Anh em bảo nhau

Chị Hà là giáo viên đã có 30 năm trong nghề sư phạm nhưng cũng lâm vào cảnh “dạy con người ta nên người, còn dạy con mình thì khốn khổ”. Khi chồng chị qua đời, cả 4 đứa con trai đang ở tuổi vị thành niên, ăn nhiều chóng lớn nhưng quậy phá cũng dữ dằn. Với đồng lương giáo viên ít ỏi, ngoài giờ lên lớp, chị khá giỏi giang, xoay xở đủ đường để nuôi 4 đứa con khỏe mạnh. Chị Hà tâm sự: “Nuôi dạy 4 con trai cũng khá chật vật, nhưng may có đứa con đầu chịu học và có ý thức thay cha để dẫn dắt đàn em. Năm nay, đứa lớn lên đại học; hai đứa kế đã nghỉ học, một đi học nghề máy nổ, đứa kia làm công cho trại cây. Thằng Út còn đi học nhưng lưu ban mấy lần”.

Nhưng chị đau đầu nhất là đứa thứ ba. Một hôm nó bỏ nhà đi mấy ngày không về, bạn bè và anh em đi kiếm khắp nơi, chị giận lắm và nhắn với nó muốn về thì về không thì đi luôn đi. Nhưng khi nó trở về, chị giao cho đứa anh lớn xử lý. Anh cả kêu em nằm dài xuống đất nhưng không đánh đòn mà giải thích việc nhà và bổn phận người con trong gia đình như thế nào, về ý thức của con trai trong gia đình và xã hội. Chị thật sự ngạc nhiên khi nghe con nói: “Vì em biết lỗi và chịu nằm bị đòn, bấy nhiêu đó cũng đủ rồi. Anh không muốn em phải tự ái, mắc cỡ vì lớn rồi mà còn bị đòn. Em ngồi dậy đi và tới bàn thờ ba, đốt nhang xin lỗi với ba, vì em chưa làm được một thằng con trai tốt, con của ba, có lỗi lầm lớn khi ba mất. Rồi em tới xin lỗi má”. Thằng nhỏ nghe theo lời anh dạy và hứa với tôi sẽ không bỏ nhà đi chơi hoang nữa. Nó cũng xin lỗi anh nó.

Chuyện này làm cho tôi rất mừng. Tôi thấy mình có phần nào đúng trong việc dằn cơn nóng giận và để cho con trai lớn chủ động dàn xếp việc trong gia đình. Ngay cả thằng con thứ hai, trước đây thường gây gổ và có lần suýt đánh lộn với anh nhưng giờ thì hai đứa anh nói em nghe, cho nên hai thằng nhỏ noi theo.

NGUYỄN HOÀNG DUY

Tin cùng chuyên mục