Vai trò của khám sức khỏe tiền hôn nhân

Nhiều cặp vợ chồng trẻ đã gặp phải những tình huống “dở khóc dở cười” ngay trong đêm tân hôn hoặc một thời gian dài không thích ứng được với đời sống vợ chồng. Nguyên nhân chủ yếu là do họ chưa chuẩn bị kiến thức và tâm lý cho cuộc sống vợ chồng, chưa biết người bạn đời của mình có những vấn đề gì về sức khỏe trước khi kết hôn.
Vai trò của khám sức khỏe tiền hôn nhân

Nhiều cặp vợ chồng trẻ đã gặp phải những tình huống “dở khóc dở cười” ngay trong đêm tân hôn hoặc một thời gian dài không thích ứng được với đời sống vợ chồng. Nguyên nhân chủ yếu là do họ chưa chuẩn bị kiến thức và tâm lý cho cuộc sống vợ chồng, chưa biết người bạn đời của mình có những vấn đề gì về sức khỏe trước khi kết hôn.

Hệ lụy từ những suy nghĩ sai lệch

Từng rơi vào tình huống bi hài trong đêm tân hôn, chị Ngọc Anh (quận 1, TPHCM) vẫn chưa hết thẹn thùng khi kể lại câu chuyện từ 2 năm về trước. Chồng chị tuy có bề ngoài cường tráng nhưng lại có chút vấn đề về tim mạch, đêm tân hôn chị bị một phen hốt hoảng khi chồng đột ngột ngất xỉu. Sau đêm ấy, khi chưa có kết quả từ bác sĩ, chị không khỏi xấu hổ vì những lời bàn tán vì ngay cả chính chồng chị cũng không hề biết đến tình trạng sức khỏe của mình. Trường hợp của chị Hải Yến (quận 7) khi mang thai đến tháng thứ hai thì có hiện tượng ra máu, khí hư có mùi lạ. Vợ chồng chị tất tả đến gặp bác sĩ. Tại đây, sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết chị bị viêm cổ tử cung cần phải điều trị để tránh những biến chứng nguy hiểm như vi khuẩn thâm nhập vào bào thai, có thể gây sinh non hoặc nhiễm trùng sơ sinh khi bé được sinh ra.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các cặp đôi tự tin hơn trong cuộc sống vợ chồng

Đáng buồn hơn là trường hợp của chị Trúc Lâm (quận 2), chị lấy chồng được gần 2 năm nhưng không có con. Gia đình chồng chị cho rằng vóc dáng chị nhỏ bé, lại hay đau ốm liên miên nên khó thụ thai. Khi vợ chồng chị quyết định đi khám sức khỏe mới phát hiện chồng chị tuy “khỏe” trong “chuyện vợ chồng” nhưng tinh hoàn bị teo, không thể sản sinh ra tinh trùng. Bác sĩ cho biết tình trạng của chồng chị rất khó chữa, mà có khỏi cũng mất rất nhiều thời gian. Chị ân hận vì thấy anh khỏe mạnh, nên chủ quan không đi khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Theo thạc sĩ Trần Tuấn Huy, Giám đốc Trung tâm Giá trị sống - Kỹ năng sống YMCA, những chuyện lấy nhau rồi mới biết đối phương yếu sinh lý, bị vô sinh hoặc mắc bệnh di truyền không phải hiếm gặp. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm vợ chồng mà còn kéo theo các yếu tố khác như kinh tế, sức khỏe, tâm lý, lâu dài là ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Điều đáng nói là phần lớn những rắc rối ấy có thể dự phòng được nếu cả hai đi khám sức khỏe trước khi kết hôn. Theo các chuyên gia, vấn đề tâm lý là một trong những trở ngại thường gặp của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân ở giới trẻ hiện nay. Không ít bạn trẻ khi được “bạn đời tuơng lai” đề nghị đi khám sức khỏe tiền hôn nhân nhưng lại cho rằng đây là “thao tác” để kiểm tra “nửa kia của mình” trước cưới nên không chịu. Cũng có nhiều trường hợp do tâm lý e ngại, tự ti đối với sức khỏe của bản thân hoặc nghi ngờ tình yêu, sự chân thành của đối phương, dẫn đến tâm lý né tránh việc thăm khám sức khỏe. Tại các nước phát triển các đôi yêu nhau phải có giấy chứng nhận sức khỏe đảm bảo cho cuộc sống vợ chồng mới được đăng ký kết hôn. Ở Việt Nam, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân chưa có trong quy định pháp luật nên rất ít người thực hiện.

Chuyện khó nói nhưng dễ làm

Theo bác sĩ sản khoa Nguyễn Ngọc Lan Hương, với quan niệm cũ cho rằng phụ nữ đã lập gia đình mới cần chăm sóc sức khỏe sinh sản, nên việc thăm khám tiền hôn nhân vẫn còn là chuyện khó nói. Ngày nay, các bạn trẻ đã bắt đầu ý thức việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, tuy nhiên số người đi khám rất ít so với số đăng ký kết hôn. Chỉ đến khi gặp những việc đã rồi, họ mới đi khám. Theo bác sĩ, thay vì có những suy nghĩ sai lệch các bạn nên hiểu rằng việc khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ giúp phát hiện được những căn bệnh tiềm ẩn để nhanh chóng chữa trị, mang đến cuộc sống hôn nhân hạnh phúc cho cả hai người mà còn là cách thể hiện tình yêu và ý thức trách nhiệm với chính người bạn đời và cuộc hôn nhân của mình. 

Trên thực tế, khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các cặp đôi trang bị nhiều kiến thức bổ ích, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho đời sống vợ chồng sau này. Điều này tránh được những sợ hãi, nghi ngờ lẫn nhau trong đêm tân hôn, tránh lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bên cạnh đó, các bạn trẻ có thể phát hiện, điều trị sớm nhất các bệnh tiềm ẩn trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến đời sống chăn gối hoặc sức khỏe người phụ nữ khi mang thai. Ngoài ra, kiểm tra sức khỏe trước khi cưới còn giúp tránh các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho con cái trong tương lai. Bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho các bạn trẻ thực hiện kế hoạch hóa gia đình phù hợp, kiểm soát việc sinh con, tránh việc mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân không mất quá nhiều thời gian, kinh phí và khá giống với khám sức khỏe định kỳ, gồm: khám lâm sàng tổng quát (khám nội tổng quát và chuyên khoa phụ sản); xét nghiệm (nhóm máu, bệnh lý về máu, chức năng gan thận, viêm gan, các bệnh lây qua đường tình dục…); siêu âm ổ bụng tổng quát… Theo các bác sĩ về sức khỏe sinh sản, các cặp đôi nên khám sức khỏe tiền hôn nhân trước đám cưới khoảng 6 tháng. Đây là thời gian trung bình để điều trị một số bệnh nếu có. Hiện nay, tại TPHCM có 4 địa chỉ khám sức khỏe tiền hôn nhân tương đối “chuyên nghiệp” là Bệnh viện Từ Dũ (quận 1), Bệnh viện Hùng Vương (quận 5), Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (quận 11) và khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân (quận 3)

Phan Chiếu

Tin cùng chuyên mục