Đối thoại để giải quyết bức xúc của người lao động

Ngày 15-12, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM và lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động TPHCM đã có buổi đối thoại với gần 200 công nhân lao động, cán bộ Công đoàn cơ sở trong Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước.
Đối thoại để giải quyết bức xúc của người lao động

Ngày 15-12, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM và lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động TPHCM đã có buổi đối thoại với gần 200 công nhân lao động, cán bộ Công đoàn cơ sở trong Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước.

        Bức xúc nhà giữ trẻ, khẩu phần ăn

Chị Nguyễn Hồng Bích, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Thực phẩm xuất khẩu Hai Thanh, phản ánh: Nhà lưu trú công nhân KCN Hiệp Phước chưa đáp ứng nhu cầu nên công nhân lao động (CNLĐ) phải thuê bên ngoài rất đông (chỉ 366 CN/7.500 CN ở khu lưu trú) bởi giá thuê phòng cao hơn bên ngoài nhiều (từ 300.000 - 500.000 đồng/phòng/tháng); huyện Nhà Bè chưa có trường cao đẳng, đại học nên CNLĐ muốn sau giờ làm học nâng cao trình độ cũng không thể; xã Long Thới, nơi CNLĐ tập trung đông chưa có trung tâm văn hóa, thể dục thể thao nào trong khi đây là nhu cầu bức thiết của CNLĐ đang độ tuổi thanh niên.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà (bìa trái) và đoàn công tác thăm hỏi công nhân tại khu lưu trú công nhân của KCN Hiệp Phước.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà (bìa trái) và đoàn công tác thăm hỏi công nhân tại khu lưu trú công nhân của KCN Hiệp Phước.

Chị Hoàng Thị Phương, công nhân Công ty Hiệp Phước Thành, phản ánh nỗi khổ chung của những bà mẹ có con “mọn”: các chị em đang rất đau đầu tìm chỗ giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi để đi làm vì các trường mầm non công lập chỉ nhận giữ trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên và chỉ nhận trong giờ hành chính (từ 7 giờ 30 đến 16 giờ 30). Như vậy, ngoài nghỉ thai sản 6 tháng theo chế độ, 12 tháng còn lại công nhân không có nơi giữ con và cũng phải cậy nhờ tất cả các mối quan hệ để nhờ trông giúp trong những ngày tăng ca. Nếu gửi con cho nhóm giữ trẻ thì không an tâm vì câu chuyện bảo mẫu hành hạ chết em bé khiến các chị em rất lo lắng. Thống kê của các cơ quan chức năng là toàn KCN Hiệp Phước có khoảng 600 cháu, trong khi nhà trẻ Đồng Xanh trong khu vực này chỉ có sức chứa 150 trẻ/4 lớp, chúng tôi không lo làm sao được?

Theo anh Tô Vĩnh Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH KonDo, hiện nay một suất ăn phổ biến tại doanh nghiệp (DN) chỉ từ 12.000 - 13.000 đồng/suất, chất lượng trong khẩu phần ăn rất hạn chế. DN chưa quan tâm và còn “tùy hỉ”. “Lãnh đạo TP phải quan tâm và có chỉ đạo định lượng chất lượng một bữa ăn chung đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo tái tạo sức lao động, trên cơ sở đó quy thành tiền một suất ăn để thống nhất chung cho các DN trên địa bàn TP thực hiện” - anh Tô Vĩnh Phúc đề nghị.

Buổi đối thoại càng sôi động hơn với hàng chục ý kiến khác của CNLĐ liên quan đến nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp đang làm việc trong KCN; tiện nghi sinh hoạt, giá cả và an ninh khu lưu trú công nhân; can thiệp để CNLĐ ở trọ bên ngoài được hưởng định mức điện nước theo quy định của TP; an ninh trật tự các tuyến đường quanh KCN; khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; giải quyết chế độ khi DN giảm biên chế…

        Nỗ lực chăm lo tốt cho CNLĐ

Trước yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành phải “đặt mình vào vị trí của người lao động để xử lý và đưa ra những cam kết cụ thể trong thời gian tới” của Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà, đại diện lãnh đạo các sở: VH-TT-DL, Xây dựng, Y tế, LĐTB-XH, GD-ĐT, KCN Hiệp Phước và LĐLĐ TP đã trao đổi, giải trình theo nhóm vấn đề, đồng thời thẳng thắn thừa nhận những bất cập, yếu kém trong việc quan tâm đến đời sống, việc làm của người lao động.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho biết đã và đang làm việc với KCN Hiệp Phước để cùng xây dựng trường mầm non tiếp theo, đáp ứng nhu cầu của CNLĐ. Liên quan đến nhà ở, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Nguyễn Văn Danh cho biết trong giai đoạn 2013 - 2015, trên địa bàn huyện Nhà Bè sẽ có trên dưới 1.200 nhà ở xã hội phục vụ đối tượng người có thu nhập thấp, trong đó có cả đội ngũ CNLĐ đáp ứng đủ điều kiện.

Liên quan đến việc CNLĐ bị “hành” khi đi khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT, đại diện lãnh đạo Sở Y tế TPHCM đề nghị CNLĐ khi gặp trường hợp cụ thể thì phản ánh ngay đến số điện thoại đường dây nóng của sở (có dán ở tất cả các trung tâm y tế, bệnh viện), sở sẽ xử lý nghiêm từng trường hợp.

Về chất lượng bữa ăn cho CNLĐ, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Nguyễn Thị Thu cho biết đã phối hợp với Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM khảo sát chế độ dinh dưỡng cho CNLĐ trên địa bàn TP và đã có kiến nghị cụ thể đến các ban, ngành có liên quan. Dự kiến sẽ đưa vào áp dụng kết quả từ cuộc khảo sát này vào năm 2014 để vận động đảm bảo dinh dưỡng cho bữa ăn của CNLĐ…

Ghi nhận các ý kiến và chỉ đạo từng sở, ban, ngành có liên quan phải sớm trả lời cho CNLĐ thông qua các tổ chức công đoàn, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà hứa với CNLĐ của KCN Hiệp Phước sẽ ráo riết chỉ đạo để CNLĐ có thể thuê nhà ở với giá cả hợp lý; giải quyết sớm những vấn đề liên quan đến việc con của CNLĐ đi nhà trẻ, đi học; bảo đảm an ninh trật tự; tăng cường vận động chăm lo, cố gắng đảm bảo không để CNLĐ nào trên địa bàn TP không có tết.

Về “số phận” của công nhân Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương, bà Phạm Thị Viết, Bí thư Đảng ủy KCN Hiệp Phước, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước, cho biết khi Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương bị tạm đình chỉ 6 tháng thì trong tháng đầu công nhân được hưởng nguyên tháng lương, 2 tháng kế tiếp được hưởng 75% lương cộng thêm ít tiền thưởng để anh em… về quê!

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục