Vì sao người phát ngôn hay né báo chí?

Thông tin vừa thừa lại vừa thiếu
Vì sao người phát ngôn hay né báo chí?

“Phát ngôn là hoạt động truyền thông mới mẻ, khó khăn nhưng người phát ngôn chưa được tạo những điều kiện cần thiết, nên còn thiếu tự tin và tâm lý phổ biến là né tránh báo chí” - trao đổi với Báo SGGP bên lề hội nghị tập huấn về kỹ năng phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí mới đây tại TPHCM, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Bộ TT-TT Lê Văn Nghiêm thẳng thắn nhìn nhận.

Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thông tin vừa thừa lại vừa thiếu

- Phóng viên: Trong một nhận xét của mình, đồng chí cho rằng “hiện nay xã hội đang trong tình trạng vừa thừa, vừa thiếu thông tin. Thừa thông tin vô bổ nhưng lại thiếu thông tin chính thống cần thiết”, vì sao vậy?

>> Cục trưởng LÊ VĂN NGHIÊM: Cái chúng ta thiếu là thông tin cần thiết cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan lãnh đạo, quản lý. Thông tin chính thống rất thiếu, lại cung cấp chậm và độ tin cậy nhiều khi chưa cao. Ngay cả mức tăng trưởng GDP là con số rất quan trọng, được các địa phương công bố nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng độ tin cậy chưa cao. Nợ xấu ngân hàng được nhiều ngân hàng công bố cũng được cho rằng có độ tin cậy chưa cao. Nhiều nhà kinh tế cho rằng nghiên cứu về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay rất khó. Nhiều thông tin vừa thiếu, nhiều số liệu có độ tin cậy chưa cao. Chuyện học tập và nghiên cứu gặp khó khăn, việc tìm kiếm thông tin để làm ăn càng khó hơn. Nhà nước ta hiện nay cũng rất thiếu thông tin phục vụ các hoạt động quản lý điều hành, các đại biểu Quốc hội cũng “kêu” về tình trạng thiếu thông tin.

Trong bối cảnh đó, báo chí lại thừa những thông tin không thật cần thiết, thậm chí có thể nói là vô bổ.

- Hệ lụy của việc thiếu thông tin sẽ ra sao và ai là người chịu trách nhiệm chính trong việc này, thưa cục trưởng?

Thiếu thông tin thì người dân không hiểu đầy đủ và chính xác, thậm chí không nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách, do đó việc học tập, nghiên cứu, làm ăn đều gặp khó khăn. Cơ quan nhà nước thiếu thông tin thì hoạt động xây dựng chính sách, luật lệ, quy hoạch, đề án, dự án sẽ gặp khó khăn. Thiếu tiền thì có thể tạm ứng, vay nợ, nhưng nếu thiếu thông tin thì đồng nghĩa với nhường trận địa thông tin cho đối phương, là mảnh đất màu mỡ cho tin đồn, nhiễu loạn thông tin.

Việc thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là việc hệ trọng. Thông tin cung cấp phải nhanh, kịp thời, đầy đủ, chính xác, có độ tin cậy cao. Đồng thời, cần nâng cao dân trí trong cách tiếp nhận thông tin, khắc phục tâm lý tiếp nhận thông tin một cách dễ dãi, thiếu kiểm chứng. Chẳng hạn, người Mỹ tìm kiếm hài cốt lính Mỹ mất tích thì theo quy trình bắt buộc là kiểm tra ADN rồi mới chuyển cho thân nhân. Còn ở Việt Nam, nhiều người tìm được hài cốt nhờ sự trợ giúp của nhà ngoại cảm thì mang về chôn cất mà không đưa xét nghiệm ADN.

Hai chục năm qua, chúng ta đã tìm được hàng chục ngàn bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó có sự trợ giúp của các nhà ngoại cảm nhưng lại rất ít kiểm tra ADN. Đến bây giờ, dư luận mới nghi ngờ về kết quả tìm kiếm các hài cốt liệt sĩ.

Vai trò của Luật Tiếp cận thông tin

- Trên thực tế, một trong những khó khăn mà phóng viên hay gặp khi liên hệ với các cơ quan nhà nước là việc lãnh đạo đơn vị, địa phương “đùn đẩy” cho người phát ngôn, người phát ngôn thì nói không nắm vấn đề cụ thể nên đề nghị liên hệ với lãnh đạo…

Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí có từ tháng 5-2007, đầu năm nay được sửa đổi, bổ sung, nhưng việc thực hiện có thể nói là chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn. Thứ nhất, người được giao nhiệm vụ phát ngôn gặp nhiều khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều người chưa được trang bị phương pháp và kỹ năng phát ngôn. Vì vậy, việc tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ này các phương pháp và kỹ năng về phát ngôn là rất cần thiết.

Thứ hai, cần có cán bộ giúp việc người phát ngôn. Ở các nước, người phát ngôn thường có bộ máy giúp việc chuyên nghiệp, lo xây dựng và thực hiện chiến lược truyền thông cho cơ quan nhà nước. Bộ phận này có nhiệm vụ chủ động xây dựng các kế hoạch truyền thông, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, xây dựng mối quan hệ tích cực, thân thiện với báo chí, giải quyết kịp thời và chu đáo các yêu cầu của các nhà báo.

- Vậy những hạn chế này sẽ được khắc phục thế nào khi các cơ quan nhà nước thực hiện quy chế mới về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí?

Trước hết, người phát ngôn cần có nhận thức đúng và đầy đủ về tính chất quan trọng của công tác phát ngôn. Đó vừa là trách nhiệm theo luật định, vừa là cơ hội để cơ quan nhà nước làm cho công chúng hiểu đúng hơn về hoạt động của cơ quan mình. Đây là công việc mà cơ quan chính quyền ở tất cả các nước trên thế giới đều hết sức coi trọng.

Hiện nay, tại hơn 100 nước trên thế giới, người phát ngôn thực hiện công việc quan trọng của mình theo Luật Thông tin, hay còn gọi là Luật Tiếp cận thông tin. Luật này nêu rõ các chủ thể có trách nhiệm công bố thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân; quy định danh mục những thông tin phải công bố và cung cấp; quy định quy trình, thủ tục công bố và cung cấp thông tin; quy định thời hạn, tiến độ công bố và cung cấp thông tin; và quy định chế tài đối với người không thực hiện đúng theo luật định. Người vi phạm có thể bị người dân kiện ra tòa và bị xử lý theo pháp luật. Quốc hội Việt Nam cũng có kế hoạch xây dựng Luật Tiếp cận thông tin nhằm tăng cường trách nhiệm công bố và cung cấp thông tin đáp ứng yêu cầu của xã hội.

HỒNG HIỆP (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục