Không chủ quan khi sử dụng thiết bị chứa chất phóng xạ

- Phóng viên:
Không chủ quan khi sử dụng thiết bị chứa chất phóng xạ

Kỹ thuật hạt nhân ngày càng được ứng dụng hiệu quả vào nhiều lĩnh vực, trong đó có những trường hợp không thể thay thế bằng kỹ thuật khác. Nhưng sự chủ quan và quản lý thiết bị chứa chất phóng xạ không chặt chẽ sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, mà vụ việc mất thiết bị chứa nguồn phóng xạ Ir-192 tại TPHCM là tiếng chuông cảnh báo. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Nhị Điền, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân, liên quan vấn đề này.

Không chủ quan khi sử dụng thiết bị chứa chất phóng xạ ảnh 1

PGS-TS Nguyễn Nhị Điền

- Phóng viên: Mấy ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm vụ việc một thiết bị chứa chất phóng xạ bị mất cắp tại TPHCM (đã phát hiện, thu lại được). Xin ông cho biết thực trạng nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và các thiết bị chứa chất phóng xạ tại nước ta hiện nay?

>> PGS-TS NGUYỄN NHỊ ĐIỀN: Chất phóng xạ nói riêng và kỹ thuật hạt nhân nói chung bắt đầu được ứng dụng ở nước ta từ trước những năm 1950 của thế kỷ trước. Từ năm 1984, sau khi thiết bị hạt nhân đầu tiên của Việt Nam là lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đưa vào vận hành trở lại thì ứng dụng ngày càng rộng rãi hơn và hiện nay thì các ứng dụng rất phổ biến trong y học (để chẩn đoán và điều trị bệnh, đặc biệt là các bệnh hiểm nghèo như ung thư); trong công nghiệp (để tự động hóa các quá trình sản xuất trong các nhà máy xi măng, nhà máy giấy, nhà máy sản xuất nước uống đóng lon, kiểm tra chất lượng mối hàn đường ống của các công trình xây dựng, kiểm tra chất lượng bê tông, chất lượng đường bộ…); trong nông nghiệp (bảo quản lương thực, thực phẩm, rau quả; kích thích tạo giống mới…); trong môi trường, thủy văn…

- Hiện nay mức độ ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, các thiết bị chứa chất phóng xạ tại nước ta có phổ biến không, thưa ông?

Tôi không có điều kiện theo dõi chi tiết sự việc mất máy vừa qua, nhưng thiết bị chứa nguồn Ir-192 là thiết bị chụp ảnh phóng xạ trong công nghiệp dùng tia gamma để kiểm tra chất lượng các mối hàn, thuộc lĩnh vực kiểm tra không phá hủy mẫu (NDT - non destructive testing). Hiện nay, thiết bị này dùng rất phổ biến ở nước ta nói riêng và thế giới nói chung, được xem là một trong các thiết bị “không thể thiếu” của các công ty làm dịch vụ chụp ảnh phóng xạ trong công nghiệp (trong y học thì dùng máy X-quang, tức là chụp ảnh bằng phóng xạ tia X).

Thực chất, thiết bị chụp ảnh dùng nguồn Ir-192 là thiết bị rất đơn giản kể cả về cấu tạo và cách sử dụng. Bất kỳ ai, nếu có chút kiến thức về an toàn bức xạ đều có thể sử dụng được. Tuy nhiên, theo quy định thì người sử dụng nó phải có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp. Cũng có thể vì thiết bị quá đơn giản và dễ sử dụng nên dẫn đến người quản lý và sử dụng dễ chủ quan gây ra mất mát hoặc tai nạn phóng xạ. Việc này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà thỉnh thoảng vẫn xảy ra ở các nước, kể cả nước rất phát triển như Hoa Kỳ.

- Nếu thiết bị chứa chất phóng xạ bị lọt ra ngoài thì mức độ ảnh hưởng đối với sức khỏe con người như thế nào, thưa ông?

Điều đó còn tùy, nếu nguồn còn nằm trong máy, chưa được mở ra thì không sao. Còn nếu đã mở ra thì tùy khoảng cách và thời gian tiếp xúc, mà mức độ ảnh hưởng khác nhau. Nếu khoảng cách vài chục mét trở lên và tiếp xúc thời gian ngắn thì không sao; còn nếu ở gần và tiếp xúc thời gian dài thì rất ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

- Rõ ràng, việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và thiết bị chứa chất phóng xạ mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm nếu quản lý không chặt chẽ và đúng quy định. Vậy theo ông, hiện nay quy định về quản lý, sử dụng thiết bị có chất phóng xạ đã chặt chẽ chưa, có gì bất ổn không?

Đúng là kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ được sử dụng rất hiệu quả trong nhiều lĩnh vực và nhiều trường hợp là “không thể thay thế” bằng kỹ thuật khác. Ví dụ chẩn đoán và điều trị ung thư trong y tế, chụp X-quang, chụp hình cơ thể để tìm các khối u bằng kỹ thuật PET CT, chữa trị khối u ác tính bằng dao (gamma knife)… Tuy nhiên, sử dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ cũng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi phóng xạ là chất không màu, không mùi, không vị…

Theo các quy định hiện hành của Việt Nam, công tác quản lý an toàn bức xạ hiện nay khá chặt chẽ, có hệ thống quản lý từ trung ương đến địa phương. Cụ thể, ở cấp Trung ương là Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thuộc Bộ KH-CN và ở địa phương là các sở KH-CN. Các văn bản quy định cũng rất đầy đủ và chặt chẽ, kể cả việc sử dụng và bảo quản, kiểm đếm; có hệ thống thanh tra, kiểm tra định kỳ hàng năm và xử phạt nghiêm khắc. Về an toàn phóng xạ (không nói đến an toàn hạt nhân) thì các quy định hiện nay ở nước ta là khá đầy đủ, có quy định quản lý từ khâu sản xuất, nhập khẩu chất phóng xạ, đăng ký sử dụng, cấp phép cho sử dụng, bảo quản, lưu giữ tạm thời, lưu giữ lâu dài, thải bỏ… Tuy nhiên, thực tế nhiều lúc những quy định đó chưa được thực hiện đúng, việc rủi ro vẫn xuất hiện.

- Ông có đề xuất gì để việc quản lý, sử dụng thiết bị chứa chất phóng xạ được hợp lý và an toàn hơn trong thời gian tới?

Yêu cầu làm việc với phóng xạ là: Phải có hiểu biết, không quá chủ quan xem thường, nhưng cũng không quá sợ hãi phóng xạ; tuân thủ nghiêm túc các văn bản quy định. Tóm lại, nếu có đủ hiểu biết (được học và được cấp phép hành nghề), tuân thủ nghiêm túc các quy định hiện hành thì xác suất xảy ra sự cố, tai nạn bức xạ là rất thấp, nếu không nói là rất khó xảy ra.

- Xin cảm ơn ông!

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục