Xe ôm nghĩa hiệp

Tất bật mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm, quanh năm dãi nắng dầm mưa, vậy mà khi cần, họ vẫn nghĩa hiệp: Ra tay bắt cướp, sẵn lòng chở người già yếu, cơ nhỡ không lấy tiền. Họ là những đoàn viên thuộc Nghiệp đoàn xe ôm quận 1.
Xe ôm nghĩa hiệp

Tất bật mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm, quanh năm dãi nắng dầm mưa, vậy mà khi cần, họ vẫn nghĩa hiệp: Ra tay bắt cướp, sẵn lòng chở người già yếu, cơ nhỡ không lấy tiền. Họ là những đoàn viên thuộc Nghiệp đoàn xe ôm quận 1.

Vừa mới trao đổi với chúng tôi được vài câu, có một vị khách lớn tuổi đến nhờ anh chở đi thăm cháu bị bệnh đang nằm viện, anh liền chạy đi. Giữa trưa nắng oi ả, anh quay lại với mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Uống vội ngụm nước, anh cười bảo: “Nghề nay là vậy dù mưa hay nắng, có khách là lên đường”.

Anh Nguyễn Hoàng Quân

Trong suốt buổi trò chuyện, anh Nguyễn Hoàng Quân, thuộc Nghiệp đoàn xe ôm phường Tân Định luôn hướng mắt quan sát xung quanh. Anh nói không biết từ lúc nào anh có thói quen luôn đề cao cảnh giác. Nhìn ngó xung quanh không phải để kiếm khách mà anh đang theo dõi xem có đối tượng nào khả nghi hay không. “Ở khu này xảy ra cướp giật hoài, mình cảnh giác giúp mọi người sẽ tốt hơn”, vừa nói anh vừa hướng mắt về bên kia lề đường. Mặc dù không qua trường lớp đào tạo nào, nhưng anh đã nhiều lần tay không truy bắt đối tượng cướp giật tài sản của người dân khu này. Con đường Đinh Công Tráng nơi anh đóng chốt thường xuyên xảy ra các vụ cướp điện thoại, túi xách. Chỉ tay về con hẻm 37 anh nói mấy tháng trước vừa xảy ra một vụ. Lúc đó anh đang ngồi chờ khách thì thấy 2 đối tượng tấp vào cửa hàng quần áo vờ xem đồ nhưng luôn liếc mắt qua công ty đối diện, anh liền nghi ngờ và quan sát. Khi chúng ra tay giật điện thoại của một nhân viên vừa bước ra và rồ ga chạy vào hẻm, do thông thạo địa hình, anh liền lấy xe chạy bọc hẻm khác chặn đầu và tông thẳng xe vào bọn cướp để bắt gọn chúng. Lần đó xe anh hư hỏng nặng và cũng vì vậy, vợ anh mới biết anh vừa chạy xe ôm vừa tham gia giữ gìn an ninh trật tự.

Nguyễn Minh Tuấn, thuộc Nghiệp đoàn xe ôm phường Cầu Ông Lãnh nổi tiếng vì xông pha bắt cướp, các đối tượng mua bán ma túy không ngại nguy hại đến bản thân. Từng đi tù do mua bán và sử dụng ma túy, nhưng nhờ được một cán bộ cảm hóa và giáo dục tốt nên Tuấn đã quyết tâm từ bỏ con đường sai trái, làm lại cuộc đời và “bén duyên” hành nghề nghĩa hiệp. Đã hơn 20 lần, Tuấn một mình theo dõi, bắt các đối tượng và nhiều lần tưởng chừng đã nguy hại đến bản thân.

Đó là lần một mình anh theo dõi gần 1 tháng và bắt 2 vợ chồng chở theo con nhỏ mua bán ma túy dưới chân cầu Ông Lãnh. Người chồng móc lưỡi lam rạch tay nói tao bị nhiễm, mày ngon nhào vô. Trong lúc anh khóa tay người chồng thì người vợ đang mang thai cào cấu, đánh anh túi bụi. Anh hứng chịu và không dám đánh trả mạnh vì người phụ nữ đang mang thai. Chỉ khi còng xong tay người chồng, anh mới quay sang khóa tay người vợ. Xong đâu đấy thì người anh cũng đầy vết thương. Một lần khác khi đang truy đuổi 2 tên cướp, cũng vì tránh người phụ nữ đang mang thai băng qua đường, anh đã tự làm cho mình té xe. “Hậu quả là cái xe nát bét, còn em cũng đầy thương tích không chạy xe được cả tháng trời. Nhưng rất may là người phụ nữ và đứa con trong bụng an toàn”, anh cười khi kể lại.

Nếu trước đây tình trạng chèo kéo, giành giật khách, nói thách giá là chuyện cơm bữa ở trạm xe ôm bến xe buýt Bến Thành thì nay hầu như không có. Khách đã rất an tâm khi thấy những người xe ôm mặc áo chiếc áo xanh nghiệp đoàn và mời khách lịch thiệp. Chú Trần Hùng Vỹ, 60 tuổi, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn xe ôm phường Nguyễn Thái Bình bảo: “Hầu hết các anh em đều vì chén cơm manh áo. Khi họ thấy lợi ích của sự trung thực thì họ sẽ làm theo”. Trước thấy khách không biết đường, cánh xe ôm hay chạy vòng vòng để lấy tiền khách, nhưng nay thì không như vậy. Khi khách quên đồ trên xe, họ cũng thường xuyên mang trả lại.

Khi được hỏi có sợ bị trả thù, anh Hoàng Quân cười chia sẻ: “Vợ tôi sợ nên bảo tôi cứ lo chạy xe đừng lo chuyện thiên hạ, tôi ừ ừ cho vợ an tâm chứ giờ cảnh giác và bắt cướp như là thói quen của mình, không làm không được”. Không chỉ bắt cướp, khi thấy người già, người nghèo anh còn chở không lấy tiền, dù gia cảnh mình phải chạy ăn từng bữa. Còn với anh Minh Tuấn thì làm việc nghĩa là để trả cái ơn cứu mạng. Trong tâm can anh, nếu ngày trước không đi cải tạo thì có lẽ anh đã chết vì ma túy. “Không ai bảo, không ai ép, nhưng nếu vì giúp giữ gìn an ninh trật tự mà mình có chết thì đó cũng là cái chết xứng đáng. Ít nhiều thì em còn có ích cho xã hội”, anh Minh Tuấn tự hào.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục