Mức lương vẫn dưới mức sống

Tại Việt Nam, mức lương bình quân đạt 3,8 triệu đồng/tháng (181USD) - cao hơn Lào (119USD), Campuchia (121USD) và Indonesia (174USD) nhưng vẫn thấp hơn Thái Lan (357USD), Malaysia (609USD) và Singapore (3.547USD). Đồng thời, mức lương tối thiểu tại Việt Nam mặc dù cũng cao hơn so với các nước như Lào, Campuchia và Myanmar nhưng lại thấp hơn so với các nước phát triển nhất trong khu vực ASEAN. Điều đáng nói là mức lương tối thiểu của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng nhu cầu và dưới mức sống tối thiểu.
Mức lương vẫn dưới mức sống

Tại Việt Nam, mức lương bình quân đạt 3,8 triệu đồng/tháng (181USD) - cao hơn Lào (119USD), Campuchia (121USD) và Indonesia (174USD) nhưng vẫn thấp hơn Thái Lan (357USD), Malaysia (609USD) và Singapore (3.547USD). Đồng thời, mức lương tối thiểu tại Việt Nam mặc dù cũng cao hơn so với các nước như Lào, Campuchia và Myanmar nhưng lại thấp hơn so với các nước phát triển nhất trong khu vực ASEAN. Điều đáng nói là mức lương tối thiểu của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng nhu cầu và dưới mức sống tối thiểu.

Điều chỉnh, nâng dần mức lương tối thiểu để làm căn cứ nâng cao mức sống cho người dân là mục tiêu quan trọng khi ban hành các chính sách về tiền lương song cũng cần phải tính toán, cân nhắc để đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp và người lao động. Đó là một trong những nội dung nổi bật được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chia sẻ tại cuộc hội thảo quy mô do Bộ LĐTB-XH và Hội đồng Tiền lương Quốc gia bàn về chính sách tiền lương của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế tổ chức tại Hà Nội ngày 25 và 26-11.

Mức lương không đủ sống nên công nhân phải buôn bán thêm sau giờ tăng ca. Ảnh: Hồ Thu

Chủ trì cùng Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền, Thứ trưởng Phạm Minh Huân khẳng định rằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong chính sách và mối quan hệ về tiền lương, trong đó đáng kể là việc tách bạch giữa tiền lương cho khu vực hành chính, sự nghiệp (phụ thuộc ngân sách) và tiền lương đối với khu vực sản xuất kinh doanh theo thỏa thuận.

Đối với khu vực sản xuất kinh doanh, thành tựu đáng kể từ sau khi có Bộ luật Lao động năm 2013 sửa đổi, chúng ta đã luật hóa và xác lập được mức lương tối thiểu qua cơ chế ba bên gồm nhà nước, doanh nghiệp và người lao động (Hội đồng Tiền lương Quốc gia) phù hợp nguyên tắc thị trường, đảm bảo tôn trọng quyền của 2 bên (doanh nghiệp và lao động) trong việc xác định, thỏa thuận tiền lương. Trong đó doanh nghiệp và người lao động có thể áp dụng mức lương thông qua thỏa thuận, thương lượng nhưng phải đảm bảo và căn cứ theo mức lương tối thiểu do nhà nước quy định.

Tuy nhiên, theo ông Tống Văn Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương, mặc dù đã đạt được các bước tiến về xác định tiền lương tối thiểu, đặc biệt là việc tách bạch giữa chủ thể quyết định, công bố và chủ thể xác định; thương lượng mức lương tối thiểu nhưng do lợi ích của mỗi bên trong quan hệ lao động (doanh nghiệp và người lao động) thường khác nhau, thậm chí đối ngược, mâu thuẫn nên cần phải tăng cường vai trò của các bên trung lập để thu hẹp khoảng cách, đưa hai bên xích lại gần nhau.

Sau 2 năm triển khai cho thấy cần thiết phải nâng cao và tăng cường vai trò của bên trung lập, hoàn thiện cơ chế ba bên trên cơ sở bổ sung thành viên của các cơ quan như Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ... đại diện cho phía Chính phủ vào Hội đồng Tiền lương Quốc gia để đảm bảo nâng trọng lượng các khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia với Chính phủ.

Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty Quế Bằng.Ảnh: CAO THĂNG

Tại hội thảo, đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng nên xem xét mức lương tối thiểu đảm bảo lợi ích hơn cho người lao động trong bối cảnh giá cả tăng và trượt giá như hiện nay. Tại một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã từng áp dụng cách tăng lương tối thiểu lên 70% - 100% so với hiện hành để đảm bảo mức sống cho người lao động.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Phạm Minh Huân về việc nhà nước tôn trọng và tăng cường nguyên tắc thỏa thuận, thương lượng về tiền lương giữa doanh nghiệp và lao động, ông Tống Văn Lai cho rằng, đối với các căn cứ tính toán và quy định về mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho khu vực sản xuất kinh doanh phải dựa trên sự phát triển của nền kinh tế và thị trường lao động mỗi giai đoạn.

Trước câu hỏi về tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng chính sách còn bất cập để lách luật, chỉ trả lương cho lao động ở mức bằng hoặc nhỉnh hơn mức lương tối thiểu một chút, gây thiệt thòi cho lao động, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết thời gian qua Bộ LĐTB-XH đã tiến hành thanh tra và đã phát hiện có tình trạng doanh nghiệp vi phạm quy định về tiền lương tối thiểu, tuy nhiên tỷ lệ không cao và đã áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Tăng lương tối thiểu vùng từ 250.000 - 400.000 đồng

Để đảm bảo mức thu nhập và mức sống cho người lao động, ngoài mức lương tối thiểu chung, hiện nay nhà nước cũng quy định và áp dụng chính sách lương tối thiểu vùng áp dụng cho khu vực sản xuất kinh doanh.

Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động theo hướng tăng mức lương tối thiểu tại vùng 1 từ 400.000 đồng so với năm 2014, các vùng còn lại mức lương tăng từ 250.000 - 350.000 đồng. Theo đó, từ ngày 1-1-2015 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.150.000 đến 3.100.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở các cơ sở thuộc khu vực hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục