Bất cập trong xử lý vi phạm xây dựng

Việc kiện toàn lực lượng thanh tra xây dựng theo Nghị định 26/2013/NĐ-CP ngày 29-3-2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra xây dựng (Nghị định 26) những tưởng sẽ hạn chế được những vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng tại các đô thị lớn. Thế nhưng, thực tế sau hơn 1 năm thực hiện theo mô hình mới này đã bộc lộ quá nhiều bất cập, làm cho tình trạng vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua ở nhiều địa phương càng thêm phức tạp…
Bất cập trong xử lý vi phạm xây dựng

Việc kiện toàn lực lượng thanh tra xây dựng theo Nghị định 26/2013/NĐ-CP ngày 29-3-2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra xây dựng (Nghị định 26) những tưởng sẽ hạn chế được những vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng tại các đô thị lớn. Thế nhưng, thực tế sau hơn 1 năm thực hiện theo mô hình mới này đã bộc lộ quá nhiều bất cập, làm cho tình trạng vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua ở nhiều địa phương càng thêm phức tạp…

Vi phạm nhiều, xử lý ít

Nghị định 26 có hiệu lực thi hành từ ngày 15-5-2013 với những thay đổi cơ bản về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng thanh tra xây dựng theo mô hình quản lý trực thuộc Sở Xây dựng và Bộ Xây dựng, không còn ở cấp quận - huyện, phường - xã như khi thực hiện thí điểm trước đó ở TPHCM và một số địa phương. Lợi dụng sự thay đổi này, vào thời điểm trước và sau ngày 15-5-2013, tại nhiều địa bàn của quận Thủ Đức, Gò Vấp, 12, huyện Hóc Môn, Bình Chánh… hàng ngàn căn nhà xây dựng không phép đã được xây dựng. Trong đó nổi cộm nhất là tại huyện Bình Chánh với hơn 1.500 căn, quận Thủ Đức có đến 643 căn, trong đó chiếm hơn một nửa số căn vi phạm vào thời điểm sau Nghị định 26.

Việc xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng ở các địa bàn nổi cộm trên theo ước tính của cơ quan chức năng chỉ vào khoảng hơn 60%. Có nơi như ở huyện Bình Chánh và quận Thủ Đức là chưa đến 50%. Trong số 643 căn nhà xây dựng không phép, sai phép ở quận Thủ Đức có 455 căn (chiếm gần 70%) không lập biên bản đình chỉ thi công, hoặc có lập biên bản đình chỉ thi công nhưng UBND các phường không ban hành quyết định đình chỉ thi công; không lập biên bản vi phạm hành chính, hoặc có lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Số vụ vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng, chưa xử lý dứt điểm ở địa phương này còn gần 300 trường hợp và đều được cho tồn tại.

Tại huyện Hóc Môn, tập trung chủ yếu ở địa bàn xã Thới Tam Thôn với những biến tướng của hàng trăm căn nhà xây không phép theo kiểu nhà “ba chung” (chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung giấy phép xây dựng và chung số nhà) và những khu dân cư làm hạ tầng, phân lô chia nền trước, chuyển mục đích sử dụng đất, phê duyệt dự án đầu tư sau. Nhiều căn nhà không phép “ăn theo” những khu dân cư kiểu biến tướng này nở rộ tại địa bàn các ấp Đông 1, Đông 2, Tam Đông 1, Tam Đông 2 của xã Thới Tam Thôn nhưng rất ít căn bị xử lý theo quy định.

Tại huyện Bình Chánh, đến nay cũng chỉ có khoảng gần 60% trong số hơn 1.500 số công trình vi phạm bị xử lý và phần lớn được cho tồn tại. Thực tế này dẫn đến tình trạng tái vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng, Phong Phú đang có xu hướng tăng mạnh.

Một khu dân cư tại ấp Tam Đông 2, xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) được xây dựng theo kiểu san lấp làm hạ tầng, phân lô chia nền trước, chuyển mục đích sử dụng đất và phê duyệt dự án đầu tư sau. Ảnh: HOÀI NAM

Chồng chéo trong xử lý vi phạm

Để quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn phường - xã, quận - huyện khi không còn lực lượng thanh tra xây dựng, theo quy định các quận - huyện được thành lập Đội quản lý trật tự đô thị trực thuộc Phòng QLĐT. Dưới đội có các tổ quản lý trật tự đô thị nằm tại địa bàn các phường - xã. Lực lượng này tại các quận - huyện được biên chế từ 50 đến 70 người. Sự tăng thêm biên chế này dẫn đến chồng chéo chức năng nhiệm vụ với Đội thanh tra xây dựng địa bàn trong việc xử lý các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng. Cụ thể, theo UBND quận 12, các trường hợp vi phạm không phép, cán bộ quản lý trật tự đô thị phường phối hợp với Đội thanh tra xây dựng địa bàn lập biên bản vi phạm trật tự đô thị. Sau đó sẽ tách ra 2 hồ sơ. Một hồ sơ giao UBND phường ban hành quyết định đình chỉ, quyết định cưỡng chế, một hồ sơ chuyển cho Đội thanh tra xây dựng địa bàn để nơi đây theo dõi. Nếu UBND phường không xử lý thì thanh tra xây dựng mới lập hồ sơ xử lý. Trường hợp nhà xây sai phép, Đội thanh tra xây dựng địa bàn phối hợp với cán bộ quản lý trật tự đô thị phường lập biên bản vi phạm rồi chuyển cho UBND phường ban hành quyết định đình chỉ và kiến nghị Chánh thanh tra Sở Xây dựng ra quyết định xử phạt.

Theo đại diện Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM, quy định trên dẫn đến công tác quản lý trật tự xây dựng giữa UBND quận - huyện, phường - xã còn nhiều chồng chéo, chưa xác định rõ trách nhiệm cụ thể. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Đội thanh tra xây dựng địa bàn với UBND quận - huyện, phường - xã thiếu chặt chẽ, thiếu giám sát lẫn nhau, đùn đẩy trách nhiệm; thiếu kiểm tra, đôn đốc cán bộ quản lý trật tự đô thị tuần tra và xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng; buông lỏng quản lý địa bàn, dẫn đến cán bộ quản lý xây dựng có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho chủ đầu tư và đầu nậu xây dựng nhà không phép tràn lan thời gian qua.

HOÀI NAM - VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục