Cơ chế tài chính mở cho khoa học - công nghệ

Chiều 20-11, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi). Nhóm vấn đề về cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN) được nhiều ĐBQH tập trung cho ý kiến.

(SGGP).- Chiều 20-11, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi). Nhóm vấn đề về cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN) được nhiều ĐBQH tập trung cho ý kiến.

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đưa ra một đề xuất mới về việc xây dựng chỉ số đầu tư - “một dạng ICOR cho KH-CN”. Việc khảo sát và phân tích chỉ số này hàng năm không chỉ đánh giá hiệu quả đầu tư cho KH-CN, được sử dụng làm cơ sở để tính toán phân bổ ngân sách mà còn là minh chứng rõ ràng cho DN thấy hiệu quả, thu hút họ bỏ vốn đầu tư. Trăn trở với câu hỏi tại sao hơn 10 năm qua đầu tư không ít, số đề tài nghiên cứu khoa học ngày càng nhiều hơn nhưng trình độ KH-CN vẫn thấp, ít công trình được đăng ký sáng chế hoặc có tiếng vang trong khu vực… ĐB Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đề nghị cụ thể hóa những nguyên tắc ưu đãi trong luật, tránh nói chung chung, “nghe thì rất hay nhưng rất khó thực hiện”, đồng thời đảm bảo đối xử bình đẳng giữa tổ chức công lập và ngoài công lập…

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) thẳng thắn nhận xét, dự luật vẫn còn nặng về cấp phát kinh phí và quản lý cơ sở KHCN công lập mà chưa chú trọng đúng mức đến những yếu tố nhằm huy động nguồn tài chính ngoài công lập. ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang khuyến nghị: “Cần có điều khoản quy định khi DN đạt đến mức doanh thu nhất định thì lập tổ chức nghiên cứu KH-CN; nhà nước cấp một phần kinh phí cho DN có đề tài tốt và có vốn đối ứng”. Về chính sách thuế, không nên áp dụng rộng rãi việc miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT đối với thiết bị, quy trình công nghệ nước ngoài mà chỉ nên áp dụng với một số loại nhất định mà trong nước chưa tạo ra được. Vật tư thiết bị phục vụ nghiên cứu trong nước thì lại cần được giảm thuế sâu hơn nữa, có như vậy mới khuyến khích được hoạt động nghiên cứu KH-CN trong nước...

Ủng hộ định hướng khoán chi, song ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng, cần có cách làm táo bạo hơn nữa. “Đó là cơ chế tài chính mở, cho phép nhà khoa học không phải lập dự toán chi tiết mà chỉ cần dự toán tổng quát, họ được phép chi theo tổng mức được duyệt với các mục chi được phê duyệt, sau đó kiểm toán”, ĐB Nguyễn Thanh Phương hiến kế.

Theo chương trình xây dựng pháp luật của QH, dự án luật này sẽ được hoàn thiện, trình QH thông qua tại kỳ họp tới.

A.Phương

Tin cùng chuyên mục