Vũ điệu trên xe lăn

“Thầy ơi, em bị xương thủy tinh, không ưỡn lưng được về phía trước”, tiếng của Thanh kêu lên khi cả lớp đang cúi thấp người xuống để tập các động tác bụng. Thầy Hiền vội dừng động tác, nhìn về phía Thanh rồi trả lời: “Không sao đâu em, em chỉ cần tập được tay và lắc được cái đầu là tốt rồi, từ từ mình sẽ luyện tập thêm”.
Vũ điệu trên xe lăn

“Thầy ơi, em bị xương thủy tinh, không ưỡn lưng được về phía trước”, tiếng của Thanh kêu lên khi cả lớp đang cúi thấp người xuống để tập các động tác bụng. Thầy Hiền vội dừng động tác, nhìn về phía Thanh rồi trả lời: “Không sao đâu em, em chỉ cần tập được tay và lắc được cái đầu là tốt rồi, từ từ mình sẽ luyện tập thêm”.

Nguyễn Diệu Thanh (bị xương thủy tinh) phải đưa hai cánh tay vận động từng tí một. Thanh không thể vận động được các động tác như ưỡn ngực hay cúi thấp người về phía trước mà chỉ đưa hai tay ra tập các động tác đơn giản nhất trong các động tác đơn giản.

Trong khi đó, Nguyễn Chung Tú bị khuyết tật toàn thân phải cần đến sự hỗ trợ của bạn Huỳnh Kim Phụng (đang làm việc tại Trung tâm Khuyết tật và phát triển - DRD) mới có thể tập được các động tác của vũ điệu trên xe lăn. Trong các buổi tập, Kim Phụng đứng đằng sau Tú, cầm lấy hai tay của Tú đung đưa theo các điệu nhảy. Mỗi lần tập xong, khuôn mặt Tú rạng ngời nụ cười hạnh phúc.

Người khuyết tật cùng luyện tập với những điệu nhảy trên xe lăn.

Trong suốt buổi học, khuôn mặt ai cũng thấm mồ hôi nhễ nhại nhưng gương mặt của họ luôn rạng rỡ, tiếng nói cười vui vẻ, trêu thầy giáo rồi cùng phá lên cười. Đó là không khí của lớp học nhảy trên xe lăn miễn phí dành cho người khuyết tật diễn ra lúc 17 giờ 45 đến 19 giờ 30 thứ tư, thứ sáu hàng tuần ở Hội quán Đời Rất Đẹp, quận 10, TPHCM do DRD phối hợp với Công ty Bước Nhảy Xanh tổ chức.

Buổi học nào cũng vậy, các học viên đều học các điệu nhảy rất hào hứng. Giáo viên mới chỉ bước vào lớp, chưa mở nhạc nhưng những cánh tay của người khuyết tật đã ở tư thế sẵn sàng. Giáo viên bật cassette, tiếng nhạc rộn rã vang lên, một rừng cánh tay giơ lên cao, chậm rãi lắc lư theo điệu nhạc….

“Giơ hai cánh tay lên, nghiêng qua phải, cái đầu nghiêng theo, ưỡn ngực ra phía trước…”, thầy Đinh Thanh Hiền, giáo viên lớp học hô to. Các học viên ở dưới vươn cánh tay ra phía trước, từng bước đưa tay lên xuống. Họ vừa tập vừa nhìn xem những người bạn của mình tập như thế nào để điều chỉnh các động tác cho giống.

Các động tác rất đơn giản với người bình thường nhưng với người khuyết tật là cả vấn đề. Nó đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ người tập. Học viên khuyết tật tay tập trung tập luyện các động tác cổ, còn người bị xương thủy tinh tập luyện vài động tác tay, hay những người khuyết tật toàn thân thì cố gắng lắc lư cái đầu.

Học được khoảng 30 phút thì giáo viên phải cho lớp nghỉ một lần, vì các học viên bị mỏi tay. Trong khoảng thời gian này, thầy Hiền luôn tìm hiểu xem ai bị khuyết tật chỗ nào để hướng dẫn cho họ các động tác nhảy phù hợp. Thầy cũng hướng dẫn cho người khuyết tật về chế độ ăn uống như thế nào để phù hợp với họ.

Nguyễn Chung Tú, sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, bị khuyết tật toàn thân, nói: “Tôi bị khuyết tật toàn thân nên không vận động được nhiều, nhưng nhìn các bạn luyện tập mình rất hào hứng. Khi chị Phụng cầm tay mình để nhảy cùng các bạn, mình hạnh phúc vô cùng. Mình thấy vui và lạc quan hơn vì được cộng đồng quan tâm và giúp đỡ”.

Thầy Đinh Thanh Hiền chia sẻ: “Tôi từng dạy cho người khuyết tật ở Australia. Họ được xã hội quan tâm và tạo điều kiện rất nhiều. Họ được dạy nghề, được đi làm và được học nhảy như những người bình thường. Trong khi đó ở Việt Nam, người khuyết tật chịu thiệt thòi. Tôi đã quay về nước và dạy nhảy cho những người thiếu may mắn. Tôi đem những bài tập ở bên đó về và thiết kế lại các động tác, các điệu nhảy cho phù hợp với người Việt Nam. Nếu người khuyết tật tập luyện đều đặn thì các động tác này giúp họ rất nhiều trong việc rèn luyện sức khỏe và giúp tinh thần họ tốt hơn rất nhiều.

Tôi nghĩ, nếu giúp được người khuyết tật ở Việt Nam có công việc, có không gian sinh hoạt, giải trí thì họ sẽ tự lo được cho bản thân, không còn trở thành gánh nặng cho xã hội. Khi dạy nhảy cho họ, tôi muốn họ sẽ có việc làm từ lớp học nhảy. Họ có thể trở thành các huấn luyện viên, giáo viên dạy nhảy cho người khuyết tật, thậm chí là cả cho người bình thường sau này”.

Khi những bài học trên lớp khép lại, các học viên đẩy xe lăn ngồi lại gần với nhau. Họ cùng hỏi han nhau tập có mệt không, những động tác nào khó tập nhất rồi cùng nhau cười nói vui vẻ. Mọi lo lắng, mặc cảm đời thường nhường chỗ cho những nụ cười lạc quan và mãn nguyện.

BẢO ANH

Tin cùng chuyên mục