Nhẫn một chút, việc sẽ lành

Ở ngã tư đường, một thanh niên chạy xe ẩu va phải một ông lão. Trầy sướt một chút, ông lão chưa kịp lên tiếng cằn nhằn, cậu thanh niên quắc mắt, vu vạ: “Ông chạy ẩu, muốn gì!”. Ông lão ngạc nhiên, nhưng rồi lặng lẽ bỏ đi, khi thấy khuôn mặt câng câng đáng ghét của thanh niên kia. Người đi đường chứng kiến, bảo: “May cho ông già nhịn, chứ cự lại, dám nó đập cho!”.
Nhẫn một chút, việc sẽ lành

Ở ngã tư đường, một thanh niên chạy xe ẩu va phải một ông lão. Trầy sướt một chút, ông lão chưa kịp lên tiếng cằn nhằn, cậu thanh niên quắc mắt, vu vạ: “Ông chạy ẩu, muốn gì!”. Ông lão ngạc nhiên, nhưng rồi lặng lẽ bỏ đi, khi thấy khuôn mặt câng câng đáng ghét của thanh niên kia. Người đi đường chứng kiến, bảo: “May cho ông già nhịn, chứ cự lại, dám nó đập cho!”.

Chuyện thứ hai, cũng ở một ngã tư đèn đỏ, người đàn ông trung niên đã dừng xe, nhưng một chiếc xe sau vẫn dấn tới, đụng vào đuôi xe. Người đàn ông chúi nhủi ra phía trước, chiếc xe lăn kềnh. Cậu thanh niên xe sau, tỏ ra bối rối nhưng không xin lỗi gì. Người đàn ông nhìn đuôi chiếc xe không hề hấn gì, chẳng nói chẳng rằng lên xe bỏ đi.

Người bạn đi chung, chạy theo nói: “Sao anh không chửi nó một câu, chạy sai mà không lấy một lời xin lỗi?”. “Chửi để được gì và nếu nó chửi lại, thì sao? Đánh nó à?”, người đàn ông điềm tĩnh nói. Người bạn hiểu ra, nhưng cố vớt vát: “Ông hiền quá! Tôi thì chửi nó một chập, rồi ra sao thì ra!”. Nói gì thì nói, anh cũng phải công nhận, cách ứng xử của ông bạn là đúng đắn. Giận, chửi, có khi lại rước thêm buồn bực trong người.

Cũng lại chuyện hai chiếc xe va nhau, cả hai thanh niên đều có rượu bia, xe trầy trụa chút đỉnh. Người này nhìn người kia. Một người nói trước: “Xin lỗi bạn, có sao không?”. Người kia nhìn tới nhìn lui: “Thôi, không sao, xe ai nấy sửa”. Cuộc chia tay vui vẻ. Biết chuyện, nhận lỗi, tha thứ nhau… đã giúp tránh một cuộc cãi vã, thậm chí một vụ xô xát, nếu hai người không kiềm chế.

Cuộc sống vốn nhiều va chạm. Sơ suất lúc đi đường, lỗi lầm trong ứng xử, lỡ lời… gây hại cho người khác, ai cũng có thể gặp trong suốt cuộc đời. Nếu cứ mỗi va chạm, sai lầm lại giải quyết bằng những lời nói hằn học, chửi rủa, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, thậm chí dao búa, súng ống… thì chẳng giải quyết được điều gì, chỉ đem lại thêm thù hận. Kiềm chế một chút, khoan dung một chút, mọi việc sẽ tốt đẹp hơn.

Tính hung hăng vốn xa lạ với bản tính của người Việt. Ông bà xưa thường dạy bảo con cháu nhẫn nhịn, khoan dung, tha thứ: “Một câu nhịn, chín câu lành”, “Chín bỏ làm mười”, “ Cơm sôi, bớt lửa”, “Chim khôn kêu tiếng rổn rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” … Đời sẽ vui hơn nếu ai cũng nhận ra lỗi của mình và khoan dung cho lỗi của người khác. 6.200 người nhập viện chỉ vì đánh nhau trong dịp tết này, cho dù từ bất kỳ nguyên nhân nào đi nữa, cũng bắt đầu từ việc hung hăng không nhận lỗi của mình và không khoan dung cho người khác!

THIỆN SƠN 

Tin cùng chuyên mục