Cát lậu lại hoành hành

Trong lúc người dân ấp Trường Khánh phường Long Phước bán đất chạy “hà bá”, với giá chỉ 300.000 - 400.000 đồng/m², trước khi đất đổ ập xuống sông thì trên sông, các ghe hút cát lậu vẫn tung hoành với quy mô ngày càng lớn và liều lĩnh.
Cát lậu lại hoành hành

Trong lúc người dân ấp Trường Khánh phường Long Phước bán đất chạy “hà bá”, với giá chỉ 300.000 - 400.000 đồng/m², trước khi đất đổ ập xuống sông thì trên sông, các ghe hút cát lậu vẫn tung hoành với quy mô ngày càng lớn và liều lĩnh.

Khai thác cát lậu trở thành nghề

Con số 20ha đất đổ sụp xuống sông do khai thác cát gây ra đã không dừng lại. Hàng ngày, dọc các bờ sông, rạch thuộc các phường Long Bình, Long Phước, Trường Thạnh (quận 9) đất đai cứ bị mất dần. Tại điểm nóng Trường Khánh (Long Phước) người dân bán đất để chạy “hà bá”.

Nhiều người trước đây mua đất với giá 1,5 - 2 triệu đồng/m² nay chỉ kêu bán 400.000 đồng/m². Người dân sở tại, đất sát bờ giá nào cũng bán. Cứ chậm ngày nào là đất rơi xuống sông, vườn bị thu hẹp dần. Người bán nhiều nhưng người mua ít. Trong khi người dân có đất ven sông rạch như ngồi trên lửa thì một số người ở vùng cù lao, sông nước lại sống bằng nghề khai thác cát lậu.

Người khai thác cát lậu phần lớn là dân địa phương. Những người khai thác cát thuê cho biết, một đêm khai thác cát được chủ ghe trả công 1 triệu đồng, mỗi tháng ra sông chừng 10 đêm đã có thu nhập 10 triệu đồng. Cuộc sống của họ lấy đêm làm ngày. Đây là mức thu nhập không phải làm nghề nào cũng có được ở vùng sông nước này.

Lần theo đường dây khai thác cát lậu, chúng tôi được biết, những người khai thác cát lậu được tổ chức theo nhóm và thường làm việc cho chủ ghe ở phường khác. Khi nhận điện thoại từ chủ ghe, họ ăn mặc tươm tất, lên xe máy đi ngay. Lượng người tham gia khai thác cát lậu rất nhiều, khi vài chục nhưng có lúc lên đến cả trăm người.

Ghe hút cát đậu công khai trên rạch Gò Công.

Ghe hút cát đậu công khai trên rạch Gò Công.

Ông Đặng Tấn Phướng, Trưởng khu phố ấp Phước Hậu (Long Phước), đứng ở chốt canh bên bờ sông Tắc, kể tường tận: “Bây giờ đường sá trên bộ thuận tiện, việc vận chuyển bằng đường sông không nhiều, nghề đánh bắt cá cũng không còn nên ghe thuyền thưa dần. Đi lại trên sông bây giờ có nhiều ghe hút cát, vận chuyển và canh giới”.

Theo người dân nơi đây, cát xây dựng đang lên giá nên các ghe hút cát lậu càng tăng quy mô khai thác cát và rất trắng trợn, liều lĩnh. Khác với trước, ghe hút cát vừa là ghe chứa, cứ hút được 5 - 7m³ lại phải vào bờ; mỗi khi gặp lực lượng chức năng kiểm tra, chủ ghe chỉ còn cách nhấn chìm để trốn.

Bây giờ, nhiều chủ ghe, đầu nậu thu mua cát đóng các ghe lớn, có sức chứa lên đến 100m³ để chứa cát lậu. Các ghe hút cát chỉ việc bơm đầy ghe chứa, khi gặp lực lượng chức năng là kéo vòi hút lên, tăng tốc chạy trốn. Còn ghe chứa cát thản nhiên chạy về vựa cát đã định sẵn.

Khai thác cát lậu trên vùng sông nước ở quận 9 đã trở thành một nghề, ngày càng chuyên nghiệp và thu hút nhiều lao động. Việc ngăn chặn nạn khai thác cát lậu mặc dù được thực hiện nhiều năm qua nhưng kết quả không như mong muốn.

Điểm đến của cát lậu

Việc phát hiện điểm đến của cát lậu không khó, bởi đó chính là những vựa thu mua, kinh doanh cát trên địa bàn. Để tránh kiểm tra, các ghe khai thác cát lậu không bán cát cho vựa trên địa bàn phường mà chuyển sang vùng khác. Ghe hút cát của phường Long Phước chuyển sang bán cho các vựa ở phường Trường Thạnh, Long Bình và ngược lại. Điểm đến của cát lậu đã rõ.

Thế nhưng, việc ngăn chặn nạn mua bán cát lậu vẫn không thể kiểm soát vì thiếu lực lượng lẫn phương án thực hiện. Nhiều người cho biết, những người có quan hệ mới mở được vựa cát và đấy là những vùng “bất khả xâm phạm”.

Thực tế hiện nay, việc ngăn chặn nạn khai thác cát lậu trên hệ thống các sông khu vực quận 9 không thể chấm dứt, nếu không có sự hợp tác của các chủ vựa cát. Dọc theo các con sông rạch Tắc, Trao Trảo, Gò Công… đều có nhiều vựa cát quy mô lớn.

Theo số liệu từ Phòng Tài nguyên - Môi trường quận 9, hiện trên địa bàn có đến 22 vựa cát đang hoạt động. Hầu hết các cơ sở này đều hoạt động hợp pháp, có giấy phép kinh doanh mua bán cát, vật liệu xây dựng. Nhiều cơ sở có quy mô lớn, vừa kinh doanh lẫn tuyển chọn, không chỉ cung cấp cát cho khu vực quận 9 mà cho cả hai quận 2, Thủ Đức (TPHCM) và tỉnh Bình Dương. Các vựa cát đều cho rằng, họ chỉ mua bán cát có nguồn gốc hợp pháp. Vậy nhưng, với nguồn cát lậu có giá bán thấp hơn cát có giấy tờ hợp pháp, nên nhiều vựa cát không bỏ qua.

Đường đi của các ghe chở cát cũng như điểm bán cát không quá khó để phát hiện. Tuy nhiên, hiện nay các phường rất khó thực hiện việc bắt quả tang, lập biên bản xử lý hành vi mua bán cát lậu. Các chủ vựa là những người có quan hệ rộng và đây là điểm mà các đơn vị quản lý chưa đụng đến. Để bắt quả tang việc bán cát lậu cần có sự phối hợp giữa các phường và các ban ngành của quận.

Nhiều cán bộ phường có chung bức xúc, dù có phát hiện mua bán cát lậu, nhưng lực lượng chức năng của phường này không thể sang phường khác để bắt, lập biên bản hoặc ngược lại. Chính vì thế, chủ ghe hút cát lẫn chủ vựa mặc sức tung hoành.

Lãnh đạo địa phương cho biết, hàng năm, quận 9 đã chi hàng trăm triệu đồng để tổ chức truy quét, bắt ghe hút cát lậu. Tuy nhiên, chủ yếu chỉ có thể mật phục, theo dõi, còn việc truy lùng, tổ chức bắt, xử lý đối tượng tiêu thụ cát lậu thì chưa thể làm được. Đây chính là lỗ hổng khiến việc ngăn chặn nạn khai thác, mua bán cát lậu trở nên nan giải và chính vì thế, đất đai tiếp tục sạt lở, nhiều gia đình tiếp tục bị mất đất, mất nhà.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục