Một số chính sách có hiệu lực từ tháng 9-2014

Không nhập khẩu máy móc cũ đã sử dụng quá 5 năm

Không nhập khẩu máy móc cũ đã sử dụng quá 5 năm

Từ ngày 1-9-2014, theo Thông tư 20/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, các loại máy móc, thiết bị đã qua sử dụng chỉ được phép nhập khẩu nếu có thời gian đã qua sử dụng không quá 3 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên, bao gồm: máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; máy móc, thiết bị sử dụng trong ngành bia, rượu, nước giải khát có cồn và không cồn...

Các loại máy móc được phép nhập khẩu khác phải có thời gian sử dụng không quá 5 năm và có chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu cũng từ 80% trở lên.

Ưu đãi học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống

Quyết định số 41/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật (kể cả công lập và ngoài công lập) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9-9-2014.

Các ngành được ưu đãi gồm: nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Trong đó, học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa - nghệ thuật công lập được giảm 70% học phí. Ngoài ra, sinh viên theo học các ngành trên còn được hưởng chế độ bồi dưỡng nghề và chế độ trang bị học tập.

Chi trả phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu

Liên bộ Y tế - Công an vừa ban hành Thông tư số 26/2014/TTLT-BYT-BCA (có hiệu lực từ 19-9-2014) quy định về xét nghiệm nồng độ cồn (etanol) trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ phải chi trả chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh.

Các trường hợp phải xét nghiệm gồm: người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn hoặc bị tai nạn giao thông (TNGT) được cán bộ công an đang giải quyết TNGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu; người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan đến vụ TNGT được cán bộ công an yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu; người điều khiển phương tiện giao thông có dấu hiệu sử dụng chất có cồn được cán bộ công an đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu; người điều khiển phương tiện giao thông bị TNGT được đưa đến cơ sở khám, chữa bệnh được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.

Quảng cáo gian dối bị phạt đến 140 triệu đồng

Từ ngày 15-9-2014, các DN có hành vi quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về giá, số lượng, chất lượng, công dụng, thời gian bảo hành... thì mức phạt sẽ từ 80 - 140 triệu đồng.

Nội dung này được quy định tại Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.

Cũng theo nghị định, DN có hành vi bắt chước sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng; so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại khác sẽ bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng. Mức phạt đối với các hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm về bán hàng đa cấp cũng được tăng nặng. Theo đó, mức phạt tiền đối với hành vi tổ chức khuyến mại gian dối về giải thưởng, khuyến mại không trung thực hoặc gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng... sẽ tăng từ 45 - 55 triệu đồng lên 50 - 80 triệu đồng.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục