Giữ lửa cho nếp nhà

Nếu gia đình được coi là tế bào của xã hội thì người phụ nữ được coi là hạt nhân của tế bào ấy. Xã hội ngày càng hiện đại, vai trò người phụ nữ càng có nhiều thay đổi. Thạc sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia đã trao đổi cùng chúng tôi xung quanh vấn đề này. * Phóng viên:
Giữ lửa cho nếp nhà

Nếp nhà

Nếu gia đình được coi là tế bào của xã hội thì người phụ nữ được coi là hạt nhân của tế bào ấy. Xã hội ngày càng hiện đại, vai trò người phụ nữ càng có nhiều thay đổi. Thạc sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia đã trao đổi cùng chúng tôi xung quanh vấn đề này.

* Phóng viên:
Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam ngày xưa thường gắn với “công, dung, ngôn, hạnh”. Ngoài ra, vai trò của người phụ nữ Việt trong gia đình còn có những điểm gì đặc biệt, thưa thạc sĩ?

* Thạc sĩ PHẠM THỊ THÚY: Phụ nữ chiếm một nửa dân số thế giới. Trong lịch sử loài người từ trước đến nay, ngoài việc duy trì nòi giống, phụ nữ còn có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc, sắp xếp cuộc sống gia đình và là một bộ phận quan trọng trong đội ngũ lao động của xã hội. Người phụ nữ Việt Nam xưa dù bị hạn chế về mặt xã hội, nhưng trong mô hình gia đình tứ đại đồng đường, họ luôn nắm giữ một mối dây quyền lực vô hình có khả năng lèo lái, chi phối cả một đại gia đình vượt qua sóng gió. Trong xã hội Việt Nam xưa dù phụ nữ không được tham gia vào các hoạt động xã hội nhưng ở gia đình, họ luôn được xem là nội tướng, đảm trách nhiệm vụ đối nội, chăm sóc và điều hòa các mối quan hệ, là chỗ dựa tinh thần của gia đình.

Giữ lửa cho nếp nhà ảnh 1

* Xã hội hiện đại đã ảnh hưởng như thế nào đến vai trò của người phụ nữ trong xã hội và gia đình?

Trong xã hội ngày nay, ngoài vai trò quan trọng trong gia đình, người phụ nữ còn có quyền tham gia vào các hoạt động trong mọi lĩnh vực của đời sống. Ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo, chính trị gia xuất sắc, rất nhiều doanh nhân tài ba là nữ. Điều này chứng tỏ năng lực của phụ nữ không thua kém nam giới. Phụ nữ trong xã hội hiện đại phải thực hiện vai trò kép, bên cạnh việc chăm sóc gia đình, họ còn tham gia lao động kiếm tiền như nam giới. “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, là danh hiệu một mặt khẳng định vị thế, vai trò “kép” của người phụ nữ hiện nay là vừa đảm đương tốt việc chăm sóc gia đình, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xã hội; mặt khác, đây cũng cho thấy gánh nặng đang được đặt “đều đặn” lên cả hai vai của người phụ nữ. Có thể thấy, mặc dù đã có sự chia sẻ trong các công việc nội trợ, nhưng những việc này, chủ yếu, vẫn do người phụ nữ đảm nhiệm. Điều đó có nghĩa, những công việc nhà mang tính thường xuyên và chiếm nhiều thời gian nghỉ ngơi vẫn là một gánh nặng của phụ nữ.

* Nói về vai trò kép của người phụ nữ trong đời sống hiện đại, nhiều ý kiến cho rằng, khi người phụ nữ càng giữ vị trí cao trong xã hội thì vai trò của họ trong gia đình càng nhợt nhạt, thạc sĩ nghĩ sao về điều này?

*
Ở một số gia đình hiện đại, nhiều phụ nữ nắm giữ những vị trí cao, thậm chí còn đóng vai trò chính về kinh tế hay có địa vị xã hội hơn hẳn chồng. Họ không còn thời gian dành cho gia đình. Việc nhà giao cho người giúp việc, nuôi dạy con cái giao cho nhà trường và gia sư. Người phụ nữ không còn đóng vai trò chủ đạo trong những hoạt động mà vốn không ai có thể thay thế họ được như trong bữa cơm hàng ngày, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, kết nối giữa các thành viên. Khi phụ nữ có xu hướng lấn át chồng trong việc làm chủ gia đình, họ có quyền uy và được các thành viên trong gia đình xem trọng. Tuy nhiên, họ lại dễ đánh mất đi sự dịu dàng, hiền hậu vốn có trong mắt bạn đời. Những điều này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Và hơn hết người phụ nữ luôn đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ những giá trị truyền thống của gia đình và xã hội nên sự thiếu vắng hình ảnh của họ trong các hoạt động của gia đình có thể gián tiếp tạo nên những xáo trộn không chỉ trong phạm vi một gia đình mà là toàn xã hội.

* Vậy lời giải cho bài toán cân bằng giữa hai vai trò này là gì, thưa thạc sĩ?

* Tôi nghĩ, trong xã hội hiện đại ngày nay, câu nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” vẫn luôn đúng. Do những đặc điểm về giới nên đàn ông thường mạnh mẽ, quyết đoán, trái lại phụ nữ thường dịu dàng mềm mỏng, vững vàng hơn về tâm lý nên dù ở bất kỳ xã hội nào, người phụ nữ vẫn luôn thích hợp hơn trong việc quán xuyến gia đình, nuôi dạy con. Dù xã hội có hiện đại đến đâu, người phụ nữ có thể đảm trách bất kỳ vị trí nào bên ngoài xã hội, nhưng ở gia đình, vai trò của người phụ nữ là không thể thay thế được. Chúng ta có thể yêu cầu người bạn đời san sẻ việc nhà, có thể nhờ người giúp việc đưa đón con nhưng chúng ta không thể vắng mặt trong bữa tối, trong việc dạy dỗ con cái. Nói cách khác, người phụ nữ là người kết nối chính giữa những thành viên trong gia đình, người giữ lửa và gìn giữ hạnh phúc gia đình.

PHAN NGỌC

Tin cùng chuyên mục