Đảo xa đã gần

Gần 40 năm trước, Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) là xã đảo nghèo với những căn nhà lụp xụp, không nước sạch, không điện thắp sáng. Còn bây giờ, Thạnh An toàn nhà tường xây, đường tráng bê tông phẳng phiu.
Đảo xa đã gần

Gần 40 năm trước, Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) là xã đảo nghèo với những căn nhà lụp xụp, không nước sạch, không điện thắp sáng. Còn bây giờ, Thạnh An toàn nhà tường xây, đường tráng bê tông phẳng phiu.

Thậm chí, những ngày này, dân đảo còn rục rịch mua sắm thêm trang thiết bị điện tử. Từ xài điện máy phát, hôm nay Thạnh An đã có điện lưới quốc gia hẳn hoi - điều mà chưa ai dám nghĩ tới, nay đã thành sự thật…

Thi công kéo cáp từ Cần Thạnh ra đảo Thạnh An

Đảo xa đã gần

Nhớ cách đây vài năm, trạm cấp điện chạy bằng diesel cho Thạnh An được nâng cấp, máy chạy 24/24 giờ khiến nhiều người dân của xã mừng ra mặt. “Ở đảo, có điện, dù là điện chạy dầu diesel nhưng chạy 24/24 giờ là mừng lắm rồi, chứ hồi trước chỉ chạy đến 10 - 11 giờ đêm là cúp”, một người dân của đảo đã tâm sự như vậy. Bà con mừng vì sự đổi thay nhưng chính quyền vẫn nặng lòng với đảo xa. Hôm cuối năm 2014, gặp Chủ tịch xã Huỳnh Anh Tuấn, anh vẫn trăn trở chuyện vẫn còn 28% hộ nghèo, điện mỗi năm nhà nước phải bù lỗ mười mấy tỷ đồng… “Có điện lưới quốc gia, đời sống bà con sẽ ổn định hơn, sản xuất có điều kiện phát triển…”.

Có ai ngờ rằng cũng chính thời điểm ấy, thành phố đã mạnh dạn cho thi công tuyến cáp 22kV vượt biển để đưa điện lưới quốc gia về đảo Thạnh An. Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM - đơn vị chủ đầu tư công trình - cho biết: “Đây là công trình mà đơn vị thi công nhanh nhất, chỉ khoảng 4 tháng là xong dù gặp khá nhiều khó khăn, trở ngại”. Cuối tháng 12-2014 khởi động. Bên nhà thầu chạy đua với thời gian: phối hợp với bên công binh để rà phá bom mìn, khảo sát hiện trường, đặt 5.875m cáp từ bên Ý… Cái khó cho việc thi công, rải cáp từ Cần Thạnh ra Thạnh An là băng ngang tuyến vận chuyển của tàu bè, đáy biển toàn bùn sình… Lãnh đạo liên doanh Công ty Thái Dương - NMS, đơn vị từng thi công kéo cáp vượt biển cho nhiều công trình ở trong nước, lần này cũng “kêu trời” vì gặp quá nhiều trở ngại kỹ thuật như vướng luồng lạch, gió mùa Tây Nam, sóng lớn… Thế nhưng, cuối cùng, gần 6.000m cáp đã được kéo xong, việc chôn và định vị cáp đảm bảo kỹ thuật. Và ngày 12-4 vừa qua, các bên liên quan đã đóng điện thử nghiệm đạt yêu cầu kỹ thuật và ngày 18-4, công trình cáp băng biển cấp điện cho đảo Thạnh An chính thức được khánh thành.

“Lượng điện cung cấp cho xã trước đây chỉ 1,3 triệu kWh, bình quân 250 - 280 kWh/người/năm, trong khi bình quân sản lượng điện cho người dân thành phố là 2.300 kWh/năm. Công trình này đưa vào vận hành sẽ tăng khả năng cấp điện lên 10 lần hiện nay, có nghĩa người dân Thạnh An sẽ được xài điện như dân nội thành. Đảo không còn xa nữa”, ông Bảo nói.

Và diện mạo nông thôn mới

Thực hiện chủ trương “Chung sức xây dựng nông thôn mới” của thành phố, Tổng Công ty Điện lực TPHCM còn hỗ trợ xóa nhà dột, nhà tạm tại Thạnh An. Ngày 9-5-2014, tổng công ty đã khảo sát tại 3 ấp Thạnh Hòa, Thạnh Bình và Thiềng Liềng.

Sau khảo sát, tổng công ty đã hỗ trợ tổng cộng 109 căn, trong đó xây dựng mới 65 căn (trị giá 50 triệu đồng/căn), sửa chữa 44 căn với tổng kinh phí 4,4 tỷ đồng. Ngày 1-7-2014, số tiền đã được chuyển theo đúng tiến độ để xã và người dân kịp thời thực hiện việc xây dựng và sửa chữa nhà. Vẫn còn những hộ nghèo cần sửa chữa nhà, tháng 9-2014, tổng công ty tiếp tục hỗ trợ xã Thạnh An xây dựng và sửa chữa thêm 19 căn, trong đó xây mới 5 căn (trị giá 50 triệu đồng/căn) và sửa chữa 14 căn (trị giá 30 triệu đồng/căn).

Việc hỗ trợ không chỉ đơn thuần là chuyển tiền - sửa nhà. Phía tổng công ty và xã luôn gắn bó và kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh. Như có 4 căn đã xuống cấp nghiêm trọng, không thể sửa chữa theo đánh giá ban đầu nên từ đề nghị của xã, ngành điện lực đã nâng mức hỗ trợ kinh phí để xây mới 4 căn nhà (có 3 căn từ diện sửa chữa sang xây mới với trị giá 50.000.000 đồng/căn và 1 căn nâng mức chi phí sửa chữa với trị giá 40.000.000 đồng/căn). Kết thúc chương trình, đã có 128 căn nhà được xây mới và sửa chữa với tổng kinh phí lên đến 5,2 tỷ đồng.

Bên cạnh việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà tại Cần Giờ, từ năm 2009 ngành điện lực TPHCM đã đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời cho hơn 150 hộ dân ở ấp Thiềng Liềng, triển khai các chương trình công tác xã hội như chương trình sửa chữa hệ thống điện trong hộ dân, gắn mới điện kế, tặng radio…

40 năm sau ngày giải phóng thành phố, dân xã đảo Thạnh An ngày nào còn nghèo nàn, nay đã có bộ mặt nông thôn mới đủ đầy…

CÁT TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục