Đánh thức giới trẻ từ ý thức

Đánh thức giới trẻ từ ý thức

Ngỡ như xã hội ngày càng hiện đại thì ý thức con người ngày một nâng cao nhưng thực trạng lại cho thấy điều ngược lại. Từ những chuyện nhỏ nhặt như vứt rác, chửi thề, chen lấn không xếp hàng, xài đồ công cộng không tiết kiệm… tạo thành thói quen xấu trong giới trẻ.

Xếp hàng: chậm mà nhanh!

Chị Cao Kim Trúc (thợ may, quận 8) chia sẻ về việc thường xuyên bị chen ngang khi đứng xếp hàng tính tiền ở siêu thị. Chị có nhắc nhở nhưng nhiều người cứ lỳ ra lấn tới. Dịp tết, lượng người đổ về các bến xe mua vé rất đông, đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự bát nháo của sự thiếu ý thức. Không hề thấy một hàng lối nào trong đám đông đứng chờ, ai cũng cố chen chân để sát quầy vé nhất. Vì vậy, những người có ý thức xếp hàng cũng đành chịu, phải cố chen nếu không thì không mua được vé. Việc không thích xếp hàng còn “được thể hiện” ở sân bay, trụ ATM, các khu vui chơi giải trí và nhiều người còn thể hiện thói quen xấu đó khi đi ra nước ngoài khiến bạn bè quốc tế không mấy thiện cảm với du khách Việt.

Dù đông đến mấy, nếu xếp hàng trật tự vẫn mua được vé tàu tết tại Ga Sài Gòn. Ảnh: ĐÌNH LÝ

Ở các trạm dừng chân Vũng Tàu, Nha Trang… chúng ta thường thấy những người nước ngoài xếp hàng dài trước cửa nhà vệ sinh chờ mặc dù trời nắng gắt, mồ hôi nhễ nhại, còn người Việt Nam cứ xông thẳng vào đứng đợi trước cửa các phòng, chỉ cần người khác ra là vào trước bao ánh mắt khó chịu. Ông Eric, một du khách Pháp, nói: “Thật ra, việc xếp hàng có vẻ chậm, nhưng cái chậm được chia đều nên hóa ra nhanh, lại công bằng nữa. Sở dĩ Việt Nam luôn bị kẹt xe chỉ vì ai cũng chen lấn, không theo trật tự trước sau, nếu mọi người có ý thức thì luồng xe có thể bị ùn ứ chứ không kẹt cứng, náo loạn được”.

Chỉ chuyện xếp hàng, bạn Nguyễn Tuấn Anh, quận 3, kể câu chuyện bạn gái bị “rớt điểm” chỉ vì thiếu ý thức. Đó là lần đầu dẫn bạn gái về nhà chơi, mẹ Tuấn Anh cứ nhìn cô ấy và cố nhớ ra điều gì. Mãi lúc sau thái độ của mẹ không thiện cảm với cô ấy. Khi bạn gái về, mẹ Tuấn Anh phản đối việc Tuấn Anh quen với cô gái ấy chỉ vì mấy ngày trước, mẹ bạn chứng kiến cô gái xinh đẹp này tay cầm điện thoại vừa nói vừa xông thẳng đến cửa nhà vệ sinh giành đi trước, phớt lờ bao người đang xếp hàng chờ. Tuấn Anh nghĩ đó chỉ là chuyện nhỏ, chỉ cần nhắc nhở là được. Nhưng thời gian sau, Tuấn Anh để ý thấy bạn gái mình thiếu ý thức thật. Ở nhà, cô ấy xài tiết kiệm, nhưng đến những nơi công cộng, trường học thì khi rửa tay, cô ấy xả nước ào ào dù đang trong lúc lấy xà phòng. Rửa tay xong, cô tiện tay quơ một nắm giấy thật nhiều, quẹt qua rồi vứt xuống sàn. Những hành động nhỏ đó khiến Tuấn Anh dần dần mất hào hứng với cô gái xinh đẹp này! 

Xả rác, leo lề, chửi thề…

Rác ở trụ điện, rác ở gốc cây xanh, rác bay trên đường, rác nằm ngay cạnh… thùng rác là những cảnh quen thuộc ở TPHCM. Sau những trận đá banh, sau những mùa lễ tết, rác lại ngập tràn khán đài, trên vỉa hè, dưới lề đường. Mặc dù nhà nước đã ban hành luật cấm xả rác, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân nhưng rác vẫn hoàn rác. Có nhiều ý kiến trái chiều đưa ra do mức phạt nhẹ, quá ít thùng rác… Những lý do đó cho thấy, dù có đưa ra nhiều quy định nhưng bản thân mỗi con người vẫn chưa ý thức được chuyện xả rác là hành động xấu thì quy định chỉ để người ta đối phó, canh chừng nhau.

Bác Nguyễn Thu Nga, quận 8, tay xách nách mang vừa đặt mớ hàng hóa mua từ chợ về vừa than phiền: “Đã xách nặng, hai cô gái non choẹt chắn xe trên lề đường, vừa đeo khẩu trang, găng tay, vừa nói cười với nhau như không thấy mình đang chắn đường người khác. Bọn trẻ bây giờ sao thiếu ý thức quá!”. Nhiều người leo lề, vi phạm luật giao thông còn lạng lách trước mặt người đi bộ khiến họ hoảng sợ. Không ít trường hợp, khi va quẹt xe vào người khác, thay vì nói xin lỗi thì nhiều bạn trẻ còn quay lại chửi thề, chẳng cần biết lỗi của ai, người đó lớn hay nhỏ.

Việt Nam đang trên đà hội nhập thế giới, lượng khách du lịch đến nước ta ngày càng đông và người Việt ra nước ngoài học tập, giải trí cũng rất nhiều nên những thói quen xấu này của người Việt càng dễ bắt gặp. Không ai khác, chính sự góp sức của từng cá nhân, sự phản đối cái xấu của cả xã hội, đặc biệt là của các bạn trẻ mới hy vọng rằng ngày nào đó cái tốt sẽ lấn át được cái xấu.

 Bác Nguyễn Minh Thông, cán bộ hưu trí quận 10 than phiền: Lúc nhỏ ai đi học cũng được dạy phải xếp hàng khi vào lớp, xếp hàng khi tập thể dục, xếp hàng trước khi ra về nhưng khi bước ra xã hội, đi đến những nơi công cộng, việc xếp hàng dường như bị lãng quên. Dù đó là chuyện nhỏ nhưng hậu quả của nó không những nói lên tính cách con người mà còn nói lên văn hóa của cả xã hội. Nhìn lại vụ sóng thần ở Nhật Bản, dù người dân đang gánh chịu những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra, nhưng họ vẫn xếp hàng ngay ngắn đợi tới lượt mình lấy lương thực tiếp tế, tuyệt nhiên không có chuyện tranh giành hay chen lấn xô đẩy. Văn hóa, ý thức không phải chỉ nói suông…

NHI HOÀNG

Tin cùng chuyên mục