Tài sản của má Mười

Năm nay má đã ngót nghét 76 tuổi. Cái tuổi lẽ ra phải được thảnh thơi an hưởng tuổi già, vậy mà hàng ngày má vẫn phải tất tả lo toan, suy tính trước sau xem tháng này đã đủ gạo cho tụi nhỏ ăn chưa? Tiền mua tã thế nào? Mấy đứa mới đi học đã quen môi trường mới chưa? Đó là má Trần Thị Cẩm Giang - người thành lập Mái ấm Thiện Duyên, mà ai ai cũng gọi với cái tên thân thương: má Mười.
Tài sản của má Mười

Năm nay má đã ngót nghét 76 tuổi. Cái tuổi lẽ ra phải được thảnh thơi an hưởng tuổi già, vậy mà hàng ngày má vẫn phải tất tả lo toan, suy tính trước sau xem tháng này đã đủ gạo cho tụi nhỏ ăn chưa? Tiền mua tã thế nào? Mấy đứa mới đi học đã quen môi trường mới chưa? Đó là má Trần Thị Cẩm Giang - người thành lập Mái ấm Thiện Duyên, mà ai ai cũng gọi với cái tên thân thương: má Mười.

        Cái tình, cái nghĩa má không nỡ từ chối

Chúng tôi gặp má Mười vào một buổi trưa nắng gắt trên mảnh đất Củ Chi anh hùng. Vừa bước vào nhà, gỡ cái nón lá ra khỏi đầu để quạt nhằm xua đi cái nóng oi ả, má phân trần: “Con đợi má có lâu không? Má bận xuống trại coi đàn heo. Sáng nay nghe tụi nhỏ ở dưới nói heo bị lừ đừ, má lo quá”. Má lo cũng phải, bởi bầy heo là một trong những nguồn thu nhập lớn để lo cho “đàn con” của má ở mái ấm Thiện Duyên này.

Hình như trong tâm can của má Mười chỉ có suy nghĩ, lo toan về những đứa con thơ dại, dù có đứa nay đã hơn 40 tuổi đời. Ngần ấy tuổi nhưng với má, chúng vẫn chỉ là đứa trẻ, bởi di chứng của chất độc da cam nên con của má phải sống đời ngây dại. Hồi đó má Mười đâu có nghĩ sẽ mở mái ấm, tất cả là do duyên số. Năm 1988, má về thăm lại chiến trường xưa, bắt gặp những gia đình đã cưu mang mình ngày đó giờ khó khăn chồng chất, mẹ đã già phải lo chăm sóc những đứa con tật nguyền vì di chứng chất độc da cam. Khi ấy, má nghĩ thôi thì nhận nuôi 3 đứa con bệnh tật của 3 gia đình khó khăn nhất xem như má trả ơn cho cách mạng, trả ơn cho những bà mẹ đã nhường cơm cho mình no lòng. Không ngờ, sau đó những gia đình khác biết má có tấm lòng nên đến nhờ má nuôi giúp những đứa con mắc bệnh của họ. Bản thân cũng không giàu có lấy gì nuôi chúng, nhưng vì cái tình, cái nghĩa má không nỡ từ chối. Khi nhận 10 đứa để nuôi, má quyết định bán đi căn nhà của mình ở quận Tân Bình, TPHCM để về vùng đất Củ Chi này xây mái ấm cho bọn trẻ có nơi che nắng che mưa.

Má Mười và các con ở Mái ấm Thiện Duyên.

Má Mười và các con ở Mái ấm Thiện Duyên.

Không chỉ trẻ bệnh tật, những đứa trẻ bị bỏ rơi lần lượt được má Mười mang về nuôi nấng. Má nhớ như in lần đón đứa trẻ bị bỏ rơi đầu tiên. Đó là một buổi sáng năm 1996, má đang lui cui quét dọn thì thấy một chiếc ô tô đỗ trước cổng nhà. Chưa kịp bước ra, má thấy một người bước ra khỏi xe và đặt xuống một cái thùng giấy rồi lên xe đi mất. Má chạy ra, mở thùng thì phát hiện một bé trai không có hậu môn. Má tận tình chạy chữa và nuôi nấng đứa trẻ không hậu môn ấy. Rồi cứ thế tiếng lành đồn xa, dần dần những đứa trẻ bị bỏ trước cổng nhà má nhiều hơn, hầu hết chúng bị bệnh tật và có đứa chỉ mới sinh ra và nặng hơn 1kg. Má không nỡ từ chối một hoàn cảnh nào. Từ đó, nhà má Mười trở thành nơi nương tựa của những đứa trẻ bệnh tật, bị bỏ rơi và cả những người già vô gia cư.

        Cuối đời má vẫn còn lo…

Ở mái nhà chung này, bọn trẻ đều có tên rất đẹp. Trai lót chữ “Thiện” như: Thiện Tâm, Thiện Chí, Thiện Đức còn gái thì mang chữ “Duyên”: Cẩm Duyên, Mỹ Duyên… Tên ở nhà được má Mười đặt theo từng hoàn cảnh. Đứa thì tên Mèo vì người nhỏ như con mèo, đứa tên Trung Thu vì má nhặt được ở nghĩa địa vào đêm rằm tháng 8… Dù có khó khăn, má vẫn lo cho những đứa lành lặn đến trường. Má Mười bảo, tài sản má đâu có gì, chỉ ráng lo cho tụi nhỏ ăn học, có con chữ sau này ra đời không thua kém người ta. Cũng ở mái ấm này, má đã dựng vợ, gả chồng cho 2 cặp. Cưới nhau xong, má cho ra riêng với một căn nhà nhỏ để chúng cùng nhau xây dựng hạnh phúc đẹp tươi.

Má nhẩm tính: một tháng tụi nhỏ cần 1,5 tấn gạo và hơn 100 triệu đồng để lo ăn uống và thuốc men. Tháng nào bọn nhỏ bệnh nhiều, phải đi bệnh viện đông thì số tiền trên tăng vọt. Chi phí cao là vậy, mà má Mười đã gồng gánh lo được cho bọn trẻ cũng được gần 30 năm nay.

Nguồn thu của mái ấm, ngoài sự đóng góp của các nhà hảo tâm, má Mười còn chủ động bằng nhiều hình thức. Má tranh thủ mảnh đất còn trống để nuôi heo, trồng rau, củ, trồng nấm, cho thuê bàn ghế. Rồi má cho mấy đứa lớn, khéo tay đi lên Nhà văn hóa Phụ nữ TP học kết cườm, thêu tranh, sau đó về dạy lại cho các em. Nhờ vậy, giờ má có một đội thêu tranh, kết các con thú, bình hoa bằng cườm để tăng thêm thu nhập. Dù đã lớn tuổi, má Mười vẫn không ngừng tìm cách để kiếm tiền lo cho “các con” của mình. Má khoe vừa mở được quán hủ tíu, bánh canh bên kia đường. Nhờ đó, ngày ngày có thêm đồng vào, đồng ra để mua sắm tập sách cho mấy đưa đi học và thuốc men cho những đứa hay bệnh lặt vặt.

Ở Mái ấm Thiện Duyên này, tất cả những đứa trẻ, dù lành lặn hay bệnh tật đều là con của má Mười. Với tấm lòng người mẹ, má dành tình cảm cho tất cả các con. Dù có rất nhiều con không biết má Mười là ai, suốt ngày chúng chỉ gào khóc hay nằm im một chỗ cười ngây dại. Với má, đó là những đứa con dù không có công sinh thành, nhưng tình yêu thương có được từ công nuôi dưỡng.

Chia tay Mái ấm Thiện Duyên, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh những đứa trẻ không lành lặn và những giọt nước mắt của má Mười. Má khóc vì không biết mình có sống thêm 5 năm nữa được không. Cả cái thời chiến tranh, bị tù đày đánh đập má còn không sợ. Nhưng giờ má sợ tuổi già bắt má phải xa tụi nhỏ, bởi những dự tính của má còn chưa thành hiện thực. Má cần thêm thời gian để chuẩn bị chu đáo hơn về người kế thừa má lo cho các em, về những nguồn thu nhập giúp má an tâm về cuộc sống bọn trẻ sau này.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục