Đừng thanh tra cho có

Ý kiến

Sau 1 ngày thanh tra, kiểm tra Công ty TNHH Tân Hiệp Phát, vừa qua, đoàn công tác liên ngành đã kết luận là công ty này “chấp hành tốt” quy định trong quy trình sản xuất, đóng chai sản phẩm, các mẫu thực phẩm đảm bảo đúng chất lượng, quy định. Điều này làm người tiêu dùng nghi ngờ kết quả thanh tra, kiểm tra không khách quan hoặc chỉ thanh tra cho có, “cưỡi ngựa xem hoa” nhằm xoa dịu dư luận.

Từng làm việc nhiều năm trong ngành kiểm tra quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm ở một doanh nghiệp lớn, tôi nắm khá rõ quy trình thanh tra, kiểm tra liên ngành hay đột xuất của các đoàn thanh tra, kiểm tra của nhà nước đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Thông thường, việc thông báo thanh tra, kiểm tra định kỳ (hoặc đột xuất khi có phản ánh của người tiêu dùng, người lao động) được đoàn thanh tra gửi thông báo trước cho doanh nghiệp (thường là trước một tuần hoặc mười ngày) về thời gian thanh tra, kiểm tra về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong doanh nghiệp hoặc công tác VSATTP trong doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có biểu hiện sai phạm trong việc sản xuất kinh doanh thì việc chuẩn bị các nội dung để đối phó với đoàn thanh tra liên ngành hoàn toàn không khó. Hậu quả nhãn tiền của việc thanh tra vội vàng, không đến nơi đến chốn và còn nhẹ tay đối với những biểu hiện sai phạm hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng của doanh nghiệp là cuối cùng, thiệt hại nghiêng về phía người tiêu dùng.

Một khi doanh nghiệp cho rằng những sản phẩm vi phạm về VSATTP như có ruồi, gián hay chất cặn bã trong chai nước giải khát của mình là do bị cạnh tranh không lành mạnh mà không thể chứng minh được hành vi bị cạnh tranh không lành mạnh thì suy cho cùng đó cũng chỉ là lời ngụy biện nhằm trốn tránh trách nhiệm của mình trước dư luận, trước người tiêu dùng và trước pháp luật của nhà nước.

Đương nhiên, một khi doanh nghiệp không thể chứng minh những sản phẩm của mình làm ra là do bị cạnh tranh không lành mạnh, điều đó cũng có nghĩa doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật và cần phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Bản thân doanh nghiệp vi phạm phải chịu trách nhiệm trước dư luận và trước người tiêu dùng bởi quyền lợi của họ đã bị vi phạm một cách nghiêm trọng.

Cuối cùng, tôi cho rằng, để công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành theo định kỳ hoặc đột xuất đem lại hiệu quả thiết thực, thời gian tới, các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra của nhà nước cần thiết thay đổi cơ chế trong công tác thanh tra, kiểm tra theo “kiểu mẫu” như hiện nay; cũng như nâng cao năng lực, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra để dễ dàng phát hiện những biểu hiện sai phạm của doanh nghiệp và mang lại chất lượng và hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra.

Một khi công tác thanh tra, kiểm tra được nâng cao và hiệu quả thì quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người tiêu dùng, của người lao động được bảo vệ triệt để. Tất cả mọi hành vi vi phạm pháp luật hoặc có biểu hiện sai phạm, nhất là sai phạm liên quan đến vấn đề VSATTP trong doanh nghiệp cần phải được kiên quyết xử lý rốt ráo.

NGUYỄN ĐƯỚC
(136/1 Trần Phú, quận 5)

Tin cùng chuyên mục