Công nhân ăn tết sớm

Không như các năm trước phải tăng ca đến 27, 28 tết, năm nay nhiều doanh nghiệp ở TPHCM cho công nhân nghỉ khá sớm, cộng thêm số ngày nghỉ theo quy định kéo dài đã khiến nhiều người âu lo.

Không như các năm trước phải tăng ca đến 27, 28 tết, năm nay nhiều doanh nghiệp ở TPHCM cho công nhân nghỉ khá sớm, cộng thêm số ngày nghỉ theo quy định kéo dài đã khiến nhiều người âu lo.

  • Nỗi lo nghỉ tết dài ngày

Trưa 2-2, không khí làm việc tại DNTN Sản xuất Hải Sơn, chuyên sản xuất các loại bao bì PP-BOPP tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh vẫn diễn ra khá khẩn trương. Tuy nhiên, một vài dây chuyền sản xuất đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng với vài công nhân. Bà Phạm Thị Thùy Nga, Giám đốc DNTN Hải Sơn, cho biết, các dây chuyền này sản xuất những công đoạn đầu và vài ngày trước đã thực hiện xong đơn hàng cuối cùng trong năm nên đơn vị đã sắp xếp cho công nhân về nghỉ tết trước. “Số công nhân đang ở lại làm việc, hôm nay sẽ thực hiện xong công đoạn cuối để chuyển đến khâu đóng gói thành phẩm, giao cho đối tác và trong ngày mai cũng đồng loạt được nghỉ tết sớm”- bà Nga nói.

Những năm trước đây, được nghỉ tết sớm là mong mỏi của hầu hết công nhân. Thế nhưng, năm 2012 với những khó khăn chung của nền kinh tế, thu nhập người lao động cũng không ổn định khiến không ít người lo lắng cho những ngày nghỉ tết kéo dài. Anh Thiên Văn Tráng, khâu sắp xếp thành phẩm của DNTN Hải Sơn, tâm sự: “Năm nay, công ty cho chúng tôi nghỉ tết sớm và có đủ lương tháng 13 và thưởng tết chúng tôi rất vui. Vì tôi biết có nhiều người bạn cùng quê ở tỉnh Hậu Giang đang làm việc cho các công ty khác cũng được nghỉ sớm nhưng không có thưởng, thậm chí lương còn bị giảm. Có điều với mức thu nhập công nhân bình quân chỉ trên dưới 4 triệu đồng/tháng, trong khi chi phí giá cả tăng cao nên chỉ đủ chi tiêu chật vật 3 ngày tết. Nhưng với thời gian nghỉ tết năm nay dài ngày và đơn vị lại cho nghỉ sớm quá nên nếu về nhà không kiếm được việc gì làm thêm thì ra tết khó khăn lắm”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, quê ở tỉnh Nghệ An, đang làm việc cho Công ty TNHH TM SX Thiên Kim, chuyên may hàng xuất khẩu tại quận 12, cho biết, công ty hết đơn hàng nên đã cho công nhân nghỉ tết từ ngày 20 tháng chạp Nhâm Thìn đến 12 tháng giêng Quý Tỵ mới làm việc trở lại. Tuy nhiên, do công ty gặp khó khăn nên chỉ trả đủ lương tháng 13 chứ không có thưởng như các năm trước. “Vợ chồng tôi cũng như nhiều bạn bè quyết định ở lại Sài Gòn ăn tết. Sẵn những ngày nghỉ tết chúng tôi vào các vựa mua hoa quả, rau đem ra chợ bán kiếm thêm chút tiền để trả tiền phòng trọ. Chứ có mấy đồng lương mà nghỉ gần cả tháng, ra giêng lấy đâu tiền cho con ăn học. Chưa kể, nếu đơn hàng ít, công ty ngày làm ngày nghỉ như năm rồi mà chúng tôi lại ăn lương sản phẩm nên thu nhập chẳng được bao nhiêu”- chị Hồng nói.

  • Nỗ lực lo tết cho công nhân

Trong khi đó, ghi nhận tại KCN Tân Tạo quận Bình Tân, KCN Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh hay KCN Sóng Thần huyện Dĩ An, Bình Dương... từ trước ngày 20 tháng chạp đến nay lượng công nhân đi làm việc khá vắng vẻ. Nhiều doanh nghiệp tại các khu vực này cho biết, do hết đơn hàng nên cho công nhân nghỉ sớm để tránh phát sinh chi phí. Một số doanh nghiệp còn lại có 1-2 đơn hàng thì để dành qua đầu năm cho công nhân có việc làm. Tuy nhiên, trước khi cho nghỉ sớm, các doanh nghiệp đã phải xoay xở mọi cách để lo cho công nhân đảm bảo có tết, dù không bằng những lúc “sung túc”.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty Cơ khí Hoàng Long, quận Tân Phú, do năm nay đơn hàng giảm sút mạnh nên doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ tết sớm và đi làm trễ, kéo dài gần 1 tháng. “Công ty tôi có 400 công nhân. Anh em bám trụ với mình hơn 10 năm nay nên dù khó khăn nhưng chúng tôi cũng phải chạy vạy lo cho anh em tháng lương 13, chút quà và tiền thưởng tết dù không được nhiều như các năm trước. Đây cũng là cái tình của công ty và để giữ chân anh em khi qua năm đơn hàng tăng trở lại”- ông Long giải thích. Đồng quan điểm này, bà Phạm Thị Thùy Nga, Giám đốc DNTN Hải Sơn, cho biết, về kế hoạch đơn hàng doanh nghiệp đã có sẵn từ đầu năm. Tuy nhiên, do phía đối tác chưa cần gấp nên doanh nghiệp quyết định cho công nhân nghỉ dài ngày. Đối với phần lương, thưởng tết, dù doanh số đạt kế hoạch năm, nhưng do chi phí đầu vào tăng nên lợi nhuận giảm khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Dẫu vậy, ban giám đốc đã quyết định đảm bảo tháng lương 13 và duy trì mức thưởng tết có phần nhỉnh hơn năm trước dù không nhiều.

“Đây là trách nhiệm của doanh nghiệp trước tập thể cán bộ công nhân viên. Họ có tết mình mới thấy vui, dù rằng tình hình chung năm qua quá khó khăn khiến doanh nghiệp phải xoay xở mọi cách để duy trì sản xuất kinh doanh và mức lương, thưởng ngày tết” - bà Nga chia sẻ.

Theo Ban Quản lý các KCX-KCN, TPHCM (Hepza) có một số doanh nghiệp đã hoàn tất các đơn hàng sớm trước thời hạn hoặc có đơn đặt hàng không nhiều nên một số công ty cho công nhân nghỉ sớm. Vì vậy, công nhân nào có nhu cầu về quê sớm hơn vài ngày vẫn được chấp nhận, chứ không khắt khe như trước. Để hỗ trợ công nhân, Công đoàn Hepza cũng đang thực hiện nhiều chương trình chăm lo tết với 6.000 vé xe miễn phí cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc về quê ăn tết.

Ngoài việc hỗ trợ vé, các doanh nghiệp trong Hepza chi gần 8 tỷ đồng để tặng trên 30.000 suất quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Riêng với công nhân không có điều kiện về quê, Ban quản lý Hepza sẽ tổ chức chương trình vui tết cùng công nhân ở 5 cụm khu vực với trên 3.000 phần quà. Ông Nguyễn Tấn Định, Phó trưởng Ban quản lý Hepza, cho biết, tuy chưa thông báo cho các doanh nghiệp về kỳ nghỉ tết sắp tới, nhưng diễn biến tại các năm trước cho thấy, doanh nghiệp nào càng có chính sách đãi ngộ lao động tốt thì nhiều người sẽ làm việc hăng hái trở lại sau tết. 

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục