Nơi dân gửi niềm tin

Một ngày giữa tháng 7-2014, khi đến văn phòng làm việc nằm tại một tòa nhà trên đường Trương Quyền (quận 3, TPHCM), nhân viên của Công ty TNHH Junior Art Club bị bảo vệ tòa nhà ngăn cản, không cho vào. Nhiều lần đề nghị bên cho thuê văn phòng giải quyết nhưng không thành, đại diện Công ty TNHH Junior Art Club nhờ Văn phòng Thừa phát lại (TPL) quận Gò Vấp lập vi bằng làm chứng cứ của vụ việc.
Nơi dân gửi niềm tin

Một ngày giữa tháng 7-2014, khi đến văn phòng làm việc nằm tại một tòa nhà trên đường Trương Quyền (quận 3, TPHCM), nhân viên của Công ty TNHH Junior Art Club bị bảo vệ tòa nhà ngăn cản, không cho vào. Nhiều lần đề nghị bên cho thuê văn phòng giải quyết nhưng không thành, đại diện Công ty TNHH Junior Art Club nhờ Văn phòng Thừa phát lại (TPL) quận Gò Vấp lập vi bằng làm chứng cứ của vụ việc.

Nơi dân gửi niềm tin ảnh 1

Thừa phát lại (phải) lập vi bằng ghi nhận buổi làm việc giữa các bên

Nhu cầu lớn

Theo hợp đồng, thời hạn thuê mặt bằng văn phòng của Công ty TNHH Junior Art Club (gọi tắt là Junior) kéo dài đến tháng 7-2016. Trong khi chưa hết hạn, bảo vệ tòa nhà không cho nhân viên của Junior vào, đồng thời văn phòng bị niêm phong dù bên trong vẫn còn tài sản của Junior. Bức xúc trước việc bên cho thuê thu giữ trái phép tài sản và chiếm đoạt tiền đặt cọc, bà L.T.T.H. - Giám đốc Junior, được luật sư hướng dẫn cần phải có vi bằng để làm cơ sở giải quyết tranh chấp.

Theo yêu cầu của bà H., ngày 7-8-2014, TPL Nguyễn Đức Thịnh của Văn phòng TPL quận Gò Vấp có mặt, chứng kiến, lập vi bằng ghi nhận việc bảo vệ tòa nhà ngăn chặn, không cho bà H. vào và khóa trái cửa. Nhận được vi bằng do bà H. gửi đến chứng thực đã bị xâm phạm quyền lợi hợp pháp, cơ quan công an yêu cầu bên cho thuê văn phòng phải mở cửa để bà H. và nhân viên vào lấy tài sản của mình. Việc mở khóa, mở niêm phong, ghi nhận hiện trạng tài sản và bàn giao mặt bằng thuê diễn ra vào ngày 8-10-2014 cũng được TPL Nguyễn Đức Thịnh lập vi bằng để hai bên có cơ sở giải quyết về sau.

Một trường hợp khác. Nhà bị hư hại do hàng xóm thi công xây dựng, tháng 10-2014, ông N.V.C. (ngụ phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9) nhờ Văn phòng TPL quận Gò Vấp lập vi bằng ghi nhận hiện trạng căn nhà của ông. Trong vi bằng, vị trí và kích thước những vết nứt, vết lún trên tường, nền nhà hay cửa bị kẹt do vết nứt đều được TPL ghi nhận tỉ mỉ. Với vi bằng này, cùng với kết quả giám định thiệt hại, gần một tháng sau, hai bên thỏa thuận phía hàng xóm bồi thường ông C. 180 triệu đồng. Nếu không có vi bằng ghi nhận những thiệt hại đối với căn nhà của ông C., việc giải quyết tranh chấp đã kéo dài và khó khăn hơn nhiều.

Chứng cứ hữu hiệu

“Cà phê Buôn Ma Thuột” là thương hiệu cà phê nổi tiếng của Việt Nam đã có từ lâu. Thế nhưng, vào năm 2011, thương hiệu này bị Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd (trụ sở tại tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc) đăng ký độc quyền.

Để có căn cứ cho vụ khiếu kiện đòi lại thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột”, các luật sư nhờ Văn phòng TPL quận 1 lập hai vi bằng. Vi bằng thứ nhất ghi nhận việc website của Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd sử dụng địa danh Buôn Ma Thuột làm tên gọi nhãn hiệu cà phê của họ. Vi bằng thứ hai được lập để xác định rõ Buôn Ma Thuột là địa danh có trên bản đồ địa lý Việt Nam. Hai vi bằng trên được đưa đến Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM để hợp pháp hóa lãnh sự, sau đó đưa vào hồ sơ khiếu kiện. Trước những chứng cứ chứng minh Buôn Ma Thuột là nơi sản xuất cà phê nổi tiếng ở Việt Nam cũng như trên thế giới, tháng 2-2014, Phòng Xét xử và Xem xét lại nhãn hiệu - Bộ Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc ra phán quyết hủy bỏ nhãn hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” do Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd đăng ký.

Trên đây là 3 trong số hàng chục ngàn trường hợp được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp khi sử dụng vi bằng. Vi bằng ghi nhận những chứng cứ xác thực, có độ tin cậy về tính khách quan đối với sự kiện, hành vi xảy ra nên được sử dụng khi các bên xảy ra tranh chấp tại tòa án hoặc thực hiện các giao dịch hợp pháp khác. Trong 5 năm thực hiện thí điểm chế định TPL tại TPHCM, các Văn phòng TPL đã lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức và đăng ký tại Sở Tư pháp TPHCM tổng cộng 32.527 vi bằng.

Theo thống kê của TAND TPHCM, tính đến tháng 6-2015, TAND hai cấp tại TPHCM có 117 vụ việc sử dụng vi bằng làm chứng cứ trong việc xét xử. Tuy nhiên, hiệu quả lớn nhất của vi bằng là góp phần giảm bớt các tranh chấp, khiếu kiện phải đưa ra xét xử tại cơ quan tòa án. Thông qua những nội dung, sự kiện, hành vi được ghi nhận trong các vi bằng do TPL lập, các bên trong quan hệ giao dịch đã có căn cứ pháp lý để chứng minh và bảo vệ quyền dân sự của mình.

     Thực hiện thí điểm chế định TPL từ năm 2009, hiện TPHCM có 11 Văn phòng TPL hoạt động. Các văn phòng TPL thực hiện 4 công việc: tống đạt văn bản, giấy tờ; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án; trực tiếp tổ chức thi hành án. Trong đó, lập vi bằng được đánh giá là hoạt động rất hiệu quả của TPL. Hành vi được ghi nhận nhiều trong vi bằng là giao nhận tiền, tài sản; cuộc họp, buổi làm việc của các bên; nội dung trên trang thông tin điện tử, nội dung ghi âm…

Ái Chân

Tin cùng chuyên mục