Luật Bảo hiểm xã hội cần đáp ứng nhu cầu đa dạng về an sinh xã hội

 (SGGPO).- Hội thảo về “Đối thoại chính sách trong sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội” khu vực phía Bắc do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 1-8.

Nhiều ý kiến tại hội thảo nhấn mạnh, với phạm vi tác động rộng, liên quan đến hầu hết các nhóm lao động khác nhau trong nền kinh tế và cả những người lao động đã nghỉ hưu..., việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) cần phải đáp ứng sự đa dạng về nhu cầu an sinh xã hội của các tầng lớp nhân dân, người lao động, công đoàn, người sử dụng lao động và thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước đối với việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Trong số những kiến nghị cụ thể, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã vào nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, theo đại biểu, cần xác định mức đóng BHXH để đảm bảo khi về hưu trợ cấp BHXH giúp người lao động đảm bảo mức sống tối thiểu. Nếu mức đóng BHXH theo mức lương cơ sở (1.150.000 đồng) thì khi về hưu, lương hưu của đối tượng này sẽ thấp hơn rất nhiều so với các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khác và sẽ không đảm bảo mức sống tối thiểu.
 
Từ phía doanh nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần Phú Thái cũng nêu nhiều kiến nghị đáng lưu ý, trong đó có việc dự thảo Luật BHXH cần bổ sung qui định khi người lao động đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH thông qua việc doanh nghiệp trừ tiền lương của người lao động, nhưng lại chiếm dụng không đóng cho cơ quan BHXH thì cơ quan BHXH vẫn giải quyết chế độ chính sách cho người lao động. Đây là quy định nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động; còn việc giải quyết nợ giữa cơ quan BHXH và doanh nghiệp được thực hiện theo qui định của pháp luật.
 
Đại biểu này cũng đề nghị bổ sung vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội tội “trốn đóng BHXH, BHYT” và tội “chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT” của người sử dụng lao động nhằm ngăn ngừa tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT hoặc chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT của người sử dụng lao động đang có xu hướng gia tăng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, đến cuối năm 2013, tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt khoảng 10,8 triệu người, tương đương khoảng 78% tổng số lao động thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; khoảng 173 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chiếm 0,5% tổng số lao động thuộc diện tham gia.
 
Bà Trương Thị Mai cũng cho biết, theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), với các chính sách như hiện hành, quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất của Việt Nam có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần (năm 2021, thu không đủ chi trong năm; đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu, quỹ mất cân đối). Nguyên nhân mất cân đối quỹ, một phần là do tuổi nghỉ hưu thực tế hiện nay thấp hơn quy định. Bên cạnh đó, số đối tượng hưởng BHXH một lần hàng năm nhiều, khoảng 500.000 - 600.000 người/năm và có xu hướng gia tăng.
 
Tại kỳ họp thứ 7, đã có tới 167 lượt ý kiến các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ và 16 ý kiến phát biểu tại Hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi), cho thấy mối quan tâm đặc biệt của toàn xã hội đối với vấn đề này.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục