Nỗi đau chưa dứt

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau về thể xác và tinh thần vẫn chưa nguôi ngoai với hàng triệu gia đình Việt Nam. Chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ, nhưng đến ngày nay, những hậu quả, di chứng mà thứ hóa chất nguy hại này để lại vẫn vô cùng khủng khiếp với con người và môi trường sống…
Nỗi đau chưa dứt

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau về thể xác và tinh thần vẫn chưa nguôi ngoai với hàng triệu gia đình Việt Nam. Chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ, nhưng đến ngày nay, những hậu quả, di chứng mà thứ hóa chất nguy hại này để lại vẫn vô cùng khủng khiếp với con người và môi trường sống…

  • Di chứng da cam/dioxin

Lê từng bước đi đầy nặng nhọc và mệt mỏi trên đôi nạng gỗ, không ai nghĩ rằng người thanh niên tàn tật với khuôn mặt điển trai, thông minh này lại là một nạn nhân da cam.

Anh là Phạm Thế Minh ở xã An Hưng, huyện An Dương, Hải Phòng. Dù không sinh ra trong những năm tháng bom đạn của chiến tranh, nhưng Minh lại bị nhiễm thứ chất độc da cam/dioxin chết người từ người cha là bộ đội từng chiến đấu tại Quảng Trị và phải hứng chịu những “trận mưa” da cam do quân đội Mỹ rải xuống trong chiến tranh. Ngay sau khi được sinh ra, cơ thể Minh đã không bình thường, 2 chân cứ ngày một teo lại, cùng với đó là ốm đau, bệnh tật luôn dai dẳng đeo bám cuộc sống anh… Nhưng may mắn thay, anh vẫn còn được một trí óc minh mẫn.

Trong khi đó, gia đình anh thương binh Mai Xuân Định ở xã Nam Bình, huyện Kiến Xương, Thái Bình lại phải đối mặt với những nỗi đau vô cùng day dứt mà không có cách nào chữa khỏi. Sau những năm tháng chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ, đất nước hòa bình, anh Định trở về cuộc sống đời thường với một cơ thể không mấy lành lặn nhưng may mắn cũng có người chịu thương để làm vợ anh. Thế nhưng, 3 đứa con mà vợ chồng anh Định sinh ra đều bị nhiễm chất độc da cam từ người cha. Vì thế mà cả 3 đứa con anh Định dù đã lớn nhưng lại không có sức khỏe, da dẻ lúc nào cũng sần sùi, mụn nhọt nổi khắp người, còn tâm trí lúc tỉnh lúc quên. Thậm chí, đứa con út của vợ chồng anh Định là cháu Mai Xuân Thiện đã 20 tuổi nhưng vẫn nằm liệt giường không nói, không cười, cơ thể, chân tay đều co quắp, vặn vẹo.

Mỗi người, mỗi gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin là một hoàn cảnh éo le khác nhau và đều phải gánh chịu nỗi đau đớn khủng khiếp cả về thể xác lẫn tinh thần.

Anh Bùi Hữu Thỉnh, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, là chiến sĩ từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Kon Tum và bị nhiễm chất độc dioxin. Chiến tranh kết thúc, anh trở về quê hương, tưởng rằng niềm vui từ mái ấm gia đình sẽ bù đắp những đau đớn, mất mát do chiến tranh gây ra. Thế nhưng, với gia đình anh Thỉnh nỗi đau của chiến tranh vẫn chưa dừng lại mà nó còn cay nghiệt và nặng nề hơn. 4 lần vợ chồng anh sinh nở thì cả 3 đứa đầu đều lần lượt qua đời vì những căn bệnh quái ác do ảnh hưởng của chất độc da cam. Đứa con thứ 4 của anh là cháu Tuấn cũng không như những đứa trẻ bình thường khác, cháu suốt ngày khóc, ngơ ngơ, ngẩn ngẩn…!

Nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3 đang được nuôi dưỡng ở Làng Hòa Bình (Hà Nội).

Nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3 đang được nuôi dưỡng ở Làng Hòa Bình (Hà Nội).

  • Hậu quả khủng khiếp

Chiến tranh đã kết thúc hàng chục năm qua, nhưng vết thương do chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh vẫn đang ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe của rất nhiều người dân Việt Nam. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), cho biết: Chỉ trong vòng 10 năm của cuộc chiến tranh hóa học (1961-1971), quân đội Mỹ đã phun rải trên 110.000 tấn chất độc hóa học phá hoại hơn 3 triệu ha rừng, làm 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân.

Theo đánh giá của VAVA, trong số hơn 3 triệu nạn nhân da cam/dioxin ở nước ta, có tới 85% số gia đình có 2 nạn nhân da cam. Thậm chí, nhiều gia đình có 4 - 5 nạn nhân, không có khả năng lao động để duy trì cuộc sống. Nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2 chiếm 19%, thế hệ 3 chiếm 2,9% và tới nay đã xuất hiện nhiều nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4.

Thiếu tướng Trần Xuân Thu, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VAVA, nhấn mạnh: Vết thương bom đạn có thể làm cho số đông nạn nhân mất một bộ phận cơ thể nhưng không đau đớn thường xuyên, họ vẫn sinh con lành lặn. Nhưng với nạn nhân chất độc da cam, họ đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần. Những người bị nhiễm chất độc hóa học mắc bệnh nan y hiểm nghèo, cơ thể luôn đau đớn, quằn quại, con cháu sinh ra dị dạng, dị tật do chất độc da cam gây biến loạn về gen, chủ yếu xảy ra ở trẻ em và di truyền qua vài thế hệ, thậm chí đã đến thế hệ thứ 4, thứ 5…

Khám sức khỏe trẻ em nhiễm chất độc da cam tại làng Hữu Nghị (Hà Nội).

Khám sức khỏe trẻ em nhiễm chất độc da cam tại làng Hữu Nghị (Hà Nội).

  • Chung tay giúp đỡ

“Nạn nhân của chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ…”. Vì vậy mà trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã không ngừng quan tâm, chăm lo nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam và con cháu của họ.

Hiện cả nước có hơn 200.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Hơn 50% số gia đình có người tàn tật và nạn nhân chất độc da cam được hưởng chế độ bảo hiểm y tế hoặc khám, chữa bệnh miễn phí.

Mới đây nhất vào tháng 6-2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020” nhằm giải quyết cơ bản hậu quả của chất độc da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với môi trường và con người ở Việt Nam.

Theo đó, Chính phủ sẽ xử lý triệt để chất độc da cam tại các vùng ô nhiễm nặng. Bảo đảm 100% người tham gia kháng chiến và con cháu của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công. Các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn được trợ cấp đời sống và BHYT.

Đồng thời, đến nay, cả nước đã xây dựng được 17 làng Hòa Bình, làng Hữu Nghị, làng Cam, nhiều cơ sở và trung tâm dưới hình thức tập trung hoặc bán trú, nuôi dưỡng hàng ngàn nạn nhân, chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam.

Về phía VAVA, sau 8 năm đi vào hoạt động đã nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm trong vào ngoài nước với số tiền và hiện vật trị giá hơn 440 tỷ đồng, trong đó 6 tháng đầu năm 2012 là hơn 68 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí nhân đạo này, VAVA đã thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà, chăm sóc sức khỏe, cung cấp vốn sản xuất cho hàng ngàn lượt nạn nhân.

Tuy nhiên, theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, mặc dù cuộc sống đã được cải thiện nhưng nhiều nạn nhân chất độc da cam vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống, phần lớn các gia đình nạn nhân da cam đều thuộc diện nghèo. Trong khi thực tế hiện mới chỉ có một phần đối tượng tham gia kháng chiến được hưởng trợ cấp. Còn người dân thường bị hậu quả chất da cam/dioxin và cháu (thế hệ thứ 3), thậm chí thứ 4 của người tham gia kháng chiến chưa được hưởng chính sách hỗ trợ. Vì vậy, rất cần có cơ chế chính sách đồng bộ và sự chung tay, góp sức của toàn xã hội đối với công tác xoa dịu nỗi đau da cam.

Luật sư Jeanne Mirer, Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế, thành viên Ban chỉ đạo của Ban Vận động cứu trợ và trách nhiệm chất da cam Việt Nam, nêu rõ: Hàng triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm hóa chất dioxin đã mắc các bệnh ung thư, tổn thương gan, bệnh phổi và tim, các khuyết tật về sinh sản, rối loạn da và thần kinh. Con và cháu họ sinh ra với những dị tật nghiêm trọng về thể xác lẫn tinh thần và tuổi thọ rất ngắn. Nhiều khu rừng rộng lớn của Việt Nam đã bị tàn phá và biến thành vùng trọc do chất dioxin gây ra. Một số có lẽ sẽ không bao giờ mọc trở lại và nếu có thể làm được điều đó thì cũng phải mất tới 50 - 200 năm. Nhiều dòng sông và nước ngầm ở một số vùng đã bị ô nhiễm. Tình trạng xói mòn và sa mạc hóa đã làm thay đổi môi trường, gây ra sự xáo trộn cho đời sống.

NGUYỄN QUỐC

- Thông tin liên quan:

>> Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Tin cùng chuyên mục