Nguy hiểm hàng rong

Không riêng tình trạng hàng rong chèo kéo du khách ở nội thành, thời gian gần đây, nhiều tài xế xe tải, xe khách, xe con… cho biết rất bức xúc trước tình trạng mua bán hàng rong trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua TPHCM. Tại khu vực ngã tư An Sương, cầu vượt Sóng Thần…, cứ mỗi khi dừng đèn đỏ thì người bán báo, bán nước ngọt, bánh mì, vé số… lại ùa ra vây lấy xe chèo kéo bán hàng.

Không riêng tình trạng hàng rong chèo kéo du khách ở nội thành, thời gian gần đây, nhiều tài xế xe tải, xe khách, xe con… cho biết rất bức xúc trước tình trạng mua bán hàng rong trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua TPHCM. Tại khu vực ngã tư An Sương, cầu vượt Sóng Thần…, cứ mỗi khi dừng đèn đỏ thì người bán báo, bán nước ngọt, bánh mì, vé số… lại ùa ra vây lấy xe chèo kéo bán hàng.

Không chỉ ở các giao lộ, sự việc còn diễn ra ở cả những đoạn đường lưu thông bình thường. Cứ mỗi khi các loại xe chở hàng, chở khách dừng lại hoặc đi ngang các cây xăng hay những điểm dừng chân, đông dân cư… người bán hàng rong lại túa ra mặt đường, chặn xe để bán nước, bán báo. Việc chặn xe đang chạy là rất nguy hiểm nhưng có lẽ đã quá quen nên hầu như không thấy họ biểu lộ sự sợ sệt.

Ông Huỳnh Như Long, tài xế xe tải tuyến Bắc - Nam, tâm sự: “Cứ mỗi lần đến những khu vực này là tôi lại lo sợ. Vì cuộc sống, họ bất chấp hiểm nguy, cản đầu xe tải, xe khách để chèo kéo bán hàng. Xe chạy tuyến đường dài, chúng tôi chuẩn bị rất chu đáo thức ăn, đồ uống. Nhiều lúc mình không muốn mua cũng không được, họ cứ chèo kéo, chàng ràng ngay đầu xe, rất khó di chuyển”. Về phần mình, chị Nguyễn Lâm Anh, quê Phú Yên, bán nước ngọt trên tuyến quốc lộ 1A, nói tỉnh rụi: “Cũng biết nguy hiểm chứ nhưng tụi tôi chỉ hành nghề khi xe dừng hẳn lại. Lúc thường thì đứng trên dải phân cách để chờ đợi”.

Qua tìm hiểu, chính quyền các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12, Thủ Đức và CSGT các đội An Lạc, Phú Lâm, Bình Triệu - đơn vị, địa phương có tuyến quốc lộ 1A đi ngang qua - thường xuyên tuần tra và giải tán những người bán hàng rong. Thậm chí không ít lần ra quân rất rầm rộ để chấn chỉnh, xử lý khá kiên quyết.

Lãnh đạo một đội CSGT đóng trên tuyến quốc lộ 1A, cho biết: “Việc ra quân huy động nhiều lực lượng, như: công an, bảo vệ dân phố, dân quân địa phương, CSGT, cơ động, trật tự… nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Bởi lẽ, phần lớn họ là dân nhập cư chứ không phải dân đang sinh sống tại địa phương. Mặt khác, theo luật định, những hành vi đó chỉ bị xử phạt 60.000 đồng và không được tạm giữ hàng hóa cũng như giữ người. Để chấn chỉnh địa bàn mà chúng tôi được phân công quản lý, không còn cách nào khác là cắm chốt hay tuần tra liên tục để kịp thời phát hiện và đẩy đuổi”.

Năm 2012 là Năm An toàn giao thông. Tất cả những giải pháp đang được chính quyền các tỉnh, thành, địa phương và đặc biệt là TPHCM tập trung thực hiện để giảm tai nạn, ùn tắc giao thông. Hành vi bán hàng rong trên tuyến quốc lộ 1A rõ ràng rất nguy hiểm và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an toàn giao thông trên tuyến. Không lẽ không còn giải pháp nào để xử lý hành vi vi phạm ATGT như trên?

Đoàn Hiệp

Tin cùng chuyên mục