Hành khách chật vật đón xe vào Nam

Tàu hết chỗ, bến xe hết vé nên hàng ngàn hành khách tại miền Trung vật vã bám dọc quốc lộ 1A chờ đón xe vào Nam làm việc. Kiếm được chỗ ngồi trên xe, ngoài giá vé cao gấp hơn 2 lần so với ngày thường, hành khách còn phải móc hầu bao trả thêm cho nhà xe đã “mua khách” từ “cò”.
Hành khách chật vật đón xe vào Nam

Tàu hết chỗ, bến xe hết vé nên hàng ngàn hành khách tại miền Trung vật vã bám dọc quốc lộ 1A chờ đón xe vào Nam làm việc. Kiếm được chỗ ngồi trên xe, ngoài giá vé cao gấp hơn 2 lần so với ngày thường, hành khách còn phải móc hầu bao trả thêm cho nhà xe đã “mua khách” từ “cò”.

  • Hết xe, hét giá

Sáng mùng 8 Tết, hầu hết xe khách Bắc - Nam qua địa bàn miền Trung đón khách dọc đường đi TPHCM và các tỉnh phía Nam đều hét giá từ 1.200.000 - 1.500.000 đồng/người. Trong khi tại các bến xe khách mua vé từ trước chỉ dao động từ 400.000 - 850.000 đồng/người, nên nhiều người lắc đầu ngao ngán. “Vé đã cao ngất, nhưng chưa chắc lên xe có ghế ngồi, dọc đường chủ xe thường sang khách nên từ sáng đến giờ mình chưa chọn được xe nào hết” - chị Lê Thị Hà (Hải Lăng - Quảng Trị) nói.

11 giờ trưa mùng 8 Tết trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh - đây là một trong số hàng trăm bến cóc hình thành sau mỗi dịp tết, những xe đang chạy tốc độ cao khi nhìn thấy khách đứng đón dọc đường thì tức tốc đạp phanh sà vào, khiến khách trên xe nôn thốc nôn tháo, còn khách đón xe bên đường cũng một phen hú vía. Ngồi tựa hẳn vào chiếc vali to đùng ngáp ngắn ngáp dài, anh Lê Hòa than thở: “Tôi ra đây từ hơn 4 giờ sáng, chờ mãi chẳng đón được xe nào. Nhiều xe hết chỗ chạy luôn, xe có chỗ thì hét giá quá cao. Ngày thường vào TPHCM chỉ tầm trên dưới 350.000 đồng, giờ nhà xe hét đến 1,5 triệu đồng thì ai đi nổi”. Nhiều người đi đường ngắn vào Huế, Đà Nẵng cũng chẳng khá hơn. Khổ cực nhất là người già và người có con nhỏ. Nhiều người không chịu được đành quay về.

Hành khách tại Hà Tĩnh tràn cả ra lòng đường quốc lộ 1A để đón xe vào Nam.

Hành khách tại Hà Tĩnh tràn cả ra lòng đường quốc lộ 1A để đón xe vào Nam.

Ông Phạm Xuân Sơn, Phó giám đốc Công ty Quản lý Bến xe Thừa Thiên - Huế, cho biết: “Trong ngày 17-2 có trên 200 lượt xe rời bến đi vào các tỉnh phía Nam, trong đó tuyến Huế - TPHCM có trên 30 lượt xe. Hiện các hãng xe tuyến Huế vào Nam đã bán hết vé đến ngày 21-2. Đơn vị đã và đang tổ chức dự phòng trên 30 đầu xe tăng cường phục vụ hành khách. Tuy nhiên, nhu cầu đi vào các tỉnh phía Nam rất lớn, nên ở đường tránh TP Huế đoạn thị xã Hương Thủy, cầu An Lỗ và tại bến xe các huyện đã xuất hiện nhiều xe dù.

Các xe dù núp bóng dưới danh nghĩa xe hợp đồng, các hãng du lịch để đón khách với giá gần gấp đôi nhưng người dân vẫn chấp nhận vì ngại lên bến xe do khoảng cách xa”. Ông Sơn khuyến cáo, hành khách không nên đón xe dọc đường, dễ bị nhồi nhét. Nếu bị cảnh sát giao thông phát hiện, có thể phải làm thủ tục chuyển tải, mất thời gian, chậm hành trình. Ngoài ra, giá cước đón xe dọc đường thường cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với giá vé ở bến.

  • Hành khách phản ứng

Trưa 17-2, nhiều hành khách mua vé xe đi TPHCM tập trung trước điểm bán vé của Công ty Xe chất lượng cao Thiên Trang (trước Bến xe Quảng Ngãi) để phản ứng việc vé xe của công ty cao hơn quy định. Anh Nguyễn Điệm, quê Đức Minh, huyện Mộ Đức bức xúc: Chen chúc lắm mới mua được tấm vé đi TPHCM. Tưởng các doanh nghiệp kinh doanh xe chất lượng cao, có uy tín sẽ bán vé đúng giá quy định. Sáng nay, khi đến Bến xe Quảng Ngãi gặp một số hành khách khác mới biết mình đã mua cao hơn họ tới 60.000 đồng.

Anh Điệm cho biết, tấm vé xe mua tại một đại lý ủy quyền của Công ty Thiên Trang tại huyện Mộ Đức. Sau khi biết vé xe của mình bị mua mắc, anh đã tới Công ty Thiên Trang đòi lại thì công ty này không chịu vì cho rằng, việc bán giá vé cao là do đại lý bán chứ họ không chịu trách nhiệm. Ông Đỗ Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GT-VT Quảng Ngãi, cho biết: “Giá vé đã được quy định thì tất cả các doanh nghiệp kinh doanh phải chấp hành. Doanh nghiệp nào bán vé vượt quy định sẽ bị xử lý nghiêm”.

Trước đó, cũng tại Bến xe Quảng Ngãi, hàng trăm hành khách mua vé của hãng xe Minh Phương đi TPHCM cũng phản ứng dữ dội vì nhà xe không những bán giá cao hơn giá in trên vé (từ 510.000 đồng lên 650.000 hoặc 750.000 đồng) mà còn không có xe để phục vụ hành khách. Ước tính có khoảng 350 hành khách bị ảnh hưởng. Ngay sau khi xảy ra tình trạng trên, lãnh đạo Sở GT-VT tỉnh Quảng Ngãi đã có mặt tại Bến xe Quảng Ngãi và chỉ đạo điều động thêm 8 xe để hành khách kịp hành trình vào Nam. 

NHÓM PV

- Thông tin liên quan:

>> Miền Trung: Xóa nạn xe dù, bến cóc

Tin cùng chuyên mục