Thiếu Methadone, điều trị nghiện cầm chừng

Theo đề án mở rộng và xã hội hóa chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại TPHCM giai đoạn 2014 - 2016, TP sẽ tăng số người điều trị từ trên 1.600 người lên 4.000 người vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, đến nay, TP mới đang điều trị cho 1.775 bệnh nhân (trong tổng số khoảng 19.000 người nghiện ma túy trên địa bàn TP). Nhiều cơ sở điều trị chưa thể tiếp nhận thêm bệnh nhân do nguồn thuốc có hạn.

TP hiện có 8 cơ sở điều trị Methadone ở quận 4, 6, 8, Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Bình và Trung tâm Tư vấn và cai nghiện ma túy (thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM). TP có gần 3.600 người đăng ký tham gia điều trị Methadone và hiện chỉ có 1.775 bệnh nhân được tham gia điều trị, đạt 63% khả năng thu dụng của 8 cơ sở (2.800 người).

Tại Trung tâm Y tế dự phòng quận 8, ông Phạm Thanh Hiếu, Trưởng khoa Tư vấn của trung tâm cho biết, tính đến cuối tháng 10-2014, trung tâm đã tiếp nhận 508 hồ sơ đăng ký điều trị Methadone. Song, số người đang được điều trị là 312 người. Số lượng như thế chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị trong cộng đồng. Nguyên nhân là do số lượng người nghiện trong cộng đồng cao mà khả năng tiếp nhận người điều trị tại cơ sở chỉ giới hạn 350 người. Còn tại Trung tâm Tư vấn và cai nghiện ma túy, ông Lê Văn Quý, giám đốc trung tâm cho biết, trung tâm đang điều trị cho 83 người (đạt 83% so với kế hoạch) đến từ 15 quận, huyện trên địa bàn TP. Hầu hết bệnh nhân đều có tiến triển tốt, sau khi uống Methadone, đã giảm số lần sử dụng ma túy trong ngày và đang cố gắng từ bỏ hoàn toàn việc sử dụng ma túy. Từ tháng 9-2014, trung tâm bắt đầu tổ chức các buổi sinh hoạt nhóm cho bệnh nhân uống Methadone nhằm hỗ trợ bệnh nhân từ bỏ sử dụng ma túy. Ở một số cơ sở điều trị khác như tại quận 12, Tân Bình chưa tiếp nhận bệnh nhân hoặc tiếp nhận cầm chừng do thiếu thuốc Methadone, mặc dù nhu cầu điều trị của người nghiện ma túy rất nhiều.

Được thực hiện ở TPHCM từ năm 2008, dự kiến, cuối năm 2014, TP sẽ mở rộng, điều trị cho 4.000 bệnh nhân và nâng lên thành 8.000 người vào năm 2015. TP sẽ mở điểm điều trị Methadone tại tất cả các quận, huyện. Nhưng năm 2015 cũng là thời điểm nguồn thuốc Methadone do các tổ chức quốc tế tài trợ cho chương trình sẽ kết thúc. Trong tình hình trên, TP tiến hành đấu thầu thuốc để phục vụ cho chương trình; thực hiện xã hội hóa điều trị bằng thuốc Methadone, bắt đầu thu phí tiền thuốc và chi phí khám chữa bệnh (dự kiến tiền thuốc khoảng 10.000 đồng/người/ngày). Khó khăn ở chỗ, thuốc Methadone là một loại thuốc đặc biệt trong gói thầu thuốc y tế nên cơ chế, thủ tục phức tạp hơn và thời gian kéo dài.

Trước tiến độ thực hiện xã hội hóa điều trị bằng thuốc Methadone bị chậm so với thời gian dự kiến, vừa qua, TP đã quyết định chi thêm 3,2 tỷ đồng từ ngân sách TP để đảm bảo duy trì hoạt động các phòng khám Methadone mở rộng. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận, việc chậm triển khai xã hội hóa chương trình Methadone đã ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề nhân sự và việc tiếp nhận bệnh nhân tại các đơn vị. Vì vậy, mặc dù các phòng khám được tăng cơ số thu dung bệnh nhân từ 300 lên 350 cho mỗi cơ sở, song thực tế, các đơn vị đều không tăng bệnh nhân vượt quá mức 300 do không có kinh phí để giải quyết các chi phí cho hoạt động và con người.

Bước đầu, TP đã nhận được sự hỗ trợ từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) trong việc đảm bảo nguồn cung ứng thuốc Methadone sau khi bị cắt giảm nguồn thuốc tài trợ. Việc mở rộng và xã hội hóa điều trị bằng Methadone chỉ thực sự chủ động khi TP tiến hành đấu thầu xong nguồn thuốc, dự kiến phải đến đầu năm 2015.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục