Con đường “những o con gấy”

Những năm 1965 - 1968, Mỹ mở rộng đánh phá ác liệt ra miền Bắc, tuyến quốc lộ 1A bị chia cắt nên đường 15A qua Nghệ An, Hà Tĩnh… được đưa vào sử dụng. Để đảm bảo tuyến huyết mạch này, nhiều lực lượng đã được huy động để bảo vệ, xây dựng, sửa chữa. Trong đó, chủ lực là thanh niên xung phong. Những cô gái tuổi đôi mươi từ các làng quê bên bờ sông Lam, sông La… đã lên đường ra trận địa bám cầu, bám đường. Và chính những bông hoa đồng nội ấy đã tạo nên những “tiểu đội thép” trên tuyến lửa nhưng cũng thật mềm mại, thân thương như người xứ Nghệ trìu mến gọi: Con đường của các o con gấy (con đường của các cô con gái).
Con đường “những o con gấy”

Những năm 1965 - 1968, Mỹ mở rộng đánh phá ác liệt ra miền Bắc, tuyến quốc lộ 1A bị chia cắt nên đường 15A qua Nghệ An, Hà Tĩnh… được đưa vào sử dụng. Để đảm bảo tuyến huyết mạch này, nhiều lực lượng đã được huy động để bảo vệ, xây dựng, sửa chữa. Trong đó, chủ lực là thanh niên xung phong. Những cô gái tuổi đôi mươi từ các làng quê bên bờ sông Lam, sông La… đã lên đường ra trận địa bám cầu, bám đường. Và chính những bông hoa đồng nội ấy đã tạo nên những “tiểu đội thép” trên tuyến lửa nhưng cũng thật mềm mại, thân thương như người xứ Nghệ trìu mến gọi: Con đường của các o con gấy (con đường của các cô con gái).

Con đường “những o con gấy” ảnh 1

Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc hôm nay.

1. Con đường 15A qua Hà Tĩnh tôi đi bây giờ, bên dưới không phải là những hố bom, trên đầu không còn là máy bay gầm rú, mặc dù trời thì vẫn “xanh trời Can Lộc”. Đồng Lộc bây giờ đang đổi thay từng ngày. Đất Đồng Lộc thời Mỹ đánh phá cứ bình quân 1m² “lãnh” hơn 3 quả bom giờ đây đã mọc lên những vườn cam, vườn chè, lúa đương thì xanh ngút ngát… Những đứa trẻ tranh thủ nghỉ hè mang nhang ra khu mộ mười o ở Ngã ba Đồng Lộc bán và thú vị là trên tay bé nào cũng kèm theo một túi quả sim.

Ngày xưa, có lẽ bên những lùm sim tím ngát đợi chờ ấy, những “o con gấy” của miền gạo trắng nước trong Đức Thọ, Hương Sơn… vừa nhón sim ăn vừa trêu nhau về một tên người được thêu trên chiếc khăn tay. Cái nắng ở Ngã ba Đồng Lộc hôm nay giờ đây mỗi khi bình minh lên lại tạo thành một dải lụa mềm vắt từ tháp chuông trên đồi cao xuống đống vỏ bom được sắp đặt rất có chủ ý phía bên dưới.

Những quả bom như vừa từ trên trời găm xuống mặt đất, như muốn nhắc nhớ rằng, mảnh đất đang ngập tràn tiếng thông reo hôm nay, cách đây 46 năm, chỉ từ tháng 3 đến tháng 10-1968 đã phải hứng chịu hơn 48.600 quả bom các loại trút xuống.

2. Tôi đến Đồng Lộc đúng vào tuần giỗ của mười o. Tôi vào khu mộ mười o khá sớm, nhưng đã thấy có nhiều người đến đây. Trong khu mộ, bên hố bom xưa, âm hưởng của buổi chiều bi thương ấy lại dội về. Loạt bom Mỹ trút xuống. Mười o bị lấp vùi trong đất. Cả trận địa nháo nhào bới tìm. 9 người được tìm thấy, nhưng đã hy sinh, được xếp nằm một hàng, nhưng tìm mãi vẫn còn thiếu một người…

Nhà thơ Yến Thanh, đồng đội của mười o, khi ấy không kìm được đã phải bật thốt lên “Cúc ơi!”. “Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang/Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp/Chín bạn đã quây quần đủ hết/Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh/A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh/Chỉ thiếu mình em/Chín bỏ làm mười răng được…”. Cúc ơi! Nhiều người cũng như muốn thốt lên, mắt rơm rớm cắm những que nhang và mười bông cúc trắng lên mộ mười o. Cả không gian nhòa trong khói hương, quyện trong cúc trắng. Hai cây bồ kết kề ngay sau hàng mộ mùa này vẫn còn lác đác vài quả.

Không hiểu sao tôi cứ mường tượng rằng đã có những quả bồ kết được các o hái xuống gội đầu, bởi “Ngày bom vùi tóc tai bết đất/Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được” (Vương Trọng). Cách đây hơn 5 năm, tôi về xã Đức Hòa (Đức Thọ) tìm gặp mẹ của một trong những “người con gái sông La”.

Khi ấy, mẹ Trần Thị Chút, mẹ của o Hà Thị Xanh vẫn còn minh mẫn lắm. Mẹ cười hồn hậu: “Đúng ra là hắn phải thắp nhang cho tui, mẹ hắn. Nhưng hắn lại “đi” trước. Hắn mà “đi” ở nhà là bắt hắn phải trốn, không được đi qua cửa chính. Con mà “đi” trước cha mẹ là bất hiếu…”. Anh Trần Đình Ước, Trưởng ban Quản lý Khu di tích Đồng Lộc, cho biết, hiện mẹ Chút vẫn còn và đã bước qua tuổi 90. Vậy là, mẹ vẫn mang lời hứa như khi nói với tôi về các o hơn 5 năm trước: Mẹ vẫn ở cùng các con - mười bông cúc trắng!

Con đường “những o con gấy” ảnh 2

Du khách viếng mộ 10 o du kích.

3. Cứ mỗi lần ngược đường 15A lên huyện Đô Lương (Nghệ An) trong tôi lại ùa về bài thơ Mười hai cô gái Truông Bồn của nhà thơ Quang Huy. “Mười hai cô gái Truông Bồn/Nửa đêm thức dậy giữa vòm sao khuya/Bồn chồn chân chạy lắng nghe/Rì rầm cuối dốc tiếng xe thở dồn…”. Thời điểm bài thơ này ra đời cũng là thời gian Mỹ đánh phá ác liệt “tọa độ lửa” này. Chỉ tính từ tháng 6 đến tháng 10-1968, nơi đây đã bị hơn 2.692 quả bom các loại trút xuống.

Mặc dù ác liệt, hiểm nguy là vậy, nhưng hàng đêm, 12 cô gái “tiểu đội thép” vẫn làm “cọc tiêu sống” dẫn xe vượt truông… Cách đây gần chục năm, mỗi lần đi qua Truông Bồn tôi lại ghé vào, xin bà cụ Vinh - người trông nom ngôi mộ tập thể của 11 o và 2 chú, xin thắp một nén hương. Có không ít lần xuyên đêm qua con đường này cứ mang cảm giác lành lạnh khi trong đầu vang lên những dốc Kỳ Lợn, cầu Om, lèn Sót… Nhưng cứ đến mộ, ghé thắp hương xong tự nhiên lòng ấm lại, vượt dốc giữa đêm mưa với hai bên là núi là rừng mà có cảm giác nhẹ bẫng…

Bây giờ con đường 15A qua Truông Bồn đã không còn thưa nhặt bóng người và Truông Bồn cũng không còn “cô quạnh”. Nhiều hạng mục trong dự án xây dựng khu di tích Truông Bồn đã và đang được thực hiện. Nhưng không hiểu sao, cứ mỗi lần chạy xe trên con đường trải nhựa với vạt vạt hoa tràm, tôi lại không khỏi bùi ngùi nghĩ về thời của các o: “Dẫn xe vượt dốc khuya rồi/Lại về ngủ giữa một trời đầy sao…”.

4. Không ít lần lên Truông Bồn tôi đã bắt gặp những nhóm các bác, các anh, các chị đứng trước ngôi mộ của 11 o và 2 chú cất tiếng hát. Lần nào cũng như lần nào, chỉ được đôi lời là tiếng hát nghẹn lại, lạc đi, nhiều người bắt đầu bật khóc. “Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường, hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường…”. Câu trả lời đã hằn vào tấm bia đá trong ngôi mộ. Trần Thị Doãn 20 tuổi, Hà Thị Đang 20 tuổi, Hoàng Thị Nhung 20 tuổi, Nguyễn Thị Tâm 22 tuổi, Phan Thị Dung 20 tuổi, Nguyễn Thị Phúc 21 tuổi, Vũ Thị Hiên 20 tuổi, Đinh Thị Vinh 18 tuổi, Đàm Thị Bốn 21 tuổi, Nguyễn Thị Hoài 17 tuổi, Nguyễn Thị Văn 18 tuổi, Cao Ngọc Hòa 20 tuổi, Trần Văn Hạp 21 tuổi.

Tất cả, dù khác ngày sinh ra, quê lớn lên nhưng có chung một ngày nằm xuống: 31-10-1968, một nơi an nghỉ: Truông Bồn. Biết bao ước mơ, dự định cho tương lai đã cùng ngừng lại. O Dung chuẩn bị làm đám cưới, o Tâm, o Phúc, o Hiên có giấy đi học ngoài Hà Nội, o Doãn đã có quyết định đi học ngành y…

Bà Trần Thị Thông, Tiểu đội trưởng “Tiểu đội thép” và cũng là người duy nhất còn sống sót sau trận bom thảm khốc ấy, mỗi khi kể về đồng đội, lại khóc. Bà bảo: “Ai cũng thương, nhưng thương nhất là anh Hòa và o Tâm. Anh Hòa ở đơn vị khác, được nghỉ phép nên đến thăm người yêu là o Tâm và cùng tham gia lấp hố bom với chị em. Nhưng rồi sáng nớ bom trút xuống… Hai người khi còn sống thì luôn phải xa cách, đến lúc trúng bom mới được ở cùng nhau”.

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục