Bảo vệ quyền riêng tư trên mạng

Không phải ngẫu nhiên, tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU-132 vừa kết thúc tại Hà Nội, một phiên thảo luận chủ đề “Dân chủ trong kỷ nguyên công nghệ số và sự đe dọa quyền riêng tư và các quyền tự do cá nhân cơ bản” đã được diễn ra. Hầu hết các đại biểu IPU-132 tham gia phiên thảo luận đều cho rằng, công nghệ số hiện đang có sự phát triển mạnh mẽ, làm cho xã hội được minh bạch hơn, dễ kết nối, chia sẻ hơn; song điều này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, mối nguy hiểm cho bất cứ cá nhân và tổ chức nào.

Chưa bao giờ, xã hội loài người lại chịu sự tác động to lớn từ những thứ “vô hình” như báo điện tử, đến các mạng xã hội như hiện nay. Một thông tin trên Facebook, Twitter có thể được hàng triệu người biết đến trong vòng vài phút và được cập nhật theo cấp số nhân mà không ai có thể dừng lại được. Mỗi ngày, hàng tỷ người đăng nhập trên Internet, tham gia các mạng xã hội, chia sẻ thông tin từ cá nhân đến cộng đồng và góp phần để phát triển những dịch vụ này. Cùng với báo chí truyền thống, báo điện tử và mạng xã hội đã trở thành kênh cung cấp thông tin cho xã hội. Đặc biệt hơn, hầu hết mỗi người, khi đã tham gia Internet và các mạng xã hội, xem đó là “một phần cuộc sống” của mình.

Nhưng, đi kèm đó là vấn đề an ninh mạng, quyền tự do cá nhân. Những thông tin tự do, trôi nổi trên mạng không có sự kiểm soát cũng theo đó được truyền bá rất nhanh, tác động trực tiếp tới xã hội, gây nhiễu loạn thông tin và tác động xấu đến vấn đề ra quyết sách của nhiều chính phủ, tổ chức. Thế giới đã từng có nhiều vụ bê bối từ việc lợi dụng thông tin cá nhân, sự tự do của Internet, và đó là những bài học cho bất cứ chính phủ, tổ chức và cá nhân nào.

Tại phiên thảo luận của IPU-132, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, thông tin không được kiểm soát ảnh hưởng đến quyền riêng tư cá nhân, tác động đến vấn đề nhân quyền. Người dân sẽ không thoải mái khi tham gia mạng xã hội khi thông tin cá nhân bị xâm phạm và bất kỳ ai cũng có thể biết thông tin riêng tư của họ. Điều này rất nguy hiểm, nhất là với phụ nữ và trẻ em. Vấn nạn buôn bán phụ nữ, lạm dụng trẻ em trên Internet, các dịch vụ xã hội không còn là điều xa lạ hiện nay.

Chưa hết, các tổ chức khủng bố, tình báo hiện nay đã “thâm nhập và ẩn mình” trong thế giới ảo, qua đó, họ có thể có trong tay mọi thông tin của cá nhân, tổ chức mà họ nhắm vào. Điều này không những vi phạm quyền tự do cá nhân, dân chủ, nhân quyền mà còn gây nguy hiểm cho xã hội.

Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của công nghệ số và Internet, mạng xã hội đã tồn tại và phổ biến. Đây được xem là một phương tiện để kết nối bạn bè và chia sẻ thông tin. Do vậy, tự cá nhân mỗi người phải chắt lọc thông tin cho mình vì đó không phải là kênh thông tin chính thống. Một trong những mục tiêu của mạng xã hội là nâng cao vai trò của mỗi công dân trong việc tạo lập quan hệ và tự tổ chức xoay quanh những mối quan tâm chung trong những cộng đồng thúc đẩy sự liên kết các tổ chức xã hội. Khi mỗi cá nhân quyết định tham gia Internet và các mạng xã hội, cần phải ý thức được rằng, có những rủi ro, nguy hiểm đi kèm điều mình làm.

Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn, bản thân mỗi người khi tham gia mạng xã hội, cần phải tìm đến những nguồn thông tin chính thống hoặc tìm hiểu kỹ hơn về mức độ chính xác thông tin mà mình tiếp nhận. Vì thế, tất cả những người dùng mạng xã hội đều phải lưu ý đến vấn đề bí mật đời tư và xâm phạm đến bí mật đời tư của người khác. Mỗi cá nhân tham gia mạng xã hội phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra. Hiện nay, trên mạng xã hội, việc mạo danh các cá nhân, tổ chức, nhất là mạo danh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để phục vụ ý đồ xấu là hết sức nguy hiểm. Vì vậy, người sử dụng mạng xã hội cũng phải đề cao cảnh giác như cảnh giác đối với những kẻ mạo danh trong xã hội thực chúng ta đang sống.

Trên bình diện quốc tế cũng như đối với Việt Nam, việc cần xây dựng cơ chế luật pháp để xử lý việc lợi dụng công nghệ thông tin, Internet để xâm phạm dân chủ, nhân quyền là điều cần được ủng hộ, sớm thực hiện. Làm sao để một mặt bảo đảm an ninh quốc gia, mặt khác bảo đảm thông tin được đưa lên Internet không bị sử dụng sai trái, gây nguy hiểm cho cộng đồng và từng cá nhân. Bởi dù là Internet hay “xã hội ảo” thì tất cả đó đều là do con người tạo ra và vì con người để phát triển. Không thể vì những cái đó để làm cho mỗi con người mất đi quyền riêng tư, sự tự do cá nhân của mình. Công nghệ số, mạng xã hội phát triển không có nghĩa là quyền tự do cá nhân bị xóa bỏ.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục