Kiến nghị tiếp tục đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội

MẠNH HÒA

(SGGP).- Chiều 9-10, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM cùng Thường trực HĐND TP có buổi nghe Thường trực UBND TP đánh giá tình hình thực hiện đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn TP vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị quyết 77/2014/QH13 của Quốc hội (Nghị quyết 77).

Nghị quyết 77 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, trong đó điểm 5 cho phép tạm thời giao cơ sở xã hội tiếp nhận, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ để TAND xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Năm 2015 dần khép lại và đang đặt ra vấn đề “hậu Nghị quyết 77”, việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở xã hội sẽ được TPHCM thực hiện theo cơ sở nào?

Báo cáo với Thường trực HĐND TPHCM, ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, sau 9 tháng thực hiện Nghị quyết 77, đến nay, Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn đã ban hành gần 5.400 quyết định đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào các cơ sở xã hội. Trong đó, gần 3.500 trường hợp đã được TAND xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Qua đó, tình hình người nghiện ma túy lang thang hút chích nơi công cộng và các tụ điểm “nóng” về ma túy trước đây đã được chuyển hóa cơ bản. Số vụ phạm pháp hình sự, nhất là các loại án trộm, cướp, cướp giật… được kéo giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, cơ sở pháp lý để quản lý người nghiện tại các cơ sở xã hội chưa được ban hành đầy đủ nên quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn. 70% người nghiện ma túy trên địa bàn TP là người từ các tỉnh, thành khác đến. Việc xác minh nơi cư trú rất khó khăn. Mặc dù Bộ Công an đã có chỉ đạo các tỉnh, thành phối hợp với TPHCM song trên thực tế, nhiều lần phối hợp mà… rất khó có kết quả. Nhiều trường hợp trả lời chung chung, không xác định được có nơi cư trú hay không và có nhiều trường hợp không trả lời, dẫn đến một số trường hợp mất thời hiệu áp dụng, phải hủy quyết định, phải đưa người nghiện ra khỏi cơ sở xã hội và không biết bàn giao cho cơ quan nào quản lý những người này.

Một vấn đề phức tạp khác là người nghiện ma túy đăng ký hộ khẩu, tạm trú (KT3) một nơi nhưng ở một nơi khác. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận, cách hiểu về khái niệm “không có nơi cư trú ổn định” hiện chưa thống nhất; mỗi tỉnh, thành hiểu một cách và mỗi cách hiểu lại có hướng giải quyết khác nhau nên cần phải định nghĩa lại khái niệm này, có hướng dẫn cụ thể để cán bộ địa phương làm việc thống nhất.

Sau khi nghe đánh giá tình hình, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm kết luận, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM sẽ tiếp tục kiến nghị Quốc hội đưa vào trong Nghị quyết về kinh tế - xã hội năm 2016 có một điểm tương tự như điểm 5 của Nghị quyết 77 để TPHCM tiếp tục đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội. Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm tin tưởng, TPHCM có kinh nghiệm, có nhân sự, có nguồn lực rất căn bản để thực hiện; việc làm này không ngoài tầm tay của TP, miễn là TP có một cơ chế. Cùng với đó, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu UBND TPHCM cần có báo cáo Chính phủ kiến nghị tiếp tục thực hiện công tác này và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ TPHCM trong công tác.

Riêng kiến nghị có chế độ miễn, giảm, hỗ trợ đối với người nghiện ma túy có hộ khẩu ở TPHCM có hoàn cảnh khó khăn mà tự nguyện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu UBND TPHCM có báo cáo cụ thể trong kỳ họp HĐND TPHCM vào tháng 12-2015 để có hướng giải quyết. Mục tiêu của TP giúp cho người nghiện ma túy có điều kiện cai nghiện một cách thuận lợi và đủ điều kiện để cai nghiện.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục