Tối nay ăn gì?

Một lần đi chợ sớm, ngay giữa chợ tôi thấy một đám đông đang xúm vào an ủi một bà cụ đã hơn 60 tuổi. Bà cụ ngồi bệt giữa chợ, khóc hờ: “Trời ơi trời, một năm có 365 ngày, mỗi ngày ba bữa ăn, mỗi bữa đủ ba món. Tôi biết mua gì cho con, cháu ăn bây giờ. Đau đầu quá…”.
Tối nay ăn gì?

Một lần đi chợ sớm, ngay giữa chợ tôi thấy một đám đông đang xúm vào an ủi một bà cụ đã hơn 60 tuổi. Bà cụ ngồi bệt giữa chợ, khóc hờ: “Trời ơi trời, một năm có 365 ngày, mỗi ngày ba bữa ăn, mỗi bữa đủ ba món. Tôi biết mua gì cho con, cháu ăn bây giờ. Đau đầu quá…”.

Chỉ cần nghe thoáng qua tôi đã hiểu. Cũng như rất nhiều bà nội trợ Việt, tôi vừa đi làm vừa phải lo chu toàn chuyện nhà cửa, cơm nước. Việc mỗi ngày lên thực đơn cho bữa ăn gia đình luôn là bài toán khó. Gia đình tôi có 5 người, mẹ chồng tôi người Hà Nội gốc, nấu ăn ngon nên không chịu ăn món của người giúp việc nấu. Chồng tôi làm việc ở doanh nghiệp, thường xuyên đi tiếp khách, nếm đủ mọi món cao lương mỹ vị nên chiều về mở mâm cơm ra không mấy hào hứng. Thái độ ấy bắt đầu lây lan sang hai đứa con. Tháng trước, sau khi đi du lịch về con trai tôi còn yêu cầu mẹ nấu món súp rau kiểu Pháp giống như ở khách sạn… 5 sao. Không khí của những bữa cơm chiều khiến tôi đã nghĩ đến viễn cảnh một ngày nào đó, tôi cũng như bà cụ kia, đau đầu và đơn độc trong “cuộc chiến bếp núc”, nếu như mình không nhanh chóng thay đổi.

Minh họa: K.T

Cuộc “cách mạng” đầu tiên là vào một ngày cuối tuần, tôi rủ gia đình vài người bạn và đưa các con đến thăm, tặng quà cho các cháu nhỏ ở trại trẻ mồ côi. Tham dự bữa ăn trưa đạm bạc với các bạn cùng lứa tuổi, thấy bạn bè trân trọng nâng niu từng món ăn, các con tôi có vẻ suy nghĩ lắm. Dần dần, chúng đã thay đổi suy nghĩ, không hờ hững và bắt đầu biết trân trọng, tiết kiệm thức ăn. Cuối tuần, tôi đi chợ mua đồ ăn tươi, sơ chế và xếp từng hộp vào tủ lạnh, ai thích ăn món gì thì có thể lấy ra và tự chế biến. Ngày nghỉ tôi gợi ý cho con gái rủ ba cùng vào bếp, chế biến những món ăn lạ. Dù ngon, dù dở thì không khí cũng vui và mọi người ăn uống sạch sẽ. Ai không tham gia nấu nướng thì sẽ nhận việc rửa chén. Dần dà, bữa ăn đã trở thành công việc thường xuyên của mọi thành viên trong gia đình, không ai phải phục vụ ai, mà là tự phục vụ. Mọi người đều tham gia đề xuất, có sáng kiến về các món ăn. Thi thoảng cũng có ngày cả nhà tự giải phóng mọi chuyện bếp núc, cùng nhau thư giãn thưởng thức những món ăn ở bên ngoài…

Gần đây, những thông tin về an toàn vệ sinh thực phẩm khiến các thành viên trong gia đình tôi càng quý trọng các bữa ăn trong gia đình hơn. Không còn quá bận rộn và nặng nề với chuyện bếp núc nên tôi còn có thời gian chăm chút cho mảnh vườn rau sạch trên sân thượng, giúp cho bữa ăn gia đình thêm vui và đầm ấm.

Minh Minh

Tin cùng chuyên mục