Hỗ trợ sinh con gái một bề - liệu có khả thi?

Thay đổi quan niệm
Hỗ trợ sinh con gái một bề - liệu có khả thi?

Hỗ trợ bằng tiền cho các gia đình cao tuổi chỉ có con gái... đây là một trong những nội dung rất đáng chú ý được đưa vào dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế chủ trì xây dựng nhằm đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh và tăng cường bình đẳng giới. Đề xuất trên đang nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng xã hội với nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về tính khả thi và hiệu quả.

Thay đổi quan niệm

Tại Điều 25 trong dự thảo Luật Dân số (lần 3) đang được Bộ Y tế tổ chức lấy ý kiến đã đưa ra các biện pháp nhằm bảo đảm về cân bằng giới tính khi sinh, như: tuyên truyền, giáo dục, tư vấn bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh; ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, phân biệt giới tính; xây dựng, tổ chức thực hiện chuẩn mực xã hội về văn hóa thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường... Đặc biệt là giải pháp đề xuất về “Ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội”.

Mất cân bằng giới tính ở Việt Nam đang nghiêm trọng   Ảnh: QUỐC KHÁNH

Theo cơ quan soạn thảo, đề xuất hỗ trợ người cao tuổi có con gái một bề được đưa vào trong dự thảo Luật Dân số nhằm giúp thay đổi quan điểm “trọng nam, khinh nữ”, hạn chế tâm lý sính con trai. Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, cơ cấu dân số nước ta đang có 2 vấn đề rất đáng quan tâm. Thứ nhất, đó là tốc độ già hóa dân số nhanh dẫn đến tỷ lệ người già ngày càng cao. Trên 70% dân số người cao tuổi hiện nay đang còn sống dựa vào con cái, không có chế độ gì. Thứ hai, là mất cân bằng giới tính khi sinh đang rất nghiêm trọng. Do đó, nếu không giải quyết được tình trạng mất cân bằng giới tính thì khoảng vài chục năm tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hệ lụy rất phức tạp về an sinh xã hội, với cảnh báo đến năm 2050, nước ta sẽ có khoảng 4,3 triệu nam giới ế vợ. Hơn nữa, đề xuất trên được đưa ra cũng dựa trên kinh nghiệm từ một số quốc gia có nền văn hóa tương đồng Việt Nam và chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo “trọng nam, khinh nữ” như Hàn Quốc và Trung Quốc đều có chế độ ưu tiên cho trẻ em gái hoặc trợ cấp cho người già có con một bề là gái.

Xử lý nghiêm việc lựa chọn thai nhi

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Hiền (ở Cầu Giấy, Hà Nội) nói: “Mặc dù gia đình tôi có đủ “nếp tẻ” nhưng tôi vẫn nghĩ rằng việc hỗ trợ về kinh tế cho những gia đình có con gái một bề là điều rất đáng làm và tiến bộ rất lớn trong chính sách của nhà nước nhằm chăm lo tốt hơn cho đời sống xã hội của người dân”. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng hỗ trợ gia đình sinh con gái một bề là cần thiết nhưng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, phải tính toán những đối tượng và vùng miền nào cần hỗ trợ và đặc biệt cần xử lý thật nghiêm mọi hình thức lựa chọn giới tính thai nhi.

GS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Dân số gia đình và trẻ em cho rằng, nếu coi hỗ trợ người cao tuổi có con một bề gái là một cách để giảm tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh thì sẽ không hiệu quả. Bởi thực tế phần lớn những đối tượng lựa chọn giới tính cho thai nhi thường không phải là đối tượng có kinh tế khó khăn hay trình độ nhận thức kém. Hơn nữa cần phải thấy rằng, nhiều năm nay Trung Quốc thực hiện chính sách hỗ trợ 600 nhân dân tệ/tháng/người cho những cặp vợ chồng sinh con gái một bề nhưng tỷ số giới tính khi sinh ở nước này vẫn không giảm.

Về khía cạnh an sinh xã hội cho người cao tuổi, GS Nguyễn Đình Cử cho rằng, thực tế không chỉ con trai mới báo hiếu, chăm lo được cha mẹ mà các con gái cũng hoàn toàn làm tốt việc này. Do vậy, nếu quy định hỗ trợ như trên sẽ vô hình trung mặc định những gia đình sinh con gái là thiệt thòi và thuộc nhóm yếu thế. Đồng thời cũng mặc nhiên công nhận trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ là của con trai, điều này có thể làm nặng nề thêm quan niệm “trọng nam, khinh nữ” dẫn tới mất bình đẳng giới nghiêm trọng.

Luật hóa việc chăm sóc cho trẻ ngay từ giai đoạn đầu đời

(SGGP).- Ngày 6-10, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chủ trì tổ chức hội thảo góp ý xây dựng Luật Trẻ em (sửa đổi) 2015 với chủ đề “Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ và giám sát độc lập thực thi quyền trẻ em”.

Theo TS-BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, quyền nêu trên cần được coi là quyền cơ bản, điều chỉnh các nội dung có liên quan khác trong toàn bộ dự luật. Chẳng hạn, luật cần chế định việc đưa chương trình đào tạo cha mẹ và các thành viên trong gia đình về kiến thức, kỹ năng và thái độ chăm sóc cho trẻ phát triển toàn diện ngay từ giai đoạn đầu đời vào gói dịch vụ y tế dự phòng do bảo hiểm y tế chi trả.

Bày tỏ quan tâm đến thực trạng giám sát quyền trẻ em tại Việt Nam, đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ nhận xét, Việt Nam hiện vẫn thiếu cơ chế giám sát quyền trẻ em một cách hiệu quả theo chuẩn mực quốc tế. Đại biểu gợi ý dự thảo luật bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về giám sát độc lập quyền trẻ em. Theo đó, xem xét việc thành lập cơ quan giám sát độc lập về quyền trẻ em, mà hai trong số những chức năng quan trọng nhất là tiếp nhận và xử lý khiếu nại về các trường hợp vi phạm quyền trẻ em; đề xuất cải thiện tình hình trẻ em một cách toàn diện. 

ANH THƯ 

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục