị tham gia đánh bót An Bình, chị dũng cảm mưu trí lừa địch để tạo điều kiện cho đồng đội chiếm gọn bót giặc. Chiến công nối tiếp chiến công, trong trận đánh bót Kinh Ngang, chị đã mưu trí đánh lạc hướng địch ra bờ kênh tạo thời cơ cho quân ta chiếm gọn đồn bót giặc mà không phải tốn viên đạn nào. Năm 1961, chị chỉ huy đội du kích Bến Tre phục kích đánh cháy xe quân sự địch trên đường Mỏ Cày đi Thom. Khi bị địch phản công, chị xung phong ở lại một mình chiến đấu chặn đánh địch để anh em đưa thương binh rút lui an toàn. Với những chiến công vang dội đó, chị đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 2 năm liền là Chiến sĩ Thi đua. Năm 1965, chị được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng LLVT ND.

Giữa tôi và chị có rất nhiều kỷ niệm, nhưng nhớ nhất là kỷ niệm những lần chị được ra Hà Nội thăm Bác Hồ, lần nào chị cũng bồi hồi xúc động, nước mắt rưng rưng khi thấy Bác dành cho đồng bào miền Nam một tình cảm hết sức đặc biệt. Bác thường dặn dò mọi người: “Miền Nam là một phần máu thịt không thể tách rời của đất Mẹ Việt Nam nên các cháu phải quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước…”.

Chị đã được vinh dự gặp Bác tới 6 lần, mỗi lần ra thăm Bác, chị như đứa con trở về thăm người cha vô vàn kính yêu. Ngày ấy, nhờ nổi tiếng đánh giặc giỏi, chị còn cùng các Anh hùng LLVT ND ở miền Nam đi thăm bạn bè một số nước trên thế giới. Đi đến đâu, đoàn đại biểu Việt Nam cũng được mọi người tôn vinh, khâm phục. Nhiều người đã chạy đến ôm hôn thắm thiết các đại biểu Việt Nam. Khi về nước, có dịp gặp chị, tôi đùa vui: “Đồng đội cùng nhau đánh giặc bao nhiêu năm mà chưa ai được ôm hôn bà chị, chỉ có mấy người Tây được ôm hôn bà chị không hà…”. Chị đỏ mặt mắc cỡ xua: “Cái cậu này, rõ thiệt…”. Nghe vậy mọi người cười vang.

Sau giải phóng miền Nam, với cấp hàm Đại tá, Anh hùng LLVT ND nhưng chị vẫn miệt mài công tác, sống khiêm tốn hòa đồng với anh em. Chị đảm nhiệm chức Giám đốc Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh (trên đường Lê Duẩn, quận 1) với tất cả niềm tự hào của một người từng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Là một cựu chiến binh gương mẫu, chị đã được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh TPHCM nhiệm kỳ năm 2003-2007.

Ở bất cứ công tác nào, chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm nay, tuy đã 74 tuổi đời, nhưng hễ còn sức khỏe, chị vẫn cố gắng tham gia các hoạt động xã hội. Vì bận rộn công tác nên thời gian gần đây tôi ít có dịp gặp chị, nay nghe tin chị qua đời, tôi vô cùng thương tiếc người đồng chí, đồng đội kiên trung bất khuất và người chị rất đỗi thân thương. Chị đã ra đi mãi mãi nhưng để lại cho đời một tấm lòng vàng, một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo…
 

MINH NGỌC (ghi)
Trung tướng Lê Thành Tâm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TPHCM

Tin cùng chuyên mục