Quốc lộ 13, 14 - Cung đường đau khổ. Bài 1: Trạm thu phí bủa vây

LTS: Quốc lộ 13 và quốc lộ 14 là hai đường huyết mạch quan trọng từ TPHCM lên Tây Nguyên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam và Tây Nguyên. Thế nhưng, việc triển khai thi công hết sức ì ạch và cẩu thả cùng với các trạm thu phí giăng đầy, đã và đang là nỗi ám ảnh kinh niên của những người đi qua đây.
Quốc lộ 13, 14 - Cung đường đau khổ. Bài 1: Trạm thu phí bủa vây

LTS: Quốc lộ 13 và quốc lộ 14 là hai đường huyết mạch quan trọng từ TPHCM lên Tây Nguyên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam và Tây Nguyên. Thế nhưng, việc triển khai thi công hết sức ì ạch và cẩu thả cùng với các trạm thu phí giăng đầy, đã và đang là nỗi ám ảnh kinh niên của những người đi qua đây.

Tài xế Trần Thanh Tưởng mỗi ngày giao nhận hàng 4 tua tại các KCN ở tỉnh Bình Dương cho biết, giới tài xế rất bực kiểu giăng kín trạm thu phí như hiện nay. Đi nhiều nhưng chưa thấy nơi nào có nhiều trạm như vậy, chạy đường nào cũng “dính”. Thậm chí có ngày đóng tiền thu phí qua trạm đến mười mấy lần. Đã vậy, do có quá nhiều trạm trên một đoạn đường ngắn nên vào giờ cao điểm thường xuyên ách tắc giao thông bởi dòng xe nối đuôi mua vé qua trạm.

Trạm thu phí Suối Giữa trên quốc lộ 13.

Trạm thu phí Suối Giữa trên quốc lộ 13.

59km một trạm thu phí

Từ nhiều năm qua, một trong những nơi được giới tài xế đánh giá “bị bao vây trạm thu phí” là khu vực Bình Thung thuộc xã Đông Hòa, thị xã Dĩ An, Bình Dương. Tại đây, hầu hết các con đường đều nhỏ hẹp nhưng trạm thu phí dày đặc nhất. Trong bán kính chưa đến 6km bị bao bọc khép kín 4 trạm thu phí gồm Trạm Bình Thung (dự án ĐT743), quốc lộ 1K đi về hướng TPHCM, trạm quốc lộ 1K đi về hướng Đồng Nai và trạm Bình Thắng thuộc phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa. Theo giới tài xế, bất kể đi hướng nào vào tỉnh Bình Dương cũng không thoát khỏi việc đóng phí.

Cụ thể, trạm Lái Thiêu (huyện Thuận An) cách trạm Vĩnh Phú trên quốc lộ 13 khoảng 2km. Trạm An Phú (huyện Thuận An) cách trạm Lái Thiêu 8km và trạm Bình Thung cách trạm An Phú 18km. Để không bỏ sót một xe nào né trạm thu phí An Phú và Lái Thiêu đi từ ngã tư Nguyễn Văn Tiết - đại lộ Bình Dương qua ấp Bình Đáng thuộc xã Bình Hòa ra quốc lộ 13, chủ đầu tư lập nốt trạm thu phí Bình Đáng (thuộc dự án BOT ĐT743). Với mật độ trạm thu phí dày đặc như vậy, xe vừa xuất phát trạm này lại lập tức giảm ga đạp thắng để mua phí trạm kế tiếp.

Tương tự, đi từ TPHCM đến làng sơn mài Tương Bình Hiệp ở TP Thủ Dầu Một dài chừng 38km, tỉnh Bình Dương, mỗi xe phải qua 3 trạm thu phí là cầu Bình Triệu, Vĩnh Phú (Thuận An - Bình Dương) và Suối Giữa.

 

* Theo quy định của Bộ Tài chính, các trạm thu phí phải cách nhau tối thiểu 70km. Các trạm hiện nay đa số đều vi phạm thông tư này.

Tình trạng bất hợp lý này ngay cả chủ đầu tư công trình theo hình thức BOT (có quyền thu phí để thu hồi vốn) cũng biết thừa. Nhưng tại sao không gom việc thu phí trên một tuyến đường về một địa điểm?

 

Anh N.M.K. (tài xế xe khách Minh Khanh, chạy tuyến TPHCM - Kon Tum) cho biết, trước đây xe đò đi từ Bến xe miền Đông - TPHCM lên Kon Tum (dài 589km) phải chạy qua 8 trạm thu phí. Đến năm 2012, Bộ GTVT đã bỏ trạm thu phí Kiến Đức, Cư Jút, Tân Lập và Buôn Hồ. Hiện xe đò chạy tuyến này chỉ còn đi qua 5 trạm, kể cả trạm thu phí cầu Bình Triệu 2.

Quốc lộ 14 qua Tây Nguyên từ huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) lên TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) có chiều dài khoảng 523km. Thời gian qua, do nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư cho giao thông Tây Nguyên bị cắt giảm nên Bộ GTVT đã chuyển nhiều dự án trái phiếu Chính phủ trên tuyến quốc lộ 14 sang hình thức hợp đồng BOT. Sau khi cắt giảm 2 dự án BOT qua Bình Phước (đoạn Chơn Thành - Đồng Xoài và đoạn Cây Chanh - cầu 38), đoạn đường này còn lại 5 dự án BOT.

Sau khi hoàn thành, sẽ có 5 trạm thu phí BOT được đặt ở Bình Phước, Đắk Nông và Đắk Lắk, trong đó riêng đi qua Đắk Nông sẽ có 3 trạm đặt ở huyện Đắk Rlấp, Đắk Song và Cư Jút. Tính cả 5 trạm thu phí đang hoạt động từ Bến xe miền Đông lên tỉnh Bình Dương, đoạn đường từ Bến xe miền Đông đến TP Kon Tum sẽ có 10 trạm thu phí. Như vậy, đoạn đường này trong tương lai bình quân sẽ là 59km/trạm thu phí.

Gánh nặng đổ lên dân

Lý giải cho việc lập trạm thu phí giăng lưới như hiện nay, địa phương cho rằng vì tỉnh không đủ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng nên phải xã hội hóa theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Vì thế dù biết đặt các trạm thu phí như trên là không hợp lý nhưng phải chịu. Dù đầu tư với đoạn tuyến ngắn (trên 20km) hay đoạn tuyến dài hơn (khoảng 50 - 60 km), nhà đầu tư cũng sẽ được thu với mức phí bằng nhau và thời gian xấp xỉ (bình quân khoảng 20 năm).

Khi những dự án BOT trên quốc lộ 14 qua Tây Nguyên hoàn thành sẽ có 5 trạm thu phí BOT mọc lên. Trong khi đó, các trạm thu phí BOT này đều được phép thu cao gấp 2 đến 2,5 lần so với mức thu bình thường.

Với xe khách giường nằm loại 28 chỗ của Công ty Thanh Khuê ở Kon Tum, khi đi qua những trạm này sẽ phải chịu mức phí khoảng 50.000 đồng/lượt và chi phí cho mỗi xe khách của công ty phải tăng thêm khoảng 500.000 đồng/lượt đi về. Còn loại xe khách giường nằm 40 chỗ của Công ty Kumho Samco (TPHCM), chi phí cho mỗi xe cũng sẽ tăng lên khoảng 600.000 đồng/lượt đi về.

“Khi chi phí vận tải tăng lên, chúng tôi buộc phải tăng giá vé mới kinh doanh có lãi được. Tăng giá vé cũng đồng nghĩa với việc hành khách đi lại phải chịu tốn kém hơn, còn việc kinh doanh của công ty phải chịu nhiều rủi ro hơn khi hành khách lựa chọn phương tiện vận chuyển khác. Như vậy, cả doanh nghiệp và người dân đều phải chịu khổ khi có quá nhiều trạm thu phí BOT mới sẽ mọc lên”, ông Lê Văn Liêm, Giám đốc Công ty Thanh Khuê tâm sự.

Một trạm thu phí trên quốc lộ 13 (ảnh lớn) và những tấm vé thu phí. Ảnh: KHẮC HÀO

Một trạm thu phí trên quốc lộ 13 (ảnh lớn) và những tấm vé thu phí. Ảnh: KHẮC HÀO

Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cho rằng, với hình thức xã hội hóa đầu tư ồ ạt hàng loạt tuyến đường hiện nay thì việc xuất hiện nhiều trạm thu phí bất hợp lý là đương nhiên. Vì doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư thì họ phải thu hồi vốn. Điều này dẫn đến tình trạng phí chồng phí, khiến doanh nghiệp vận tải bức xúc. Gánh nặng phí trước tiên sẽ đổ lên các doanh nghiệp vận tải đường dài, nhưng thực chất doanh nghiệp sẽ cơ cấu vào giá thành. “Áp lực giá sẽ đẩy trực tiếp ra xã hội và người dân phải gánh”, ông Chung phân tích.

--------------------
- Bài 2: Khốn khổ với đường BOT

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục