Sổ tay: Khi “tử thần” cũng chạy tốc độ cao

Vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng giữa xe khách và xe bồn tưới nước trên đường cao tốc Trung Lương - TPHCM (Tiền Giang) vừa cướp đi 7 sinh mạng và làm 9 người bị thương nặng đã để lại những dư âm thật nặng nề.

Đã là TNGT xảy ra trên đường cao tốc thường rất thảm khốc. Những tuyến đường thẳng băng, đẹp như mơ nhưng lại ẩn chứa những hiểm họa khôn lường. Với vụ TNGT nghiêm trọng vừa xảy ra, các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra nguyên nhân nhưng với những gì thu thập được từ hiện trường, không thể không đặt ra những câu hỏi tốc độ của chiếc xe này ra sao, vì sao 1 chiếc xe bồn xuất hiện trên tuyến mà lái xe không quan sát được, lái xe đã không có bất kỳ cảnh báo nào là đang có chướng ngại vật phía trước? Chiếc xe bồn có hoạt động đúng quy định hay không?...

Rõ ràng là, để xảy ra tai nạn, đầu tiên phải nói đến nguyên nhân từ người điều khiển phương tiện như cho xe chạy quá tốc độ, xe chạy không giữ đúng khoảng cách quy định, lái xe ngủ gật… Sau đó, nguyên nhân khách quan được nhắc đến từ tình trạng kỹ thuật của xe, chất lượng mặt đường...

Nhưng xét cho cùng, đó là những nguyên nhân chung, có thể dẫn đến TNGT trên bất kỳ cung đường nào, phương tiện nào. Còn với đường cao tốc, loại đường chất lượng cao vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam, những tai nạn thảm khốc đang khiến người ta giật mình nghĩ đến một nguyên nhân đáng lo ngại hơn. Đó là, dường như vẫn chưa có giải pháp đảm bảo an toàn, chưa xây dựng được một quy chế quản lý giao thông cho riêng loại đường cao cấp này.

Không phải Bộ GTVT không nghĩ đến điều quan trọng này. Hệ thống quản lý điều hành (ITS) sử dụng công nghệ tiên tiến về thông tin, điện tử và tự động hóa cũng đã được nghiên cứu ứng dụng tại Việt Nam, giúp quản lý, giám sát các phương tiện tham gia lưu thông trên đường cao tốc, giảm thiểu TNGT, tránh ùn tắc, bảo vệ tài sản đường cao tốc, tạo thuận lợi tối đa cho lưu thông trên đường cao tốc...

Thế nhưng, theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến thời điểm này, cả nước mới chỉ có tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có trung tâm quản lý ITS. Với tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, trung tâm ITS mới được khởi công hồi tháng 8-2013 và theo kế hoạch phải cuối năm 2014 mới hoàn thành.

Dự kiến đây sẽ là trung tâm điều hành mạng đường cao tốc khu vực phía Nam để kết nối quản lý 11 tuyến đường cao tốc ở các tỉnh phía Nam như đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (TPHCM - Đồng Nai), đường cao tốc liên vùng phía Nam Bến Lức - Nhơn Trạch (Long An - TPHCM - Đồng Nai)…

Theo các chuyên gia giao thông, lẽ ra, việc xây dựng hệ thống ITS phải hoàn thiện ngay khi đường cao tốc TPHCM - Trung Lương đưa vào hoạt động chứ không phải để đến bây giờ.

Theo quy hoạch của ngành GTVT, đến năm 2020, nước ta sẽ có hơn 6.000km đường cao tốc. Điều đó càng khiến chúng ta phải suy nghĩ về việc làm thế nào để tăng tính an toàn cho loại hình đường này.  Và nếu như không có những giải pháp thực sự hữu hiệu để hạn chế TNGT ở đường cao tốc, cứ đầu tư lớn để xây dựng nên những tuyến đường hiện đại nhưng “tử thần” rình rập và cùng chạy đua tốc độ, thì mọi nỗ lực của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa biết chừng nào.

MINH DUY

Tin cùng chuyên mục