Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đội giá 339,1 triệu USD: Do khách quan?

(SGGP).– Ngày 22-4, Bộ GTVT đã có thông cáo gửi các cơ quan báo chí nêu rõ lý do chậm trễ giải phóng mặt bằng, kéo dài thời gian thi công, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư (TMĐT) và phải điều chỉnh dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông. Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm điểm nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến dự án này.

(SGGP).– Ngày 22-4, Bộ GTVT đã có thông cáo gửi các cơ quan báo chí nêu rõ lý do chậm trễ giải phóng mặt bằng, kéo dài thời gian thi công, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư (TMĐT) và phải điều chỉnh dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông. Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm điểm nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến dự án này.

Theo Bộ GTVT, dự án này đã gặp phải nhiều khó khăn, các quy định nhà nước đối với hình thức hợp đồng EPC còn chưa thống nhất, đầy đủ, công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều vướng mắc kéo theo việc khảo sát, lập thiết kế, dự toán cũng bị chậm.

Đặc biệt, do đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam, có quy mô lớn và tính chất kỹ thuật phức tạp, được nghiên cứu từ năm 2004, khi chủ đầu tư và tư vấn lập dự án chưa có nhiều kinh nghiệm, do vậy có nhiều nội dung cần thay đổi cho phù hợp thực tế trong quá trình triển khai, dẫn đến phải điều chỉnh dự án và TMĐT.

Các nguyên nhân chính dẫn đến điều chỉnh dự án và TMĐT gồm: dự án phải thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng với mục đích giảm thiểu tối đa khối lượng giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án; bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu bảo dưỡng (sau khi tư vấn thiết kế phát hiện nền đất yếu dưới độ sâu 2 - 3m); bổ sung hạng mục đường tránh quốc lộ 6; điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox; bổ sung chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ; thay đổi vị trí bãi đúc dầm, phương án vận chuyển lao lắp dầm...

Bên cạnh đó, các biến động về giá nguyên nhiên vật liệu, tỷ giá hối đoái; các chế độ, chính sách trong thời gian thực hiện dự án cũng như các khối lượng, đơn giá chưa được tính chính xác... Với những thay đổi trên, TMĐT dự án đã được chủ đầu tư (Tổng cục Đường sắt Việt Nam) phối hợp với tư vấn thẩm tra (TEDI) điều chỉnh lại là 891,92 triệu USD (tương đương 18.792.754.000.000 đồng), tăng 339,1 triệu USD (tương đương 7.144.837.000.000 đồng) so với TMĐT được duyệt.

Bộ GTVT cho biết, trong thời gian tới, chủ đầu tư và nhà thầu EPC sẽ phải hoàn chỉnh dự toán, trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở thẩm định của Viện Kinh tế Bộ Xây dựng...

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục