Nỗi lòng chủ nhà trọ

Vài năm nay, TPHCM thực hiện khá thành công cuộc vận động các chủ nhà trọ ổn định giá thuê nhà cho công nhân ở trọ. Chia sẻ với khó khăn của người lao động, đến nay, TPHCM đã có 60.013 chủ nhà trọ với 438.409 phòng cho thuê “bình ổn” giá thuê nhà, hoặc tăng giá chút đỉnh do nâng cấp phòng trọ, qua đó giúp hơn 1,145 triệu người thuê trọ, chủ yếu là công nhân an tâm phần nào để mưu sinh. Tuy nhiên, theo nhiều nữ chủ nhà trọ, cuộc vận động của TP sẽ hiệu quả hơn nếu được tháo gỡ kịp thời những vướng mắc.
Nỗi lòng chủ nhà trọ

Vài năm nay, TPHCM thực hiện khá thành công cuộc vận động các chủ nhà trọ ổn định giá thuê nhà cho công nhân ở trọ. Chia sẻ với khó khăn của người lao động, đến nay, TPHCM đã có 60.013 chủ nhà trọ với 438.409 phòng cho thuê “bình ổn” giá thuê nhà, hoặc tăng giá chút đỉnh do nâng cấp phòng trọ, qua đó giúp hơn 1,145 triệu người thuê trọ, chủ yếu là công nhân an tâm phần nào để mưu sinh. Tuy nhiên, theo nhiều nữ chủ nhà trọ, cuộc vận động của TP sẽ hiệu quả hơn nếu được tháo gỡ kịp thời những vướng mắc.

“Kêu” thay công nhân

Chị Huỳnh Thị Hoài Điệp, chủ nhà trọ số 504/55 Kinh Dương Vương, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, cho biết: “Chính quyền luôn quan tâm, đồng hành với nữ chủ nhà trọ bằng những việc thiết thực như miễn thuế thu nhập cá nhân, xác nhận lưu trú kịp thời để xác định định mức điện nước cho công nhân. Tuy nhiên, định mức điện dành cho công nhân quá thấp, vì công ty điện lực tính cứ 4 người sử dụng 50kWh. Thực tế, có những phòng trọ chỉ ở một người, nhưng có phòng là đại gia đình mà dùng gói gọn trong 50kWh sẽ không đủ”.

Riêng về đăng ký định mức nước cho công nhân, chị Hoài Điệp bức xúc: “Đăng ký định mức điện dễ bao nhiêu thì đăng ký định mức nước khó bấy nhiêu. Hồ sơ đăng ký rất rườm rà, đòi hỏi phải có giấy CMND, đăng ký tạm trú, hợp đồng thuê nhà… Nhiều công nhân làm sao hiểu, chủ nhà trọ cũng không hiểu luôn lại bận rộn công việc nên cũng không biết đi đăng ký sao để giúp các em”.

Phó Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thị Thu Hà (bìa trái) tặng quà chủ nhà trọ quận Bình Tân.

Chị Nguyễn Thị Phấn, chủ nhà trọ ở 7A79 ấp 7 xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh tâm tư: Thu nhập của công nhân, người lao động hiện nay rất thấp (chỉ từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng) nhưng tiền gửi trẻ đã là 50.000 đồng/ngày hoặc có nơi thu từ 1 - 1,2 triệu đồng/tháng là quá cao. Thời gian lao động của công nhân dài, có khi cả ngày (tăng ca đêm), nơi làm việc xa trường học nên việc đưa đón con đi học rất vất vả. Những nơi không cho học bán trú phụ huynh phải về đón con và không an tâm khi để trẻ nhỏ ở nhà, nếu được, TP nên mở nhiều lớp bán trú để công nhân gửi con, làm việc.

Chị Lê Thị Sáu ở 195C/8 ấp 3 xã An Phú Tây, trăn trở: Sao phải quy định mua bảo hiểm y tế phải có KT3? TP có xem xét những trường hợp trẻ em con công nhân dưới 6 tuổi sinh ra ở TPHCM được duyệt mua bảo hiểm y tế không?

Vốn vay ưu đãi: Khó tiếp cận

Chị Đào Thị Hồng Thúy, số 6 Bia Truyền Thống, khu phố 6, phường Tân Tạo quận Bình Tân, cho rằng nhu cầu vay vốn để sửa chữa, nâng cấp nhà trọ hiện nay rất nhiều nhưng đa số các chủ nhà trọ không đáp ứng được quy định để vay theo Quyết định 18 ngày 28-3-2011 của UBND TPHCM, cần phải có một giải pháp khác để các chủ nhà trọ tiếp cận được nguồn vốn này. TP nên cho phép sửa chữa nhà trọ theo hiện trạng (xây dựng trên đất nông nghiệp) có diện tích nhỏ 12m², giá trị sửa chữa từ 50 triệu đồng trở xuống không cần có bản vẽ thiết kế.

Một cán bộ Hội LHPN quận Bình Tân cho biết, Bình Tân là 1 trong những quận có số hộ cho công nhân lao động thuê trọ đông nhất nhì TP với hơn 6.650 hộ kinh doanh nhà trọ với gần 197.000 người thuê trọ nhưng chưa có hộ gia đình nào tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này.

Theo phản ánh của các chủ nhà trọ với Hội LHPN quận thì bên cạnh thủ tục khó khăn, quy định khắt khe khó đáp ứng, các chủ nhà trọ không mặn mà là lãi suất cho vay thật ra là không nhẹ khi áp theo mức lãi suất cho vay được tính bằng bình quân tối đa lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn dưới 12 tháng của 4 ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn. Thời gian cho vay để sửa chữa, nâng cấp nhà trọ ngắn, kéo dài tối đa chỉ có 7 năm nếu sửa nhà; vay xây mới nhà trọ tối đa là 10 năm với nhiều điều kiện ràng buộc.

Cũng theo tính toán của một chủ nhà trọ, hiện giá cho thuê một phòng trọ ở khu vực này chỉ đến mức tối đa dưới 1,5 triệu đồng/tháng, xây một dãy trọ 10 phòng khang trang với diện tích khép kín xấp xỉ 20m²/phòng sẽ phải chi phí ít nhất 500 triệu đồng. Với mức lãi suất cho vay như vậy, ngoài việc mỗi tháng phải dành ra hơn 3 triệu đồng để trả lãi, chủ nhà trọ còn phải để dành gần 5 triệu đồng để gom góp trả nợ gốc. Nếu thời gian vay không kéo dài được tối đa, số tiền dành để trả nợ gốc hàng tháng sẽ còn tăng lên. Trong khi thu nhập từ 10 phòng trọ chỉ được hơn 10 triệu đồng/tháng cho nên số tiền còn lại không đáng kể; đó là chưa tính lãi suất khoản tiền đã bỏ ra mua hoặc thuê đất. Chỉ những ai có đất sẵn mới thuận lợi hơn chút.

Vì những vướng mắc này mà không ít chủ nhà trọ có nhu cầu vay xây thêm hoặc sửa chữa nhà trọ đều băn khoăn trong vấn đề thủ tục vay nên ngại tìm đến nguồn vốn ưu đãi. Vì vậy, những khu nhà trọ lụp xụp, không bảo đảm về diện tích, môi trường và không gian sống tiếp tục tồn tại rất nhiều ở Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, quận 7, Tân Phú…

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục