Để không còn chợ tự phát

MINH ÚT

Để dẹp chợ tự phát, tôi thấy nổi lên hai vấn đề, hay nói đúng hơn là hai nỗi khổ mà cả người dân lẫn chính quyền cơ sở đều chưa có giải pháp khả thi để giải quyết.

Cái khổ của người dân cư trú tại chỗ là tình trạng mất an ninh thường xuyên xảy ra do cảnh bát nháo, lộn xộn cả một khu vực chợ; cái khổ của người sử dụng phương tiện giao thông khi lưu thông qua nơi này là tình trạng ùn tắc, có thể gây ra tai nạn giao thông bất cứ lúc nào. Bàn về cách dẹp chợ tự phát, tâm lý chung của người dân là cách xử lý của chính quyền địa phương còn thờ ơ hay giải quyết vấn đề chiếu lệ chưa rốt ráo, chưa tới nơi tới chốn vì nhiều lý do.

Về mặt chính quyền, dù biết người buôn bán vi phạm luật pháp, làm mất mỹ quan đô thị nhưng không thể mạnh tay vì cuộc sống của một bộ phận người nghèo. Thực tế cũng có nơi, chính quyền cương quyết, nhưng cách hành xử quá tay của một vài người thuộc cơ quan chức năng gây phản ứng không tốt từ xã hội. Cũng có nơi dẹp chợ tự phát như việc làm bắt cóc bỏ dĩa, dẹp chỗ này mọc chỗ khác, dẹp chưa xong chợ này đã mọc thêm nhiều chợ khác hoặc dẹp xong thì ít lâu sau tiếp tục mọc lại…

Tôi nghĩ, việc dẹp chợ tự phát không phải là vấn đề nan giải, bởi bài toán nào cũng phải có đáp án, nhưng để đi tìm một đáp án đúng quả thật không dễ. Chợ tự phát trước khi hình thành chỉ là một vài quầy rau cải, thịt cá, áo quần, vật dụng sinh hoạt gia đình… rồi sau đó lớn dần. Nếu chính quyền cơ sở chịu khó thường xuyên rà soát địa bàn mình quản lý tất sẽ nhận ra ngay nguồn gốc chợ tự phát và tìm cách giải quyết.

Còn nếu phát hiện chợ tự phát khi nó đã hình thành thì vấn đề phức tạp hơn. Phải xem xét từng đối tượng cụ thể mà có giải pháp phù hợp. Nếu là cư dân nghèo tại địa phương thì vận động họ vào chợ chính quy. Đối tượng này không đủ tiền thuê sạp, tiền thuế và các loại chi phí khác khi vào chợ. Khó khăn này, chính quyền cơ sở có thể vận động sự hỗ trợ tài chính từ cá nhân, tổ chức, nhất là các đoàn thể. Cũng có trường hợp, chính người có nhà tại chợ tự phát cho thuê mặt bằng hoặc khi thấy người khác ăn nên làm ra thì mở quầy ăn theo. Để xử lý, nếu họ có nguyện vọng buôn bán, địa phương giúp đỡ mọi thủ tục cần thiết để vận động họ vào buôn bán ở chợ chính quy.

Riêng đối với những tuyến đường, khu vực hoặc những dãy phố sầm uất có lịch sử hình thành chợ tự phát lâu đời cũng nên xem xét cặn kẽ nhiều mặt: an toàn giao thông, quốc phòng an ninh, văn hóa, truyền thống… rồi chính quyền cơ sở mạnh dạn đề xuất hợp thức hóa.

Không cần phải phải viện dẫn thật nhiều lý do không cần thiết đằng sau sự hình thành và tồn tại chợ tự phát để làm rối các giải pháp, biện pháp dẹp chợ tự phát. Dưới góc nhìn nhân văn của người quản lý xã hội, vấn đề cốt lõi trong việc dẹp chợ tự phát được hay không phần lớn là ở chính quyền cơ sở có xem đây là một công tác thường xuyên; các giải pháp, biện pháp giải quyết có sâu sát, phù hợp với tâm tư nguyện vọng từng đối tượng hay không?

MINH ÚT

Tin cùng chuyên mục