TPHCM: Khoảng 16,5% số hộ dân nghèo đa chiều

(SGGP).- Ngày 16-12, UBND TPHCM phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Nghiên cứu tiếp cận và thử nghiệm phương pháp đo lường nghèo đa chiều tại TPHCM”.

(SGGP).- Ngày 16-12, UBND TPHCM phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Nghiên cứu tiếp cận và thử nghiệm phương pháp đo lường nghèo đa chiều tại TPHCM”.

Phương pháp đo lường nghèo đa chiều được nghiên cứu để thực hiện nhằm khắc phục những hạn chế của phương pháp đo lường nghèo đơn chiều (theo thu nhập). Phương pháp truyền thống đo lường nghèo đơn chiều hiện không phản ánh đầy đủ bản chất nghèo, nhất là tại một đô thị như TPHCM - vốn có tỷ lệ nghèo theo thu nhập không lớn (2,4% tổng hộ dân TP nghèo theo chuẩn 16 triệu đồng/người/năm), song người dân vẫn còn thiếu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở...

Dựa theo chuẩn nghèo đa chiều toàn cầu, TP đề xuất tiêu chí nghèo đa chiều theo 2 phương án. Phương án 1, hộ nghèo đa chiều là hộ có tổng điểm thiếu hụt từ 35 điểm trở lên và số hộ nghèo đa chiều ước tương ứng hơn 346.000 hộ (chiếm gần 16,5%  số hộ dân TP) với 1,2 triệu người. Phương án 2, lấy mốc điểm thiếu hụt từ 40 trở lên đối với hộ cận nghèo đa chiều và số hộ này ước tương ứng 218.000 hộ dân (hơn 10% tổng hộ dân TP) với gần 800.000 người.

Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, trên cơ sở khảo sát, thước đo nghèo đa chiều tại TPHCM được đề xuất bao gồm 5 chiều (với 11 chỉ số) về các mặt giáo dục và đào tạo; y tế; điều kiện sống; tiếp cận thông tin; bảo hiểm và trợ giúp xã hội. Trong đó, nghèo về giáo dục được đo lường từ trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; trình độ nghề. Hộ gia đình có ít nhất 1 thành viên từ 15 - 30 tuổi không tốt nghiệp trung học cơ sở và hiện không đi học sẽ tương ứng với 10 điểm thiếu hụt; tương tự cũng được chấm 10 điểm thiếu hụt đối với hộ gia đình có ít nhất 1 trẻ em trong độ tuổi đi học (5 - 15 tuổi) hiện không đi học.

Nghèo về điều kiện sống được đo bằng tình trạng nhà ở và nguồn nước sinh hoạt. Trường hợp hộ gia đình không được tiếp cận nước máy; hộ gia đình đang ở đang ở trong nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ, hoặc diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ gia đình nhỏ hơn 8m2 đều được chấm 10 điểm thiếu hụt. Như vậy, hộ gia đình nào có tổng điểm bằng 0 là không thiếu hụt gì, còn tổng điểm bằng 100 là thiếu hụt tất cả các chiều/chỉ số.

Riêng việc xây dựng phương pháp đo lường, giám sát, xác định đối tượng và khuyến nghị chính sách thực hiện nghèo đa chiều được TPHCM thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2016, với sự hỗ trợ 2,2 triệu USD của UNDP. Phương pháp giảm nghèo đa chiều sẽ được thực hiện trên toàn TPHCM từ năm 2016, làm cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng trên toàn quốc.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục